Vào "điểm nóng" di dân tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 2): Cư Pui nơi gửi gắm những niềm hy vọng

Khương Lực Thứ bảy, ngày 25/11/2023 14:04 PM (GMT+7)
Xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk từng là điểm nóng về di dân tự do. Cả mấy nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc đã ồ ạt di dân vào đây. Suốt 20 năm qua, chính quyền đại phương đã nỗ lực tìm giải pháp giúp bà con dần ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Từ trung tâm huyện Krông Bông vào xã Cư Pui là màu xanh bạt ngàn của nương sắn, nương lúa và nương cà phê. Con đường lầy lội khi xưa, nay đã được trải bê tông phẳng lì. Những gian khó của mấy thập niên trước đã đang dần lùi xa, thay vào đó là cuộc sống mới của mấy nghìn hộ dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây. Bà con đã dần ổn định cuộc sống, họ có đất sản xuất, có nhà để ở và có trường học cho trẻ em.

Đến vùng bố trí, ổn định dân di cư tự do ở xã Cư Pui vào những ngày này mới cảm nhận hết được sức sống mãnh liệt nơi cao nguyên trù phú. Biết bao thân phận, bao con người đã từng phải sống du canh, du cư, chưa biết ngày mai thế nào, nay đã đã được bố trí nơi ở ổn định, giúp các hộ dân an tâm sinh sống, gắn bó lâu dài trên vùng đất đỏ này.

Những ngày đầy gian nan

Chiều cao nguyên nắng như rót mật lên những ngôi nhà lợp tôn của bà con người Mông ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui. Nhà nhà đã bắt đầu nhóm bếp chuẩn bị bữa tối. Tiếng gà gáy râm ran, tiếng trẻ em í ới gọi nhau về như xua tan vẻ tĩnh mịch nơi miền sơn cước. Cũng là bản của người Mông, nhưng ở vùng cao nguyên này gọi là thôn.

Nhịp sống nơi cao nguyên đầy nắng và gió đã có sự đổi thay không hề nhẹ. Bà con người Mông sống ở đây không còn cái cảnh đầu tắt mặt tối khi đi làm về nữa. Nếu như trước đây, chị em gồng mình gùi ngô, gùi lúa, nay họ chất mọi thứ lên xe máy chạy một mạch từ nương về nhà. Các chàng trai không phải vất vả điều khiển con ngựa thồ nữa, họ đi lại băng băng trên đường. Cuộc sống êm ấm, no đủ đang hiển hiện trên từng nếp nhà của bà con người Mông.

Vào "điểm nóng" di dân tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 2): Cư Pui nơi gửi gắm những niềm hy vọng- Ảnh 1.

Trường Tiểu học Ea Bar, xã Cư Pui, Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk được xây dựng khang trang, sạch, đẹp, giúp cho trẻ em của các hộ dân di cư tự do từ phía Bắc vào có nơi học hành, vui chơi. Ảnh Khương Lực

Vào "điểm nóng" di dân tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 2): Cư Pui nơi gửi gắm những niềm hy vọng- Ảnh 2.

Nhờ có trường lớp được xây dựng ngay trong thôn nên trẻ em đến trường học rất thuận lợi.Ảnh: Khương Lực

Bà Sùng Thị Lăng – năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng nom bà còn khỏe lắm. Bà đứng bên bờ rào, cạnh nương cà phê sai trĩu quả gọi mấy đứa cháu về nhà ăn cơm. Bà Lăng vận bộ trang phục của người Mông, áo thổ cẩm và váy chùm, nhưng chỉ có khác là chất liệu không phải là sợi lanh mà là bằng vải may sẵn. Dường như những nếp sống ở nơi quê cũ đang dần phai nhạt ở nơi cao nguyên này. Đến hôm nay, bà Lăng vẫn không nghĩ rằng mình lại có cuộc sống no đủ như ngày hôm nay.

Ngồi bên hiên nhà, bà đưa ánh mắt buồn rầu về phương Bắc – nơi mà cách đầy 25 năm, bà cùng bầu đoàn thê tử bỏ quê Tuyên Quang kéo vào Tây Nguyên tìm nơi định cư mới. Bà Lăng kể, vợ chồng con cái nheo nhóc, bắt xe mất cả tuần trời mới vào tới Cư Pui. Nơi đây rừng hoang, núi thẳm. Cả nhà bà lầm lũi vượt rừng, vượt suối vào Cư Pui. Sống ở nơi không điện, đường, trường, trạm…, gia đình bà chặt cây dựng cái lều ở tạm. Cuộc sống thiếu thốn đủ đường, nhưng bà vẫn tin là nơi này có đất sản xuất tốt hơn, chỉ sau vài vụ là gia đình sẽ bớt khổ.

Mùa nối mùa trôi qua, những ngày đầu bà Lăng cùng mấy chục gia đình khác khai khẩn đất rừng để dựng nhà, làm nương, làm rẫy. Biết bao khó nhọc, mưa nắng dãi dầu nơi quê mới khiến bà Lăng thêm phần tiều tụy. "Ngày đó chính quyền địa phương cũng phản đối dữ lắm. Họ đến yêu cầu mình trở về nơi ở cũ và bắt ký cam kết không được phá rừng. Cả gia đình sống trong cảnh thiếu thốn trăm đường, nhưng vẫn cố gắng bám trụ ở lại", bà Lăng chia sẻ.

Cũng giống như gia đình bà Lăng, cả mấy chục hộ người Mông khác cũng sống trong cảnh màn trời, chiếu đất nhiều ngày liền. Họ di dân tự do, nên nơi ở chưa được chính quyền địa phương công nhận. Con cái họ lớn lên trong cảnh thiếu thốn đủ đường. Ốm đau tự vào rừng tìm lá thuốc. Trẻ đến tuổi đi học cũng chỉ biết ở nhà, vì ở giữa nơi rừng rú không có trường học.

Ông Ma Seo Nhà, Trưởng thôn Ea Bar cũng là một trong những hộ dân đầu tiên di dân vào nơi đây. Suốt 20 năm qua, ông cùng gia đình cũng trải qua trăm cay ngàn đắng khi tìm cơ hội định cư ở vùng cao nguyên này. Họ cũng từng phải di chuyển qua nhiều cánh rừng mới tìm được nơi sản xuất. Theo ông Nhà, bà con vào nơi ở mới, chưa được chính quyền công nhận, sống còn khổ hơn nơi ở cũ. Bà con thiếu thốn trăm đường, động viên nhau phát nương, làm rẫy rồi cuộc sống sẽ ổn hơn trước.

Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui là người chứng kiến đoàn người di cư ồ ạt từ miền Bắc vào nơi này. Từng tốp các gia đình người Mông, người Thái, người Tày bất chấp tương lai bất định ở phía trước, cứ dắt díu nhau vào rừng sâu, núi thẳm tìm kiếm cơ hội sống. Biết bao vụ phá rừng trái phép rồi tranh chấp với người dân địa phương đã xảy ra. Cả một vùng cao nguyên "nóng" lên vì di dân tự do. "Khi đó, chính quyền xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý những hộ di dân tự do này. Nhiều vấn đề xã hội đã xảy ra. Nếu cứ để tình trạng đó tái diễn sẽ khiến xã Cư Pui gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý dân cư" - ông Nghiệp nhớ lại.

Sức sống mãnh liệt trên quê mới

Nhiều năm trước đây, tình hình di dân tự do không chỉ diễn ra ở xã Cư Pui mà ở nhiều xã khác của huyện Krông Bông như Hòa Phong, Cư Đrăm. Cả mấy nghìn hộ dân di cư ngoài quy hoạch đã gây ra tình trạng mất an ninh tại các địa phương. Trước vấn đề "nóng" này, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng đã vận dụng nhiều chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt Chương trình bố trí dân cư theo QĐ số 1776/QĐ-TTg (nay là Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ để giúp người dân di dân tự do có nơi ở ổn định. Từ đây, chính quyền địa phương tìm ra giải pháp quản lý ổn thỏa.

Vào "điểm nóng" di dân tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 2): Cư Pui nơi gửi gắm những niềm hy vọng- Ảnh 4.

Cuộc sống mới của mấy nghìn hộ dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Khương Lực

Trong những năm vừa qua, thực hiện các văn bản trên, UBND huyện Krông Bông đã triển khai 3 dự án ổn định dân cư ngoài kế hoạch gồm: Dự án sắp xếp, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch thôn Noh Prông, xã Hòa Phong đã định canh, định cư cho 470 hộ, với 2.608 nhân khẩu; các hộ dân được cấp tổng cộng 18,7 ha đất ở và 420 ha đất sản xuất; Dự án ổn định dân di cư ngoài kế hoạch ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui, đã ổn định được 1.236 hộ, với 8.007 nhân khẩu; đồng bào được cấp 23,77 ha đất ở và 1.418 ha đất sản xuất; thôn Ea Lang được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để bảo đảm đời sống. Dự án quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch thôn Cư Dhắt, xã Cư Đrăm đã ổn định cho 199 hộ, với 1.125 nhân khẩu; các hộ dân thôn Cư Dhắt được cấp 99,5 ha đất ở và 437,8 ha đất sản xuất; 78% hộ dân đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95% hộ có điện sinh hoạt.

Tháng 6/2022, từ nguồn ngân sách của Trung ương và của tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư gần 120 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, gồm 20 km đường và một cây cầu, nhằm ổn định cuộc sống cho 192 hộ, với 1.028 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông di cư ngoài kế hoạch vào thôn Ea Rớt, xã Cư Pui trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2000.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, về kết quả thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho đồng bào, theo dự án được phê duyệt có 4 dự án cho 1.373 hộ với khoảng 8.500 nhân khẩu. Tuy nhiên, thực tế đã ổn định cho được 2.851 hộ và khoảng hơn 16.000 nhân khẩu. "Sau khi dự án ổn định dân di cư tự do của thôn Ea Rớt hoàn thành thì cơ bản trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc thực hiện các dự án sắp xếp dân cư cho đồng bào di cư vào huyện" – ông Pháp thông tin.

Những nỗ lực của chính quyền địa phương đã giúp bà con người Thái, người Mông, người Tày dần có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ dân còn biết làm giàu trên quê hương mới. Gia đình ông Vi Văn Chấp từ huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) di dân vào xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk năm 2000, đến nay gia đình ông đã có nhà cửa ổn định.

Vào "điểm nóng" di dân tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 2): Cư Pui nơi gửi gắm những niềm hy vọng- Ảnh 5.

Gia đình ông Vi Văn Chấp từ huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) di dân vào xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk năm 2000, đến nay gia đình ông đã có nhà cửa ổn định. Ảnh: Khương Lực

Ông cùng gia đình di dân vào nơi này đã ngoài 20 năm có lẻ. Khi đến nơi ở mới việc đầu tiên là ông trồng sắn, trồng ngô, khoai để chống đói cho gia đình. Trải qua bao nắng mưa, bao vất vả cực nhọc, dần dần gia đình ông đã ổn định cuộc sống. Đặc biệt là từ khi chính quyền tỉnh cho xây dựng khu tái định cư, điện, đường, trường, trạm được xây dựng, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, con, cháu của ông được đến lớp.

"Hồi năm 2000 vào đây, rừng rú hoang sơ lắm. Mình tự phát lấy đất sản xuất trồng cây cà, trồng mì, trước là trồng mì, sau trồng cà, trồng dứa… Vườn quy hoạch hết rồi, rộng hơn 2ha ở bên trên, còn bên dưới nữa giờ đang trồng cà phê, dưới trồng dứa, trên này cà phê trồng xen sầu riêng" – ông Chấp nói và cho biết với diện tích hơn 2ha, mỗi năm gia đình ông thu về đôi ba trăm triệu đồng.

Chúng tôi đến thôn Ea Bar, xã Cư Pui vào đúng ngày các thôn làng nơi đây tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Bà con người Mông váy áo súng sính, các chàng trai vác khèn đến xã cùng giao lưu văn nghệ. Mấy lão nông người Thái ôm đàn tính tẩu. Sắc phục truyền thống của bà con người dân tộc Tày, người Thái, người Mông như tô điểm thêm cho cuộc sống phồn thịnh nơi cao nguyên.

"Đến thời điểm bây giờ, hạ tầng cơ sở trên địa bàn xã tương đối đầy đủ, các tuyến đường giao thông đã được bê tông hóa từ các thôn đến trung tâm xã và các tuyến liên thôn cũng như đường giao thông nội đồng. Các trường học đã được kiên cố hóa, xóa đi những trường học tạm bợ, đến nay các trường học trên địa bàn xã cũng đã đầy đủ" – ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui vui vẻ nói

Giờ đây các bản người Mông, người Thái, người Tày… trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã ổn định cuộc sống. Trong mỗi bản đã xuất hiện những điển hình tiên tiến trong làm kinh tế và xây dựng dân cư. Bà con đã có của ăn, của để, con cái của họ được học hành đến nơi đến chốn. Sức sống mãnh liệt nơi cao nguyên đang được bà con đồng lòng xây dựng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem