Lai Châu: Làm ra thứ nhà nào cũng dùng, trai bản 9X thu tiền triệu mỗi ngày

Thanh Ngân Thứ năm, ngày 16/12/2021 18:47 PM (GMT+7)
Sợ nghề rèn truyền thống của dân tộc bị mai một, 9X dân tộc Mông ở xã San Thàng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã quyết định bỏ việc chuyên môn ở một phòng khám bệnh tư nhân, để nối nghề của cha ông. Nhờ nghề rèn, đều đặn mỗi tháng, anh thanh niên này thu trên dưới 30 triệu đồng ...
Bình luận 0

A Thu phát triển nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông

Người mà chúng tôi vừa nhắc đến là anh Vừ A Thu (SN 1991) dân tộc Mông, hiện đang sinh sống ở bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu). 

Trước khi "bén duyên" với nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông, anh Thu từng làm việc tại một phòng khám bệnh tư nhân ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Lai Châu: Rèn ra thứ nhà nào cũng cần, 9X dân tộc Mông thu tiền đều tay - Ảnh 1.

Anh Vừ A Thu, bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) bén duyên với nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông từ mấy năm nay. (Ảnh: Thanh Ngân)

Anh Thu sinh ra và lớn lên tại xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Năm 2013, A Thu tốt nghiệp Trung cấp Y sỹ đa khoa. Sau đó, anh đi học thêm kĩ thuật chụp Xquang, rồi mới xin vào làm việc ở phòng khám tư.

"Làm công việc chuyên môn ở phòng khám tư, tôi được trả lương 3 triệu đồng/tháng. Nhận thấy mức lương này không đủ sống nên tôi xin nghỉ việc sau 2 năm gắn bó. Trở về quê nhà, tôi quyết định đến với nghề rèn truyền thống của dân tộc...", anh Thu nhớ lại.

Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông có từ lâu đời. Tuy nhiên, nghề rèn đang có nguy cơ bị mai một, vì lớp trẻ không có ai chọn nghề này. Với mong muốn giữ gìn, phát triển nét văn hóa truyền thống đó, nên anh đã chọn nghề rèn. Anh chuyên tâm vào một thứ, đó là rèn dao...

Nói là làm, anh Thu mua sắm đồ nghề, nguyên liệu, bắt tay vào rèn dao bán ra thị trường. Từng nhiều lần được xem và học hỏi từ các cụ trong bản nên khi bắt tay vào thực hiện, anh Thu không gặp nhiều trở ngại về kĩ thuật rèn dao. 

Anh vừa làm vừa nghiên cứu chuyên sâu, đúc rút kinh nghiệm rèn dao cho riêng mình. Dao do anh Thu rèn không chỉ đẹp về mẫu mã, mà còn đảm bảo được độ sắc bén và bền. Thế nhưng, sản phẩm dao các loại của anh Thu lại bán không chạy, vì thị trường chỉ bó hẹp trong bản, trong xã.

Lai Châu: Rèn ra thứ nhà nào cũng cần, 9X dân tộc Mông thu tiền đều tay - Ảnh 2.

Nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông có từ xa xưa và được lưu giữ, phát triện đến ngày nay. (Ảnh: Thanh Ngân)

Để dao do mình rèn được nhiều người biết đến hơn, anh Thu quyết định xuống Lai Châu tìm địa điểm để phát triển nghề rèn. Và anh đã chọn được vị trí đặt lò rèn ở ngay bên cạnh Quốc lộ 4D, thuộc bản San Thàng – nơi có nhiều người qua lại. 

Tiếng lành đồn xa, dao do anh Thu rèn sắc bén, ngày càng được nhiều người biết và tin tưởng mua về dùng. Anh Thu chuyên rèn dao bếp và dao đi rừng để bán ra thị trường bằng nhiều hình thức: Trực tiếp, bán hàng online và qua các cộng tác viên bán hàng.

Muốn rèn dao sắc bén phải chọn thép tốt

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về nghề rèn dao, anh Thu bộc bạch: "Nghề rèn dao truyền thống của dân tộc Mông, chủ yếu được làm thủ công, nên đòi hỏi phải có sức khỏe. Ngoài sức khỏe thì phải có niềm đam mê, nếu không rất khó bám trụ được, vì nghề rèn khá vất vả. Để cho "ra lò" con dao sắc bén, bền đẹp thì phải chọn được thép tốt cộng với kĩ thuật tôi điêu luyện".

Lai Châu: Rèn ra thứ nhà nào cũng cần, 9X dân tộc Mông thu tiền đều tay - Ảnh 3.

Dao do anh Thu rèn không chỉ sắc bén, mà còn có tính thẩm mỹ cao. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo anh Thu, nguyên vật liệu chính để làm dao gồm có: Nhíp ô tô, than, đồng và gỗ. Anh Thu chọn nhíp dìa Nga để rèn lưỡi dao, đồng làm khâu cán và gỗ cẩm chỉ bắc để làm chuôi. 

"Quy trình làm một con dao khá đơn giản. Trước tiên là cắt nhíp cho vào nung đỏ, rèn thành lưỡi dao. Sau đó mài chỉnh dáng rồi đưa vào tôi. Tôi xong thì tra cán rồi mài sắc. Trước khi tôi, tôi không nhúng cả lưỡi dao vào lò, mà chỉ đưa đầu nhỏ vào đun nóng lên, sau đó cho vào nước để kiểm tra xem chất thép thế nào, cần tôi ở độ nào. Sau khi biết chắc chắn thì mới tôi cả lưỡi dao" – 9X dân tộc Mông tiết lộ.

Chỉ vào chiếc máy đập, anh Thu cho hay: "Chiếc máy này tôi mới mua được hơn 1 tháng. Có nó cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây chưa có máy phải dùng tay đập từ A đến Z. Giờ có máy rồi thì phần thô không phải đập tay nữa".

Lai Châu: Rèn ra thứ nhà nào cũng cần, 9X dân tộc Mông thu tiền đều tay - Ảnh 4.

Anh Thu chuyên rèn dao bếp và dao đi nương. (Ảnh: Thanh Ngân)

Anh Thu không làm hết các công đoạn của một con dao, mà có sự tham gia của bố và mẹ anh. Anh Thu chuyên rèn lưỡi dao, còn bố anh thì phụ trách việc làm bao cán và hoàn thiện. Mẹ anh lo việc mài dao.

Đều đặn mỗi ngày, anh Thu làm được từ 6 – 7 lưỡi dao. Anh bán dao các loại ra thị trường với giá dao động từ 150 – 250.000 đồng/cái dao bếp. Bộ dao bếp của anh Thu có các loại: Dao chặt xương to, dao chặt gà, vịt, dao thái, dao bầu lọc. Đối với dao đi nương, anh Thu chỉ rèn một loại, bán với giá từ 450 – 1200.0000 đồng/cái. Bình quân mỗi tháng, anh Thu thu về trên dưới 30 triệu đồng từ bán dao ra thị trường. Trừ chi phí, mỗi tháng anh lãi hơn 20 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem