Lạm dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Thứ sáu, ngày 14/12/2012 10:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Báo NTNN và Dân Việt vừa qua đã phản ánh về tình trạng bình bầu hộ nghèo ở nhiều địa phương diễn ra không công bằng. Xung quanh vấn đề này, báo nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Bình luận 0

* Trong bình xét hộ nghèo, vai trò của cấp uỷ, chính quyền từ tổ, bản đến xã, phường rất quan trọng. Không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền chế độ chính sách, hướng dẫn cơ sở thực hiện bình xét mà cấp uỷ, chính quyền còn phải xem xét định hướng người dân để tránh những trường hợp bình xét không đúng đối tượng, ưu tiên chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm.

img
Căn nhà rách nát ở chân đèo Pha Đin của chị Hà Thị Tươi (xã Phòng Lái, Thuận Châu, Sơn La).

Trên thực tế có những “suất nghèo” khi được phân về cho cơ sở thì có nơi quá ít so với đối tượng đáng được thụ hưởng, có nơi lại dư so với số hộ nghèo. Một thực tế khác là tâm lý dòng họ, người thân quen... hay được ưu tiên. Nếu cấp uỷ, chính quyền làm tốt việc tuyên truyền, định hướng thì sẽ không xảy ra bức xúc xã hội.

* Việc bình xét hỗ trợ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đưa vào diện thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ thường rất khó khăn, bởi lẽ những nơi này thường có số hộ nghèo lớn hơn số suất được ưu đãi. Vì vậy, khi đưa ra bình xét, chúng ta phải tính tới yếu tố nhân văn, tính thời điểm. Mấy năm gần đây, xã chúng tôi đã bình xét dựa trên các yếu tố ưu tiên: Gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, người già yếu, gia đình đông con hay thiếu lao động... Khi đã xem xét kỹ như vậy thì việc bình xét sẽ đảm bảo đồng thuận cao, tâm phục khẩu phục, tăng cường tính đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

* Ở địa phương tôi, đói nghèo đã đeo bám người nông dân từ nhiều đời; trước kia mỗi mùa giáp hạt, cả xã đều phải nhận cứu tế. Từ khi đổi mới, cái đói đã bị đẩy lùi; song cái nghèo vẫn còn dai dẳng. Việc bình xét hộ nghèo bao giờ cũng là việc nóng của làng. Mỗi năm, cứ đến lúc bình xét, các gia đình, dòng họ cứ gọi là… sôi sùng sục. Các cụ xưa có câu “đi họp làng thì bênh anh em họ, đi họp họ thì bênh anh em nhà”. Việc bình xét, nói là không công bằng thì sai; nhưng bảo công bằng thì phải xét. Chế độ ưu đãi của Nhà nước là ơn trên, nhưng làm sao thấm đủ hết được. Tôi nghĩ, muốn thoát nghèo, tự thân mỗi gia đình phải phấn đấu trong làm ăn; không thể trông chờ và ỷ lại ai được.

* Tôi thấy việc bình xét hộ nghèo ở nhiều địa phương rất dễ bị lợi dụng, mất công bằng bởi thiếu cơ chế giám sát. Vì những lý do sau: Một là, nếu đưa về các địa phương thì hầu hết là vùng nông thôn, đều liên quan đến họ hàng “vây cánh”, chỉ cần người ta nhắm mắt bình bầu là được ngay. Hai là, nếu người ta ăn chia với nhau, thì Nhà nước khó biết hết được. Theo tôi, cần phải thành lập những tiểu ban để bình xét hộ nghèo cho công bằng và sát thực hơn với hoàn cảnh của mỗi gia đình, có như vậy chính sách của Nhà nước mới đi vào lòng dân.

* Suy cho cùng, người ta ai cũng muốn được ưu ái; sở dĩ có chuyện tị nạnh nhau trong bình bầu hộ nghèo cũng từ lợi ích mà ra. Đã là hộ nghèo, khi khám bệnh được ưu tiên, con cái đi học được miễn học phí, được ở ký túc xá… Nhưng việc bình xét mỗi năm 1 lần, năm nay chạy chọt được, liệu sang năm có được hay không? Nếu là người có nhân cách, việc nhận sự ưu ái của xã hội cũng “cực chẳng đã”. Nhưng nếu không nghèo mà cứ… cố phấn đấu thì “miếng ăn là miếng nhục”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem