Mùa này dân ở Đắk Lắk vô rừng đi "săn" thứ quả dại chín mọng bán làm đặc sản, đó là loại quả gì?

Thứ bảy, ngày 23/12/2023 09:42 AM (GMT+7)
Những cánh rừng đại ngàn ở Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loại động, thực vật. Mùa mưa đến, cây trái, trong đó có các loại trái dại như nho rừng phát triển tươi tốt cũng là lúc người dân len lỏi vào những cánh rừng sâu tìm “lộc rừng”.
Bình luận 0

Lên rừng “săn” quả dại

5 giờ sáng, khi cỏ cây còn ướt đẫm sương mai, anh Đỗ Thái Bình (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã tất bật sửa soạn đồ nghề gồm: liềm, sọt, dao và một ít thức ăn, nước uống để bắt đầu cho một chuyến đi rừng. 

Từ nhà, vượt quãng đường gần 40 km, theo con đường mòn, anh dựng xe phía bìa rừng rồi men theo khe suối, len lỏi qua những bụi rậm, băng rừng tìm quả. 

Gạt vội những giọt mồ hôi đang lăn trên trán, anh Bình hồ hởi nói: “Mùa này đang là mùa của măng rừng và các loại quả như: nho rừng, na rừng, chòi mòi…, nếu chịu khó đi tìm, cũng kiếm được kha khá tiền”.

Vượt qua quãng đường khá dài, vừa đi vừa phát cỏ, dọn dây, anh Bình dừng lại trước một bụi cây rậm rạp, ngổn ngang dây leo đan xen vào nhau, vạch lớp lá xanh um để lộ ra những chùm nho rừng lúc lỉu với quả to cỡ đầu ngón tay út, màu tím sẫm. 

Anh dùng liềm cắt lấy những chùm nho mọng nước rồi đặt nhẹ nhàng vào sọt, tiếp tục lần theo dây nho rừng để tìm cắt những chùm ở trên cao. 

Theo lời anh Bình, nho rừng có sức sống mãnh liệt, thường mọc hoang bám trên cây thân gỗ lớn hoặc leo lên bụi tre. 

Trên mỗi thân ra nhiều chùm trái nho, mỗi chùm có thể nặng từ 1 - 3kg. 

Có những chùm nho rừng thấp gần mặt đất, nhưng cũng có dây nho leo cao tới 4 - 5 m, phải trèo lên cây hoặc buộc liềm vào cây sào dài  mới cắt xuống được.

Mùa này dân ở Đắk Lắk vô rừng đi "săn" thứ quả dại chín mọng bán làm đặc sản, đó là loại quả gì? - Ảnh 1.

Anh Đỗ Thái Bình, (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) với chùm nho rừng chín mọng.

Mùa mưa, khu rừng ẩm thấp, muỗi vo ve bên tai, thi thoảng những con côn trùng như kiến, bọ lại lẻn qua lớp quần áo bò râm ran trên da thịt người đi rừng. 

Tuy vậy, anh Bình đã quá quen thuộc với điều này, không mảy may để ý, cứ thế men theo khe suối, vượt qua nhiều vạt rừng, leo trèo lên các cây cao tìm nho, đến cuối ngày, anh cũng hái được hơn 40 kg nho rừng chín.

Nho rừng chín rộ khi mưa đến, thường là vào cuối mùa mưa Tây Nguyên. 

Vốn có thâm niên nhiều năm đi rừng, những ngày qua, bà Nông Thị Hạ (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) huy động hết nhân lực của gia đình vào rừng hái nho bán kiếm thêm thu nhập. 

Bà Hạ trò chuyện, hằng năm, khi mùa mưa đến, bà cùng nhiều người dân ở huyện Ea Súp lại khăn gói đi tìm “lộc rừng”, chủ yếu vẫn là lấy măng và hái các loại quả rừng bán cho thương lái, nếu chăm chỉ, mỗi ngày cũng thu được vài chục ký măng hoặc trái cây. 

Mùa này dân ở Đắk Lắk vô rừng đi "săn" thứ quả dại chín mọng bán làm đặc sản, đó là loại quả gì? - Ảnh 2.

Nho rừng là loại cây dây leo, có sức sống mãnh liệt trong các khu rừng ở Đắk Lắk.

Đi cả ngày dài bởi thế người đi rừng phải có sức khỏe dẻo dai, chịu khó, tinh mắt, nhanh tay. 

Việc bị trầy xước chân, tay là quá đỗi bình thường, thậm chí còn có nguy cơ đối mặt với những hiểm nguy như bị rắn độc, bọ cạp và ong vò vẽ tấn công, đổi lại sẽ có thêm một khoản kha khá để trang trải cuộc sống.

Đặc sản “hút” hàng

Từ loại quả dại mọc ven rừng, giờ đây, nho rừng được người dân các tỉnh săn lùng, tìm mua, trở nên "hút" hàng mỗi khi mùa mưa đến.

Chị Chu Thị Thắng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), một thương lái chuyên mua bán các loại dược liệu, đặc sản rừng chia sẻ, nhiều năm nay, các loại trái cây rừng trở thành đặc sản, nhiều lúc cung không đủ cầu.

Hiện nho rừng có giá dao động từ 30 - 100 nghìn đồng/kg, tùy theo mức độ hàng loại 1, loại 2 và vùng bán.

Cùng với nho rừng, Tây Nguyên cũng đang vào mùa của một số loại quả rừng khác như na, chòi mòi. Trung bình mỗi mùa, chị Thắng bỏ mối đi khắp các tỉnh thành trên cả nước khoảng vài tấn các loại quả trên.

Nho rừng có vị thơm khá đặc trưng, khi xanh có vị rất chua, thường dùng để nấu canh chua, kho cá. Khi chín chùm quả chuyển sang màu đỏ thẫm và tím đậm, có vị ngọt được dùng làm thuốc hoặc ngâm đường phèn, ngâm rượu uống. 

Anh Nguyễn Văn Tiến (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, quả nho rừng ăn trực tiếp thường bị ngứa ở cuống họng, tuy vậy khi ngâm lên lại trở thành thức uống thơm và ngon, đậm đà hơn quả nho bình thường. 

Vài năm nay, cứ đến mùa mưa là anh lại tìm mua vài chục ký nho về ngâm rượu và ngâm đường phèn làm siro. Loại quả này mọc tự nhiên nên sạch và an toàn cho sức khỏe.

“Không chỉ tôi mà bạn bè ở các tỉnh cũng khá hứng thú với quả nho rừng, mỗi năm đều đặt tôi ngâm sẵn thành từng hũ gửi đi để thưởng thức. Họ bảo, nhấm nháp ly rượu ngâm từ quả nho rừng mọc trên miền đất đỏ, cảm giác vẫn rất khác biệt, đậm vị, nồng say”, anh Tiến bộc bạch.

Huyền Diệu (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem