Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
“Nghề chọn người”
Đó là câu nói đùa nhưng thật mà Đông chia sẻ với chúng tôi khi kể về hành trình gian nan, nhưng cũng đầy ắp niềm vui khi đến với nghề làm rồng, phụng, bằng hoa lá, củ quả. Xuất phát điểm là một chàng trai đam mê nấu ăn, rồi đến nghề mộc, nghề cắm hoa lan, Phan Văn Đông đã trải qua nhiều thăng trầm khi tìm được đích đến của đời mình.
Đông trải lòng: “Mình đến với nghề từ mâm lễ đầu tay thực hiện cho đám cưới của bạn thân. Sau rất nhiều công sức và cả thăng trầm, mình nhận ra làm tráp rồng, phụng đám cưới đã trở thành niềm đam mê tự lúc nào”.
Không hề qua một trường lớp nào, nhưng với khiếu thẩm mỹ và sự tìm tòi, học hỏi không ngừng, những mâm tráp rồng, phụng hiện đại đã trở thành thương hiệu của chàng trai 9X Phan Văn Đông, phường Vỹ Dạ, Tp Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trung bình, mỗi tháng Phan Văn Đông làm từ 20 – 30 mâm lễ kết rồng, phụng. Vào những tháng cao điểm, số mâm lễ tăng lên gấp đôi, thậm chí hơn.
“Những lúc đó quả thực mình chỉ ngủ mỗi ngày 2 – 3 tiếng, vất vả nhưng bù lại mình vừa có thu nhập tốt, vừa hoàn thành mâm cưới rồng, phụng thật đẹp cho khách, góp phần làm cho đám cưới thêm đẹp và trang trọng. Đó là niềm vui khó có thể đo đếm được”, Đông bộc bạch.
Với tay nghề của mình, học viên từ khắp nơi đã tìm đến Đông để học nghề. Ngoài các học viên trong tỉnh, đông nhất vẫn là các học viên đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, có học viên ở tận Hà Nội cũng lặn lội vào Huế theo học.
Bạn trẻ Nguyễn Hương, quê Đắk Lắk chia sẻ: “Mình muốn theo nghề làm mâm cưới hỏi nên đã đến Huế để theo học anh Đông.
Phong cách rồng, phụng của anh Đông hiện đại, cập nhật liên tục nên rất bắt “trend” và được giới trẻ yêu thích. Dù hơi xa xôi nhưng vì đam mê với nghề, mình mong muốn học hỏi không ngừng để có thể theo đuổi niềm đam mê này”.
Chiếc cổng cưới uy nghi
Từ sự thành công với mâm tráp rồng, phụng, Phan Văn Đông đã đặt ra cho mình đích đến lớn hơn, đó là thực hiện những chiếc cổng cưới rồng, phụng uy nghi, độc đáo mang hơi hướng cổng cưới truyền thống miền Tây.
Chàng trai trẻ cho biết: “Trước đây, cổng cưới rồng, phụng là sản phẩm đặc trưng trong ngày cưới của người dân miền Tây. Nhưng theo thời gian, những cổng cưới này dần được thay thế bằng cổng khung sắt, hoa giả.
Ở Huế cũng thế, những chiếc cổng cưới được trang trí bằng lá dừa hay nguyên liệu tự nhiên hầu như đã vắng bóng. Bởi thế mình mong muốn phải làm được những chiếc cổng cưới rồng, phụng thật đẹp và uy nghi, mang được nét đẹp bình dị nhưng không kém phần sang trọng đến cho nhiều cặp đôi trong ngày trọng đại”.
9X Phan Văn Đông, phường Vỹ Dạ, Tp Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ với các bạn trẻ khắp nơi về nghề làm cổng cưới rồng, phụng.
Được thực hiện từ các nguyên liệu như cau, ớt, đậu bắp, lá dứa, hoa cúc calimero, thông thường, Phan Văn Đông phải mất một tuần lễ liền để hoàn thiện cổng cưới rồng, phụng.
Đông nói: “Để tạo hình rồng, phụng, ngoài kết cấu thô thì cần cả hàng chục kg hoa lá, củ quả các loại. Trong đó, phần thô mình thiết kế và tạo hình mất ba ngày, các ngày còn lại dùng để hoàn thiện từng chi tiết”.
Với đặc trưng nguyên liệu tự nhiên nên ngoài phải đảm bảo độ tươi cho hoa lá, củ quả, Phan Văn Đông phải đảm bảo độ lượn, độ cong cũng như làm sao thể hiện được hết phong thái, nét uy nghi cho con rồng, con phụng.
“Bởi thế không chỉ kinh nghiệm, việc làm cổng cưới còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của người thợ đến từng chi tiết nhỏ. Có như thế nét đặc sắc từ lớp vảy rồng, lớp cánh của phụng cho đến đôi mắt rồng, phụng sinh động, có hồn mới được thể hiện tối đa, nhưng vẫn giữ được nét hài hòa, duyên dáng khi ngắm nhìn tổng thể”, Phan Văn Đông phân tích.
Bảo Hưng (phường Gia Hội), khách hàng đã lựa chọn cổng cưới rồng, phụng của Đông cho ngày vui của mình chia sẻ: “Qua mạng xã hội, mình biết đến dịch vụ thiết kế cổng cưới rồng, phụng của anh Đông. Vì rất thích nên đã chọn cổng cưới này cho ngày trọng đại của mình. Khi cổng cưới hoàn thành, không chỉ hai bên gia đình, cả các khách mời đều đặc biệt thích thú và tấm tắc trước vẻ đẹp mới mẻ và uy nghi của chiếc cổng cưới này”.
Không chỉ mang đến chiếc cổng cưới đẹp và độc đáo, Phan Văn Đông còn chia sẻ tình yêu nghề của mình với những người có chung đam mê. Hiện tại, chàng trai trẻ đang quản lý trang fanpage học làm tráp ăn hỏi và hoa cưới với hơn 43 nghìn thành viên tham gia.
Đây là nơi các thành viên sẻ chia kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ, từ đó lan tỏa thêm tình yêu và sự nhiệt huyết dành cho nghề làm tráp rồng, phụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.