Loạt sản phẩm trong gói thầu của Văn phòng Tỉnh uỷ Lai Châu chênh cao so với giá thị trường
Hiện tại, nhằm tránh việc "thổi giá" giá trị thực của sản phẩm/danh mục đấu thầu, pháp luật đã đưa ra nhiều quy định. Điển hình, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải nghiêm túc thực hiện Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Đấu thầu.
Theo đó, pháp luật quy định cần các đơn vị có chuyên môn đứng ra thẩm định giá trị gói thầu. Ngoài ra, đơn vị thẩm định còn kiểm tra tính pháp lý, đúng đắn của dự toán có phù hợp với quyết định đấu thầu của cơ quan mời thầu. Qua đó, xây dựng căn cứ sau thẩm định để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, thực hiện gói thầu đảm bảo các tiêu chí công khai, minh bạch, tiết kiệm,…
Tuy đã quy định rất cụ thể nhưng thời gian qua, việc thực hiện hoạt động công tác đấu thầu tại một số địa phương còn nhiều bất cập.
Điển hình, ngày 6/12/2021, Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu Nguyễn Trọng Thành ký Quyết định số 139-QB/VPTU phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01: Cung cấp, lắp đặt thiết bị phần cứng, phần mềm dự án.
Gói thầu nói trên thuộc Dự án: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Phát triển công nghệ Trí Đức – Công ty CP Giải pháp Siêu Việt.
Giá trúng thầu là 18.336.920.000 đồng (Bằng chữ: Mười tám tỷ, ba trăm ba mươi sáu triệu, chín trăm hai mươi nghìn đồng). So với giá dự toán 18.394.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười tám tỷ, ba trăm chín mươi tư triệu đồng), tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 57.080.000 đồng, đạt tỉ lệ chỉ khoảng 0,31%.
Gói thầu số 01 của Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu được tổ chức đấu thầu qua mạng, hầu hết các thông tin được công khai minh bạch. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu ký hiệu, nhãn mác và xuất xứ, nhiều loại hàng hóa trong gói thầu có hiện tượng bị "đội" giá cao hơn nhiều so với thị trường.
Điển hình, sản phẩm máy quét ADS 1200 của hãng Brother có đơn giá tại gói thầu số 01 là 14.180.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, theo báo giá của một số đơn vị cung cấp mặt hàng này, với cùng model, ký hiệu, nhãn mác, xuất xứ giá sản phẩm chỉ khoảng 8.900.000 đồng/chiếc. Với số lượng mua sắm 160 chiếc, số tiền "chênh" lên tới 844.800.000 đồng.
Ngoài ra, thiết bị máy in HL-B2000D cũng của hãng Brother có đơn giá tại gói thầu này là 7.490.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, trên thị trường, sản phẩm đang được các đơn vị cung ứng bán với giá khoảng 3.590.000 đồng/chiếc. Với tổng số lượng mua sắm 308 chiếc thì số tiền chênh lệch là 1.201.200.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, hai trăm lẻ mốt triệu, hai trăm nghìn đồng).
Một sản phẩm khác là máy tính bảng SM T975N có đơn giá tại gói thầu này ở mức 35.330.000 đồng/bộ. Trên thị trường bộ sản phẩm được bán với giá chỉ 23.990.000 đồng/bộ. Với 350 bộ, số tiền chênh lệch đã lên đến 907.200.000 đồng.
Qua tìm hiểu ngẫu nhiên 4/11 hàng hóa, gói thầu đã có dấu hiệu "đội" giá so với thị trường với số tiền chênh lệch là 3.156.836.000 đồng (Bằng chữ: Ba tỷ, một trăm năm mươi sáu triệu, tám trăm ba mươi sáu nghìn đồng).
Đấu thầu mua sắm, vì sao cơ quan điều tra liên tục phải "hỏi thăm" lý do mua đắt?
Thời gian qua, các vụ đại án lĩnh vực đấu thầu, sai phạm trong việc sử dụng ngân sách nhà nước liên tục bị ngành chức năng điều tra đưa ra ánh sáng. Qua đó, giới chuyên gia cho rằng cần xem xét lại các quy định pháp luật, có cơ chế nhằm nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư.
Nhận định về những dấu hiệu thực hiện gói thầu với giá cao bất thường như tại Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu, Luật sư Phạm Hồng Kiên, Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, nếu có phản ánh về việc giá hàng hóa trong hồ sơ mời thầu cao hơn giá thị trường cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.
Đặc biệt, đơn vị chịu trách nhiệm thực khâu thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là rất quan trọng và bắt buộc ở hoạt động đấu thầu. Do đó, cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị này nếu để xảy ra tình trạng "đội" giá, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
"Để xảy ra trường hợp "đội giá" thì rõ ràng đơn vị thẩm định đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước thì phải quy kết trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có vi phạm", LS Phạm Hồng Kiên đánh giá.
Cụ thể, luật sư Kiên cho biết, nhằm tránh tình trạng "thổi giá", Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định thêm tội danh mới liên quan tới lĩnh vực này.
Tại Điều 222, Bộ luật này nêu rõ, người nào gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể khởi tố hình sự về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Đồng quan điểm trên, ông Lê Công Nhường, ĐBQH khóa XIV nhận định, khi có thông tin phản ánh từ bất kỳ kênh nào về việc giá sản phẩm cao bất thường, chủ đầu tư cũng nên cho bộ phận chuyên môn rà soát, kiểm tra lại từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu.
"Luật Đấu thầu mặc dù đã khá toàn diện và đầy đủ, tuy nhiên thực tế vẫn có những điều phát sinh khiến một số gói thầu dù làm đúng quy trình nhưng vẫn còn tình trạng thất thoát ngân sách Nhà nước sau quá trình đấu thầu ở các đơn vị công. Doanh nghiệp thì thường tìm cách lách luật với mục đích có được lợi nhuận cao nhất cho mình. Nhưng nếu lợi dụng kẽ hở của luật, gây lãng phí ngân sách Nhà nước thì không được.
Những cài cắm, giàn xếp của các ê kíp, tạo ra quyền lợi ích nhóm trong đấu thầu là một thực tế rất nguy hiểm, nó là vòng tròn khép kín khiến công tác đấu thầu bị làm cho méo mó và không đạt được mục tiêu của đấu thầu là tiết kiệm tiền cho ngân sách Nhà nước", vị ĐBQH nhấn mạnh.
Tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến, về việc xây dựng luật Giá sửa đổi; luật Đấu thầu làm sao đảm bảo cơ chế thị trường nhưng vẫn tránh được trường hợp đầu cơ, tăng giá không phù hợp.
Theo đó, bà đề nghị quy định rõ tỷ suất, biên độ lợi nhuận với một số những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, xăng dầu, lương thực thực phẩm như gạo...
"Nếu chúng ta đã có ý định để nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định con số này. Tránh việc như bây giờ cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2 - 3 lần giá nhập hải quan...", bà Lan nêu quan điểm.
Công ty TNHH Phát triển công nghệ Trí Đức có Mã số thuế: 6200046651. Địa chỉ trụ sở: Tổ 8, Phường Tân Phong, Thành Phố Lai Châu, Lai Châu, Giám đốc: Trần Văn Kiên.
Theo dữ liệu của phần mềm DauThau.info, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Trí Đức đã tham gia 22 gói thầu, trong đó trúng 19 gói, trượt 2 gói, 1 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 58,683,034,356 VND.
Ngoài ra, nhà thầu này cũng có thông tin trên Mạng đấu thầu tư nhân DauThau.Net với tên hồ sơ doanh nghiệp là Công ty TNHH Phát triển công nghệ Trí Đức. Doanh nghiệp này tham gia 22 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 19 gói, trượt thầu 2 gói, 1 gói chưa có kết quả, 0 gói thầu đã huỷ.
Liên danh với nhà thầu nói trên trong gói thầu số 01 của Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu là công ty cổ phẩn giải pháp Siêu Việt có mã số thuế: 0101536735. Địa chỉ trụ sở: Số 34A/66, Phố Yên Lạc, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tổng giám đốc: Nguyễn Thành Nam.
Cũng theo kết quả phân tích từ DauThau.info, công ty cổ phẩn giải pháp Siêu Việt đã tham gia 206 gói thầu, trong đó trúng 131 gói, trượt 58 gói, 14 chưa có kết quả, 3 gói đã bị huỷ.
Tổng giá trị trúng thầu: 1,132,189,358,325 VND (Trong đó 504,762,000 VND là các gói chỉ định thầu; 28,372,610,250 VND là các gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không có thông báo mời thầu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.