Lạc vào vườn lan, dâu trên cao nguyên Mộc Châu của trai gốc Hà Nội

Phan Hữu Minh Thứ năm, ngày 13/04/2017 19:15 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, lượng du khách đổ về Mộc Châu (Sơn La) ngày một tăng, bởi về với Mộc Châu là về với thiên nhiên, với đất trời. Đón bắt được xu hướng đó, từ năm 2010, Nguyễn Thanh Tuấn - chàng trai gốc Hà Nội đã lập trang trại kiêm khu du lịch sinh thái Hoa cảnh Cao nguyên.
Bình luận 0

Nguyễn Thanh Tuấn giờ rất lắm “chức”: Chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, lão nông, giám đốc… gọi thế nào cũng đúng.

Bảy năm cho một mô hình

img

Anh Nguyễn Thanh Tuấn kiểm tra vườn phong lan.  Ảnh: Đàm Duy

Sau 7 năm vừa làm vừa học, vừa xác định hướng đi. Bây giờ Công ty CP Hoa cây cảnh Cao nguyên là địa chỉ cung cấp hoa lan rừng, dâu tây Nhật Bản,sản xuất theo quy trình công nghệ cao cho mọi miền.

Quê gốc Hà Nội, nhưng Tuấn sinh ra và lớn lên ở Mộc Châu. Từ nhỏ, anh đã sớm gắn bó với rừng. Anh say mê sưu tập, cấy ghép, tạo dáng và chăm sóc các loài lan rừng từ khi còn là một cậu học sinh cấp 3. Những giò lan quanh nhà ngày một nhiều thêm và Tuấn bắt đầu tìm những loại địa lan, phong lan, lan rừng để nuôi trồng trong vườn nhà.

Mộc Châu những năm đổi mới bắt đầu đẩy mạnh sự giao lưu kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa, phát triển các mô hình kinh tế tư nhân. Anh Tuấn cũng trăn trở tìm cơ hội phát triển sự nghiệp của mình. 

Yêu quý vẻ đẹp của các loài hoa lan, sự đam mê nuôi trồng, bảo tồn hoa lan tại nhà từ bấy lâu đã thôi thúc  anh chọn con đường khởi nghiệp từ hoa lan. Lúc ấy, suy nghĩ của anh khá đơn giản, cứ làm theo mô hình trồng lan ở Đà Lạt rồi mở rộng, xây dựng khu nông nghiệp cao chuyên sản xuất, nhân giống, nuôi trồng, bảo tồn các loài lan bản địa và nhập ngoại, xây dựng một trang trại hoa lan xinh đẹp, thơ mộng để hấp dẫn khách du lịch rồi phát triển loại hình du lịch homestay.

Đến đầu năm 2010, Nguyễn Thanh Tuấn  mới tìm được địa điểm thích hợp, đó chính là khu đất gần 2ha tại Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu), cách đường Quốc lộ 6 gần 3km. Để thực hiện ước mơ của mình, anh quyết định rời khỏi nhà vào ở trong trang trại, ngày đêm lao động gắn bó với cây với đất, với núi đồi và vùng trời cao nguyên.

Công ty CP Hoa cảnh Cao nguyên của anh chính thức được thành lập năm 2010, hiện có 30 -35 nhân công, tất cả là người dân tộc ở địa phương.

Tình yêu với phong lan, dâu tây

img

Anh Nguyễn Thanh Tuấn phân loại dâu để bán tại trang trại.  Ảnh: P.H.M

Mục tiêu phát triển của nông dân Nguyễn Thanh Tuấn là đầu tư trang trại hoa lan và dâu tây, không chỉ cung cấp đặc sản vùng mà còn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích kinh doanh, phát triển du lịch Mộc Châu. Tuy nhiên, anh Tuấn cũng nói rõ: “Mục đích của tôi là tạo một môi trường du lịch hấp dẫn, bổ ích, vui khỏe cho khách tham quan du lịch Mộc Châu”.

Trên thực tế, sau 3 năm làm việc tích cực để xây dựng trang trại hoa lan – dâu tây, từ năm 2012, công ty bắt đầu triển khai xây dựng các công trình nhà sàn homestay, khu dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, thưởng thức các món ăn dân tộc, thưởng thức không gian văn hóa các dân tộc, không khí trong lành và cảnh đẹp thiên nhiên Mộc Châu. Nhiều du khách đến đây nghỉ dưỡng hay vui chơi ngắm cảnh đều có những nhận xét rất hài lòng về  “Thiên đường hoa lan – dâu tây” và homestay. Trang trại hoa lan – dâu tây của công ty  trở thành một điểm sáng trong vùng, một điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Nhà sàn homestay của Hoa cảnh Cao nguyên được trang du lịch Mộc Châu xếp hạng là một trong số sáu nhà sàn đẹp nhất Mộc Châu; dâu tây Mộc Châu của trang trại được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La cấp giấy chứng nhận thương hiệu dâu sạch đạt tiêu chuẩn; trang trại dâu tây đạt chuẩn vùng trồng dâu sạch VietGAP.

Khi được hỏi về những dự định cho tương lai, Tuấn tâm sự: Trang trại có vị trí gần quốc lộ số 6, nằm trong quy hoạch khu du lịch của huyện và trong vùng du lịch quốc gia nên thích hợp cho việc đầu tư phát triển. Địa hình khu vực khá đẹp và đa dạng nên thích hợp cho việc sản xuất, trồng cây và trồng hoa, dễ kiến tạo cảnh quan đẹp. Những điều kiện khí hậu và đất đai, nguồn nước khá phù hợp với hoa lan và dâu tây. Nguồn nhân công lao động là người địa phương  hiền lành, chân thật, yêu lao động, cần cù chịu khó, có tính thần ham học hỏi, khéo tay hay làm.

Với 2ha đất đồi, đến năm 2017, trang trại của anh Tuấn đã trồng tới 5.000 khóm dâu tây theo công nghệ Nhật Bản, kỹ thuật trồng, chăm bón ngặt nghèo, bù lại mỗi ngày cũng thu được vài chục kg, chưa đủ hàng để  bán. Các vườn lan rừng 3.500 chậu, địa lan 1.500 chậu, phong lan 3.500 giò rồi ly, hồng… luôn là tài sản có giá trị của công ty. 2ha đất trở nên chật hẹp, công ty của anh Tuấn thuê thêm 1ha gần đó để mở rộng sản xuất. Anh Tuấn tâm sự: Nghề trồng lan, dâu tây cũng gian truân, nhưng vui, đòi hỏi quyết tâm và sự bền bỉ, kiên trì”.

img

Rất nhiều du khách dừng chân tham quan tại trang trại nhà anh Tuấn.

Anh Tuấn từng vào Đà Lạt, đi Hòa Bình, Nghệ An, sang Lào, Thái Lan… để tìm nguồn giống các loài lan, tìm gỗ khô hay mua gỗ lũa, tổ quạ, dớn… làm nguyên liệu tạo tác các giò, lẵng… Khi đã có một cơ số lan, anh lại tự tìm tòi cách trồng, cách cấy ghép vào gỗ. Nào giáng hương, long tu, chuỗi ngọc, kiều, đai châu, hoàng thảo, kim điệp vàng, phi điệp, lan hài, bạch tiên nữ, quế lan hương, đen zo, van đa, cat lê a, cẩm báo, vẩy rồng, lan Kim tuyến, địa lan rừng, thủy tiên, ý thảo, giả hạc, tóc tiên, hồ điệp, hồng dâu, hạc đỉnh, huyết nhung… Mỗi chậu lan, giò lan, lẵng lan, cây lan ghép vào thân gỗ như một tác phẩm nghệ thuật. Việc nuôi trồng lan bắt đầu được gặt hái thành quả, du khách gần xa đã tìm đến trang trại mua hoa lan và thưởng ngoạn vẻ đẹp của lan. Công ty cũng tìm những phương thức quảng bá cho sản phẩm hoa lan của mình như tiếp thị khách du lịch, tham gia hội chợ hoa, quảng cáo trên trang web “hoacanhcaonguyen” của công ty.

Nguyễn Thanh Tuấn đi Đà Lạt mấy lần để tìm hiểu nguồn giống và học hỏi kinh nghiệm trồng địa lan và dâu tây với ý tưởng trồng dâu tây trên cao nguyên Mộc Châu. Khi một cơ sở khác trong vùng trồng giống dâu tây Nhật Bản thất bại, họ thanh lý một số cây giống, công ty đã  mua lại toàn bộ số cây giống để trồng.

Anh hướng dẫn công nhân làm đất, đánh luống trồng ngoài trời, xử lý đất, dùng phân dơi để bón lót,  hệ thống tưới nhỏ giọt. Kết quả, công ty của anh Tuấn đã trồng và nhân giống thành công giống dâu tây trên đất Mộc Châu với chất lượng quả ngon, ngọt và hình thức quả đẹp, hấp dẫn. Cây dâu tây thực sự là “cứu cánh” của công ty.

Sản phẩm dâu tây trồng tại công ty cho vụ mùa tươi tốt, quả dâu khi chín đỏ không những to, đẹp, sai quả mà còn có vị chín thơm, ngọt lịm. Bước đầu dâu tây đã đem lại nguồn thu nhập cho công ty và hứa hẹn những vụ mùa bội thu. 

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem