Ông Lê Văn Việt sinh năm 1958, ở khóm 8, phường 5, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Nghề nuôi rắn ri tượng đến với ông như một cái duyên. Năm 2013, trong lần tình cờ được người quen cho 10 con rắn ri tượng giống, ông Việt đem về thả vào cái khạp, cách vài bữa cho rắn ăn 1 lần. Chỉ 1 năm sau, 10 con rắn ri tượng nuôi trong khạp đã sinh sản được hơn 100 rắn con.
Được sự cho phép của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Việt mày mò thiết kế mô hình thành nhiều ô nuôi, mỗi ô dài 2m, rộng 0,8m, cao 1m, bên trong lót bạt cao su.
Ông Lê Văn Việt giới thiệu một con rắn ri tượng to tổ chảng được nuôi trong bể lót bạt. Làm bể lót bạt nuôi rắn ri tượng không làm rắn xước da khi di chuyển, vận động như nuôi trông bể xi măng.
Với thiết kế này, rắn không bị trầy xước da như nuôi trong bể xi măng. Ưu điểm nữa là ông Việt có thể di chuyển ô nuôi trên mặt phẳng theo ý muốn và có thể tận dụng được những diện tích trống của gia đình để nuôi rắn.
Kinh nghiệm làm bể lót bạt nuôi rắn ri tượng, ông Việt cho biết, độ sâu lý tưởng để nuôi rắn ri tượng trong mỗi ô nuôi từ 0,3 - 0,4m nước. Trong từng ô nuôi, ông Việt bỏ thêm lá chuối khô, sậy khô, lục bình và bèo. Cách nguỵ trang này vừa để che bớt nắng, vừa tạo nơi cho rắn chui rúc như trong môi trường hoang dã.
Ông Việt chia sẻ, nguồn nước nuôi rắn cần sạch sẽ, khoảng 10 - 15 ngày thay 1 lần. Nếu nguồn nước sạch, môi trường nuôi thông thoáng thì rắn rất hiếm khi bệnh.
Tuân thủ đúng quy trình nuôi, sau 12 tháng, rắn sẽ tăng trọng từ 800 - 1.200g, tỷ lệ nuôi đạt trên 70%. Giá rắn con là 50.000 đồng/con và rắn thịt từ 600.000 - 700.000 đồng/ký. Tuỳ từng thời điểm, nhưng giá cao nhất là mùa khô. Mùa mưa có nhiều loại rắn đồng nên giá rắn nuôi có giảm đôi chút, nhưng không dưới 600.000 đồng/kg. Rắn bố mẹ sinh sản có giá khoảng 3 - 5 triệu đồng/cặp |
Theo kinh nghiệm nuôi rắn ri tượng của ông Việt, thức ăn thích hợp của rắn là cá da trơn như: cá trê, cá chốt, ếch, nhái, lươn con, giun đất… Chúng thích ăn thức ăn tươi sống. Bình quân 3 - 4 kg thức ăn, rắn tăng trọng 1kg. Cần cho ăn đủ để rắn mau lớn.
Lượng thức ăn hằng ngày khoảng 3-5% trọng lượng rắn trong ô nuôi, cho ăn vào buổi sáng và chiều tối. Không nên để thức ăn dư thừa, làm thối nước. Nếu cho ăn thiếu, rắn đói có thể ăn thịt lẫn nhau. Để chủ động nguồn thức ăn quanh năm và tiết kiệm chi phí mua mồi cho rắn, ông Việt chuẩn bị ô nuôi lót bạt cao su rồi mua cá trê phi về dèo.
Để rắn phát triển tốt, ông Việt cho biết: “Mỗi ô nuôi khoảng 80 - 100 con trưởng thành, tuỳ kích cỡ. Nếu rắn nhỏ có thể nuôi nhiều hơn, thậm chí có thể vài trăm con. Rắn đực, rắn cái và rắn sinh sản nuôi riêng.
.
2 năm gần đây, ông Việt bán ra thị trường hơn 2.000 rắn con, hàng trăm kí-lô-gam rắn thịt, rắn sinh sản. Trừ chi phí, mỗi năm ông Việt thu nhập từ mô hình nuôi rắn ri tượng khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, ông Việt đang nuôi hơn 1.000 rắn con, rắn sinh sản và rắn thịt.
Nuôi rắn ri tượng không tốn nhiều diện tích đất. Chính vì vậy, đây là mô hình khá lý tưởng cho bà con Phường 5 tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để nuôi nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
"Mô hình nuôi rắn tượng của ông Việt đã được người dân ở các vùng lân cận đến tham quan, tìm hiểu để thực hiện. Riêng đối với các hộ dân trong khóm, ông Việt tận tình giúp đỡ bằng cách bán rắn con với giá rẻ để các hộ này nuôi và sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc rắn", Chủ tịch Hội Nông dân Phường 5 Nguyễn Chí Thành chia sẻ./.
Bích Lê (Báo Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.