Hiện đang là thời điểm của vụ trồng chính trong năm, nên các cánh đồng trên đảo Lý Sơn gần như được bao phủ bởi màu xanh của tỏi - loại cây trồng được ví von là "vàng trắng" của người dân nơi đây.
|
Người dân huyện đảo Lý Sơn dùng béc phun để tưới nước cho tỏi. |
Vụ mùa bội thu
Trên đường dẫn chúng tôi tham quan quanh đảo, ông Nguyễn Trí Thức - Chủ tịch Hội ND xã An Hải khoe: Từ trước đến giờ, chưa có vụ nào người dân Lý Sơn bội thu như năm nay. Không những năng suất của tất cả các loại cây trồng đảm bảo, mà giá cả đều lên đỉnh. Theo đó, trước đây tỏi khô chỉ từ 30.000 - 70.000 đồng/kg, hiện giá bán tại đảo đã là 100.000 đồng/kg; hành củ từ 10.000-16.000 đồng/kg, nay tăng lên gần 30.000 đồng/kg.
Ngay cả dưa hấu, cây trồng phụ của vụ này cũng tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với vụ trước, lên gần 5.000 đồng/kg. Riêng tỏi một (1 tép/củ), tại nhiều điểm được người bán ra với giá lên đến 500.000-600.000 đồng/kg, cao hơn so với mấy vụ trước từ 200.000-300.000 đồng/kg. Nhẩm tính vụ trồng năm 2012 vừa qua, với sản lượng khoảng 900 tấn tỏi và 1.400 tấn hành, người dân đất đảo đã thu về ước khoảng 1,3 tỷ đồng.
Tích tụ đất, luân canh mùa vụ - chuyện cũ
Tuy nhiên, điều làm không ít dân nông nghiệp đất liền bất ngờ khi ra đảo tham quan, du lịch đó là việc tích tụ ruộng đất, luân canh mùa vụ để tăng năng suất và giá trị kinh tế trong sản xuất. Ông Võ Xuân Thế- Chủ tịch Hội ND xã An Vĩnh khẳng định: Do đặc thù là đảo, nên việc tích tụ ruộng đất ở Lý Sơn chỉ bằng hình thức thuê, mướn. Và chuyện này đã được ND ở đảo thực hiện cách đây gần hai chục năm rồi. Qua thống kê thì số trường hợp có thuê đất để mở rộng diện tích sản xuất chiếm tỷ lệ khoảng 65% so với gần 1.990 hộ làm nông trong toàn xã.
“Ngoài việc giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến khích ND đẩy mạnh xen canh, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, Hội ND xã còn tạo mọi điều kiện để ND có nhu cầu tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư, mở rộng sản xuất...".
Ông Nguyễn Trí Thức
Và để chứng minh, chỉ sau khoảng mươi phút tìm kiếm trong sổ ghi chép, ông Thế đã thống kê sơ bộ ra kín gần cả trang giấy A4 những trường hợp cá nhân, gia đình đã thuê đất. Theo đó người thuê ít thì 1-2 sào (500m2/sào) và nhiều nhất là khoảng 13 sào, như gia đình ông Mai Tấn Đức, Đặng Ngọc Anh, Lê Văn Sơn... Riêng số thuê từ 7 sào trở lên phải lên con số hàng trăm trường hợp.
Nếu so với đất liền thì việc sở hữu một vài hoặc cả chục ha cũng chẳng là gì. Thế nhưng ở Lý Sơn, nơi mà mỗi lao động chính chỉ được chia từ 110-120m2 và diện tích mỗi thửa ruộng chỉ từ 100-300m2, mới thấy để tích tụ được một diện tích đất sản xuất như vậy là chuyện không đơn giản. Lão nông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi), cho biết: Để có số diện tích 10 sào đất như hiện nay, trong đó 8 sào là đất thuê, ông phải gom góp suốt gần 10 năm.
Ngoài 2 loại cây trồng chính là tỏi (từ tháng 9-1 âm lịch) và hành (từ 4-6 âm lịch) hàng năm, xen giữa thời gian giữa 2 vụ tỏi-hành và hành-tỏi là trồng bắp (từ tháng 3-4 âm lịch) và dưa hấu (từ tháng 6-8 âm lịch). Với việc sản xuất 4 vụ/năm, gồm: Tỏi, hành, bắp, dưa hấu đã mang lại nguồn thu cho nông dân đất đảo khoảng 27,5 triệu đồng/sào/năm (khoảng 550 triệu đồng/ha/năm). Nhiều ND SXKD giỏi điển hình của tỉnh phấn khởi: Hiếm có cánh đồng nào ở đất liền đạt được như vậy, trừ những mô hình mẫu.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.