Thưa chị, làm phim tài liệu lịch sử là một lĩnh vực khó, đòi hỏi tâm huyết, công phu và tiền bạc. Chị đã từng nhiều năm trong nghề với một loạt phim gây tiếng vang như “Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn”, “Đi giữa kẻ thù”, “Con đường bí ẩn”, “Hiệp định Paris 1973” và giờ đây là “Mậu Thân 1968”, vì sao chị lại chọn con đường này?
- Bởi vì tôi yêu lịch sử dân tộc mình, càng tìm hiểu thì tôi càng thấy cha ông mình vĩ đại. Lịch sử là vấn đề quan trọng của nước nhà, nếu bạn hướng tâm vào đó, bạn sẽ thấy nó vô cùng hào hùng, những mất mát lớn lao, những hy sinh vô bờ bến... Khi tôi hiểu rõ lịch sử dân tộc tôi, tôi sẽ kiêu hãnh hơn về quá khứ của ông cha mình và có thêm can đảm để bước tới tương lai. Tôi làm phim với sự thôi thúc của lương tâm, phải nói ra sự thật.
|
Đạo diễn Lê Phong Lan và nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow - một nhân chứng trong phim “Mậu Thân 1968”. |
12 tập phim “Mậu Thân 1968” đã nói hết những gì chị muốn chuyển tải hay chưa?
- Nếu tôi được nói hết, tôi muốn làm tới 50 tập phim, bởi tôi đã gắn bó với phim này 10 năm nay, phỏng vấn hàng trăm nhân chứng ở nhiều phía, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Mỹ, Việt Nam cộng hòa, đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ. Tiếc là điều kiện tài chính có hạn, nên phim chỉ gói gọn trong 12 tập. Những nhân chứng tôi từng phỏng vấn, khá nhiều người trong số họ đã khuất núi rồi, họ đem theo một phần lịch sử của dân tộc này.
Tôi phải cảm ơn tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông đã động viên tôi phải làm phim về Mậu Thân 1968, vì không có gì nhạy cảm hết. Nếu không có cuộc tổng tiến công đã làm tổn thất rất nhiều lực lượng của quân đội ta này, sẽ không bao giờ có việc Mỹ ngồi vào bàn ký Hiệp định Paris 1973, không bao giờ rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Phim tài liệu lịch sử cần nhất là sự thật, chị có đảm bảo phim mình sẽ công bằng với tất cả các bên hay không?
- Tôi phải công bằng chứ, vì đó là nghề nghiệp và thanh danh của tôi. Tôi đặt tinh thần dân tộc lên hàng đầu. Tất cả những thông tin mà các nhân chứng cung cấp cho tôi, tôi phải kiểm chứng, đối chất kỹ lưỡng để tìm ra sự thật. Có vị chỉ huy sư đoàn nói với tôi là ông nằm trong cánh quân phía Bắc tiến vào Huế 1968, nhưng khi đối chất với những nhân chứng khác, tôi thấy thông tin của ông hoàn toàn không chính xác, ông chỉ thuộc cánh quân vòng ngoài thôi. Trong các bộ phim các nước đã từng làm về Mậu Thân 1968, tôi đánh giá cao cách nhìn nhận của người Mỹ về sự kiện Mậu Thân 1968, năm nào họ cũng làm phim, đưa ra những số liệu chân thực nhất, phân tích thấu đáo thất bại của họ.
Chị muốn chia sẻ điều gì với khán giả thông qua bộ phim này?
- Tôi chia sẻ hết những thứ tôi có, đó là một câu chuyện thấm đẫm xương máu hy sinh và những mất mát ở Huế mùa xuân năm 1968. Bom đạn, pháo Mỹ từ Hạm đội 7 ngoài khơi Thái Bình Dương bắn vào, 80% thành Huế đổ nát và bị san phẳng như một bãi chiến trường, nhưng tuyệt nhiên, không có một vụ thảm sát nào do quân đội phía ta gây ra như một tiểu thuyết tâm lý chiến của phía Việt Nam cộng hòa đã dựng lên. Nhiều người nói bộ phim như một cuốn tiểu thuyết, nhưng toàn bộ là sự thật và chỉ có sự thật.
Lê Tâm (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.