Làm người nhà quê giờ không đơn giản

Thứ ba, ngày 03/01/2012 07:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn Trần Huiền Ân đang chạy đua với thời gian để giữ lại cho làng quê của ông những vỉa vàng trong ký ức.
Bình luận 0

Hứng thú với nông thôn

Nhà văn Trần Huiền Ân tên thật là Trần Sĩ Huệ, ông sinh năm 1937 (Đinh Sửu), quê quán làng Vân Hòa, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Xuất thân từ một gia đình nhà nho ở nông thôn, ông theo nghề dạy học gần 20 năm. Trước 1975, ông bắt đầu có thơ văn đăng trên một số báo chí xuất bản tại Sài Gòn. Sau 1975, nhà văn từng phải làm rất nhiều việc khác nhau để sống và sáng tác thơ văn, nghiên cứu văn hóa, lịch sử...

img
 

Chính bởi có tới trên 20 năm sống gắn bó với làng quê nên con người ông thấm đẫm những câu ca, điệu hò, những tinh túy của văn hóa dân gian vùng Nam Trung Bộ. Ông đặc biệt quan tâm đến những gì liên quan mật thiết đến đời sống người nông dân quê mình như phong tục tập quán, món ăn thức uống, công việc nhà nông, chợ búa, lễ hội...

Sự nghiệp sáng tác của Trần Huiền Ân chia làm 2 mảng rõ rệt, mảng sáng tác văn học, thơ phú ông để tên là Trần Huiền Ân, còn mảng biên khảo, ông dùng tên thật là Trần Sĩ Huệ. Nhà văn giải thích: “Sáng tác là mảng hư cấu thì tôi dùng bút danh, còn biên khảo là những khảo cứu mất nhiều công mày mò tìm tòi suy ngẫm, tôi thích dùng tên thật như một cách để cảm ơn cha mẹ, quê hương đã cho mình có mặt trên đời”.

Các cuốn sách của ông được khá nhiều người yêu thích và tìm đọc có thể kể đến “Văn hóa vật chất nông thôn Phú Yên”, “Chợ ở Phú Yên”, “Văn hóa trồng trọt ở vùng thôn quê Phú Yên”, “Phú Yên, dọc đường... ca dao”, “Phú Yên miền đất ước vọng”...

Ông nói rằng mình có may mắn được sinh ra trên vùng đất thiêng liêng chứa đựng ước vọng của Chúa Nguyễn Hoàng khi mở mang bờ cõi đến đây và đặt tên cho vùng đất mới này với mong muốn đây sẽ vùng “đất phú trời yên”.

Những câu thơ của ông được nhiều người thuộc và yêu thích có thể kể đến bài “Thơ viết buổi chiều thu phân” với đoạn kết: Trời cao trên đầu không che riêng ai/Đất rộng dưới chân không chở riêng ai/Hai vầng nhật nguyệt không soi sáng riêng ai/Thì có hề chi mưa nắng đường dài. Đó là những câu thơ phản ánh cách sống của nhà văn trong suốt những tháng ngày ông đã trải qua: Khảng khái đối với mọi khó khăn vất vả và tìm cách vượt qua nó bằng sự an nhiên tự tại.

Mỗi ngày một niềm vui

Hỏi ông kỷ niệm về những tháng ngày khó khăn vất vả đã qua, nhà văn Trần Huiền Ân bảo nhớ nhất lúc phải đi làm đủ thứ nghề để sống và nuôi một bầy con nhỏ. Để trang trải cuộc sống, có giai đoạn ông còn có thêm nghề tay trái là vẽ tranh áp phích cổ động, nhuận bút các tác phẩm in trên báo chí, ông dành để nuôi con, khoản đãi bạn bè.

Ngoài sưu tầm những tài liệu liên quan đến khảo cứu văn hóa, ông còn có một sở thích khá đặc biệt, đó là nghiên cứu chữ nghĩa để... đặt tên con. 4 người con được ông đặt cho những cái tên đọc “trẹo” cả lưỡi: Trần Nguyện Hoằng Nhuyên (Đá chứa ngọc); Trần Hoạch Chuyết Nhuynh (Ngọc trong đá); Trần Triêu Ngõa Huyến (Nắng sáng rực rỡ trên mái ngói); Trần Xuyên Vũ Huyến (Mưa rực rỡ trên sông)...

Nhà văn Trần Huiền Ân thường nói với bạn bè: “Tôi làm thơ, viết văn, biên khảo... cũng chỉ để cho vui. Vô tư như người ta làm nháp”. Rồi ông đọc thơ: Cuộc đời ơi hỡi thương nhau lắm/ Mà sống như là để giỡn chơi.

Nhà văn tâm sự: “Tôi sống ở nhà quê nhiều năm nên biết làm người nhà quê bây giờ không đơn giản chút nào. Phải gần gũi, tâm sự, hỏi han bà con nhiều thì mới được họ kể cho nghe nhiều câu chuyện thú vị về đời sống ở nông thôn. Từ những kỹ thuật gieo trồng, kỹ thuật đan long mốt, long năm, cách làm mắm làm muối, cách sửa soạn một món ăn truyền thống của dân tộc... cho đến thơ ca hò vè, sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở thôn quê, nếu không được bà con chỉ dạy cho thì làm sao mà mình biết được".

Không chỉ riêng mình say mê, nhà văn Trần Huiền Ân còn kéo cả nhà "vào cuộc". Những lần ông đi tìm hiểu về văn hóa chợ Phú Yên, có bà vợ đi cùng như một "phụ tá đắc lực" giúp ông ghi chép, rồi cả anh con trai con út Trần Xuyên Vũ Huyến thường đi cùng ông, làm tài xế và kiêm luôn nhiếp ảnh gia. Rồi con gái, con rể, con dâu, hễ giúp được gì cho cha là rất vui vẻ bởi họ hiểu công việc thầm lặng mà rất hữu ích của cha mình. Với ông, việc kéo được cả đại gia đình vào với niềm say mê của mình cũng chính là giúp họ có được thêm những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.

Với nhà văn Trần Huiền Ân, quê hương Phú Yên của ông chính là nơi phù hợp nhất để ông được sống trọn vẹn với giấc mơ của mình. Ông bảo: “Ở tỉnh nhỏ, người ta không bắt kịp các thông tin mới, bạn bè cũng chậm chạp, thiếu thời sự thì mất luôn sự hoạt động năng nổ. Ở tỉnh nhỏ dễ bị người có quyền chức, kể cả quyền chức văn nghệ ăn hiếp nhưng bù lại mình không bị cuốn hút theo thời sự, cách xa được những tranh chấp này nọ, lòng thanh thản hơn”.

Chúc cho ông luôn giữ được sự thanh thản trong lòng như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem