Mỗi năm anh Đạt thu 400 triệu đồng từ mô hình nuôi gà Đông Tảo
Khởi nghiệp từ 20 triệu đồng vốn
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, Hòa Vang) Đạt cho biết mô hình hiện đã đem lại nguồn thu nhập hiệu quả.
Anh cho biết, anh học chuyên ngành công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng trên địa bàn, tuy nhiên ra trường công việc không như mong muốn nên đã quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình nuôi gà đông tảo và trồng lan.
Năm 2015, anh lên khu đất gia đình mua tại xã Hòa Liên đã lâu để đầu tư lập mô hình chăn nuôi. Để có kiến thức về nuôi gà đông tảo, anh thường xuyên lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi cùng với sự trợ giúp từ người cô ruột.
“Sau khi ra trường, mình xin được một công việc nhưng chỉ làm được một tháng thì xin nghỉ, do mức lương thấp. Thấy cô đang nuôi gà hiệu quả tại Hà Nội, mình tìm hiểu, và học hỏi thêm trên mạng internet, bắt đầu nuôi lứa đầu tiên từ nguồn vốn tích góp 20 triệu đồng. Ban đầu mình đầu tư làm một chuồng trại nhỏ và đặt mua 100 con gà đông tảo về nuôi. Lứa đầu tiên rất thành công, mình thu về 50 triệu đồng sau gần 6 tháng nuôi. Sau đó, mình bắt đầu nuôi gối đầu. Tuy nhiên đến lứa thứ 2 nuôi nhân đàn lên 200 con thì chết sạch, thất bại hoàn toàn”, anh Đạt chia sẻ.
Mô hình gà đông tảo tại trang trại anh Đạt
Thất bại, anh tiếp tục tìm hiểu trên mạng và học hỏi tìm nguyên nhân vì sao đàn gà chết hàng loạt. “Thời gian đó, mình không để ý, kiểm soát dịch để gà nơi khác đem tới trang trại khiến lây lan cả đàn gà. Sau đợt thất bại đó, những đợt nuôi tiếp theo mình phòng ngừa bệnh định kỳ cho đàn gà thì không gặp trở ngại gì nhiều”, anh Đạt kể lại.
“Đối với gà này khi nuôi thường bị cúm, tụ huyết trùng, giống bệnh nhiễm trùng máu, đối bệnh này phòng chích phòng các bệnh định kỳ theo chu trình từ 3 ngày tuổi tới 2 tháng tuối thì xác suất dịch cả đàn ít hơn. Bình quân nuôi 6 tháng là xuất bán, nguồn thức ăn cho gà chủ yếu là lúa, trộn theo chu trình 1 ngày 3 bữa, còn lại cho gà tự săn tìm đồ ăn ngoài, nuôi càng lâu thịt sẽ càng ngon…”, anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm nuôi.
Hiện mỗi năm, với mô hình nuôi gà đông tảo, trên diện tích 400m2, nuôi gối đầu trên tháng, anh Đạt xuất bán 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 150-200 con, thu lợi nhuận 100 triệu đồng mỗi lứa.
Theo anh Đạt, giống gà Đông tảo này có ưu điểm khỏe hơn giống già ta, chịu được thời tiết khắc nghiệt, rất mau lớn, giá thành lại cao hơn, thịt ngon, thơm hơn so với giống gà ta. Giá gà đông tảo thuần chủng dao động từ 350.000-450.000 đồng/kg, gà đông tảo lai có giá 150.000 đồng/kg.
Anh Đạt chia sẻ thêm, “Ban đầu để tiêu thụ giống gà này, do thị trường Đà Nẵng chưa quen, giá thành lại cao nên mình phải gởi ra lại tận ngoài Bắc để nhờ người cô tiêu thụ giúp. Sau 1 năm, mình được người bạn giới thiệu, hiện nguồn thị trường tiêu thụ đã ổn định và đang cung cấp cho thị trường Đà Nẵng…Lúc mới nuôi, vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật nên mình rất lo lắng. Nhưng đôi lúc mình nghĩ, chẳng ai thành công mà không có thất bại. Nếu có thất bại thì cũng coi đó là một bài học quý để mình đứng dậy bước tiếp…”.
Liều trồng 10.000 cây lan
Thành công từ mô hình nuôi gà đông tảo, không dừng lại, năm 2016, anh Đạt tiếp tục học hỏi mô hình trồng phong lan cắt cành và lan rừng. Trên 1.000 m2 diện tích đất của gia đình, anh đầu tư trồng 2 loại chính là lan denro và mokara.
Anh Đạt giới thiệu mô hình trồng lan Mokara
Dù trồng ban đầu, nhưng anh vẫn quyết định tiếp tục liều vay từ người thân và nguồn vốn vay ngân hàng hơn 450 triệu đồng để đầu tư trồng hơn 10.000 cây lan.
Anh Đạt cho biết, “chưa biết thành công hay thất bại thế nào với mô hình này, nhưng lúc ấy mình cũng liều, mình nghĩ trồng số lượng càng lớn, càng thu vốn dễ. Lúc ban đầu trồng, mình gặp không ít trở ngại do kỹ thuật trồng chưa đúng, chưa biết phun thuốc sao cho hoa hiệu quả, hoa đẹp.
Trong thời gian trồng, có sâu bị bệnh gì, mình chụp ảnh cây rồi lên mạng tìm hiểu và hỏi cách xử lý thế nào. Dù vẫn đang trong quá trình học hỏi, nhưng sau nhiều lần học hỏi, rút kinh nghiệm, hiện mô hình cũng đã đem về thu nhập”.
“Lúc đó mình liều mạng chơi thử một ván, mình cũng nghĩ đến thua cuộc nhưng nghĩ lại, nếu có thua cơ sở cũng còn, hoa chắc chắn sẽ ra, chỉ là thu lợi ít hay nhiều là do kinh nghiệm của mình, những vườn lan bị thua hoặc thất bại là do họ phải thuê đất, buộc bán giá thành cao, riêng mình đất không phải lo, thứ 2 là đầu ra phong lan cực kỳ nhiều, nên ít sợ thua lỗ hơn”, anh Đạt chia sẻ thêm về quyết định liều của mình.
Và lan rừng ghép cành
Thu lợi nhuận nửa tỷ đồng/năm
Với quyết định khởi nghiệp của mình, hiện anh Đạt có vườn lan mokara diện tích 10.000 m2 với 10.000 cây phong lan mokara, 12.000 cây lan denro cắt bán hằng ngày cho các cửa hàng hoa trên địa bàn, đem về thu nhập 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, anh cũng tìm hiểu, phát triển thêm mô hình lan rừng, bỏ túi thêm 50 triệu đồng/năm. “Trước kia, ba mẹ mình thích trồng lan rừng, thấy vậy mình đầu tư làm thêm, do thấy cũng không mất mát gì. Vừa làm vừa học thêm từ ba mẹ, lan rừng phải ghép với cây vú sữa, hoặc giá thể cây dương xỉ, vì giá thể dương xỉ gần như than có độ ẩm, nhưng lại cứng, không mục qua thời gian và cây vú sữa cũng vậy”, anh Đạt nói và cho biết, lan rừng một năm cho doanh thu được 80-100 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng.
Anh Đạt chia sẻ, hiện tổng nguồn thu từ mô hình nuôi gà, trồng lan, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng nửa tỷ đồng/năm. Ngoài ra, anh Đạt còn thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm từ nuôi nai lấy nhung.
Với các mô hình trên, anh còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
“Mình suy nghĩ trong cuộc sống, ai cũng có cái khó riêng, bản thân mỗi người phải cố gắng, cố gắng hơn nữa. Làm công việc nào cũng có chú tâm, nhiệt huyết vào đó sẽ dễ thành công hơn, có thể ngày hôm nay chưa được, ngày mai làm tiếp, ngày mai chưa được, ngày mai nữa làm tiếp, sẽ tạo dần cho mình kinh nghiệm chắc chắn sẽ không bao giờ thất bại, chỉ sợ không dám làm thôi, chứ còn dám làm sẽ thành công”, anh Đạt nói về quan điểm và cho biết sẵn sàng chia sẻ nếu ai mong muốn học hỏi mô hình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.