Làm ra sợi miến dong trong veo, nông dân một nơi ở Lai Châu tự trả lương tốt, lại tạo vô số việc làm

Tuấn Hùng Thứ tư, ngày 16/08/2023 12:55 PM (GMT+7)
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất miến dong của 10 hộ thành viên, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho hay: Từ khi Hợp tác xã được thành lập, chúng tôi chú trọng mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm miến dong...
Bình luận 0

Clip: Làm miến dong ở HTX Nông nghiệp xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Nông dân Tam Đường có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập

Tam Đường những ngày đầu tháng 8, trời mưa nhiều, hiếm hoi mới có được ngày nắng làm ảnh hưởng khá lớn đến việc trồng và sản xuất miến dong. Để sợi miến dẻo ngon, bà con nông dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư (huyện Tam Đường, Lai Châu) hối hả tranh thủ ngày nắng để sản xuất.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất miến dong của 10 hộ thành viên, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Hợp tác xã cho hay: Từ khi Hợp tác xã được thành lập, chúng tôi chú trọng mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, thị trường cũng dần biết tới sản phẩm miến dong, lượng tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể, chúng tôi lại có thêm việc làm.

Nhờ cách làm này, nông dân huyện Tam Đường ở Lai Châu có thêm việc làm, thu nhập tăng - Ảnh 2.

Từ sản xuất nhỏ lẻ, các hộ dân làm miến dong ở huyện Tam Đường, Lai Châu đã liên kết sản xuất theo dây chuyền tiêu chuẩn VietGap, nhờ đó năng suất, sản lượng và thị trường được mở rộng, thu nhập của bà con cũng tăng, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Tuấn Hùng

Ngược dòng thời gian, ông Ánh nhớ lại, năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) ra đời, chúng tôi đã mạnh dạn bỏ sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, sang liên kết hàng chục hộ dân sản xuất theo dây chuyền tiêu chuẩn VietGap, mục tiêu là nâng cao năng suất, sản lượng, mở rộng thị trường, đưa miến dong thành sản phẩm OCOP.

Chỉ tay vào những mẻ miến của bà con, ông Ánh cho biết, nghề làm miến dong ở đây có từ rất lâu, ước chừng khoảng trên 50 năm. Đến nay, mỗi năm chúng tôi sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong và sản phẩm đã được UBND tỉnh Lai Châu chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Nhờ có tư cách pháp nhân là hợp tác xã, sản phẩm miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ khu vực và trong nước, từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Nhờ cách làm này, nông dân huyện Tam Đường ở Lai Châu có thêm việc làm, thu nhập tăng - Ảnh 3.

Nhờ cách làm này, nông dân huyện Tam Đường ở Lai Châu có thêm việc làm, thu nhập tăng - Ảnh 4.

Có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, sản phẩm miến dong Bình Lư của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã vươn ra thị trường khu vực và trong nước, được UBND tỉnh Lai Châu chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Tuấn Hùng

"Hiện tại hợp tác xã có 10 thành viên, từ mô hình này chúng tôi tạo việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động với mức lương trung bình từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng và 20 đến 30 lao động thời vụ vào mùa cao điểm 4 tháng cuối năm.

Hợp tác xã đã giúp các hộ thành viên vươn lên phát triển kinh tế và đã có thu nhập khá. Có được kết quả này, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương cho vay vốn, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, giới thiệu sản phẩm…" ông Ánh hồ hởi cho hay.

Đồng hành với nông dân phát triển tiểu thủ công nghiệp

Thực tế cho thấy, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhờ có sự đồng hành của các cấp chính quyền, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Tam Đường có sự phát triển đáng mừng. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Nguyên Lý, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tam Đường cho biết: Huyện đang tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhằm tăng thu ngân sách địa phương, tạo việc làm cho người lao động nông thôn với thu nhập ổn định.

Mặc dù còn gặp nhiều thách thức về công nghệ, thị trường, nguồn vốn… tuy nhiên việc đẩy mạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nhờ cách làm này, nông dân huyện Tam Đường ở Lai Châu có thêm việc làm, thu nhập tăng - Ảnh 5.

Nông dân Tam Đường tranh thủ ngày nắng hối hả sản xuất miến dong. Ảnh: Tuấn Hùng

Được biết, huyện Tam Đường đang tăng cường công tác quản lý các hoạt động về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; triển khai việc thực hiện Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/1/2022 của Bộ Công thương quy định về quản lý website thương mại điện tử; Kế hoạch số 381/KH-UBND ngày 11/2/2021 của UBND tỉnh Lai Châu về việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…

Đồng hành với bà con, các xã, thị trấn ở huyện Tam Đường tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa.

Những năm trước, chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng với sự cố gắng của các cấp từ huyện đến cơ sở, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhiều chỉ tiêu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Tam Đường đạt và vượt so với cùng kỳ. Năm 2022, huyện Tam Đường có giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 288 tỷ đồng.

Nhờ cách làm này, nông dân huyện Tam Đường ở Lai Châu có thêm việc làm, thu nhập tăng - Ảnh 6.

Bên cạnh hợp tác xã sản xuất miến dong, huyện Tam Đường có thêm các hợp tác xã sản xuất chè, đây cũng là thế mạnh của địa phương trong những năm qua, qua đó tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Hoàng Nguyên Lý, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Bên cạnh những kết quả đáng mừng đã đạt được, hiện nay, huyện Tam Đường gặp phải một số thách thức trong phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: doanh nghiệp, hợp tác xã chưa phát huy hết hiệu quả do thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, giá sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thị trường kém.

Để từng bước khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục định hướng, khuyến khích, tìm các giải pháp huy động nguồn vốn, đầu tư hỗ trợ cho người dân phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương tiếp tục phát triển.

Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng các cấp chính quyền và bà con nông dân huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực triển khai giải pháp phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có sản xuất miến dong, sản xuất chè...góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem