Làm thực tế để phá tan ám ảnh

Thứ ba, ngày 03/12/2013 11:15 AM (GMT+7)
Trước áp lực tăng dân số, hiện các nước khu vực châu Á đã tích cực triển khai ứng dụng cây trồng biến đổi gene (BĐG). Do đó, việc ra đời thông tư về thực phẩm BĐG là bước đi cần thiết để Việt Nam sớm thương mại hoá loại cây trồng này.
Bình luận 0
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần có những bước đi thận trọng để hạn chế thấp nhất những rủi ro (có thể xảy ra) khi ứng dụng rộng rãi giống cây BĐG.

Chỉ sợ những gì không nhìn thấy

Ngay sau khi Bộ NNPTNT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi”, hiện đang có 2 luồng dư luận khác nhau. Một bên, ủng hộ giống cây trồng BĐG vì nhận thấy đây là tiến bộ khoa học hiện đại, góp phần gia tăng sản lượng cây trồng mà phương pháp chọn tạo giống cây trồng truyền thống không đáp ứng được.

Ngược lại, bên phản đối cho rằng cây trồng BĐG có nguy cơ đem lại những hậu quả tiêu cực đối với sức khoẻ con người, động vật và đa dạng sinh học, nên cần phải thận trọng khi công nhận làm thực phẩm cho con người. Trong khi có một thực tế là thực phẩm BĐG đã vào nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau từ hàng chục năm nay, dù quy định về loại thực phẩm này hiện vẫn chưa chính thức ban hành.

Giống ngô lai có nguồn gốc từ nước ngoài đang được trồng nhiều ở Việt Nam.
Giống ngô lai có nguồn gốc từ nước ngoài đang được trồng nhiều ở Việt Nam.

Trong những năm qua, ở Việt Nam, Nhà nước đã có nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) và xem đây là giải pháp mũi nhọn phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, được thể hiện ở các văn bản như Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4.3.2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH.

Bên cạnh đó, quy định về ứng dụng giống cây trồng BĐG cũng đã được thể hiện trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Ngoài ra, việc phát triển và ứng dụng CNSH ở Việt Nam cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg ngày 22.1.2008 phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng CNSH ở Việt Nam đến năm 2020”; “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” tại Quyết định số 11 ngày 12.1.2006. Tại 2 quyết định trên, phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG ở Việt Nam được xác định là nhiệm vụ quan trọng của chương trình CNSH nông nghiệp quốc gia.

Những quyết tâm ứng dụng CNSH, trong đó có cây trồng BĐG cũng được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Người ta sợ ma vì không bao giờ nhìn thấy nó, một số người sợ cây trồng BĐG cũng bởi chưa nhìn thấy nó bao giờ. Phải đưa cây BĐG trồng trong thực tế, để người ta nhìn thấy mới thuyết phục, phá tan những ám ảnh mà họ tự nghĩ ra về cây trồng BĐG. Tôi xin khẳng định quan điểm về cây trồng BĐG là quốc tế làm sao, mình làm vậy. Chúng ta phải kế thừa chứ không nên làm lại những công đoạn mà các nước tiên tiến đã làm, vì nếu thế khác gì dùng bàn tính để kiểm tra lại... máy tính điện tử”.

Nhận định về vấn đề này, GS - TS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta nên dừng việc phân biệt đối xử với thực phẩm, sinh vật và cây trồng BĐG bởi chúng ta đã sử dụng hàng chục năm nay mà không ảnh hưởng gì. Cái quan trọng là chúng ta cần nâng cấp khung pháp lý để áp dụng cho việc quản lý cây trồng BĐG”.

Lịch sử hơn 30 năm


TS Clive James - Chủ tịch Tổ chức Dịch vụ quốc tế về tiếp thu các ứng dụng CNSH trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết: “Thực phẩm BĐG, chính xác hơn là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng BĐG đã có quá trình hơn 30 năm nghiên cứu và được ủng hộ mạnh mẽ bởi những bằng chứng khoa học và kết luận của cộng đồng khoa học toàn cầu. Trên thực tế, cây trồng BĐG đã trải qua nhiều đánh giá và thử nghiệm hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong lịch sử nông nghiệp, đồng thời luôn được thực hiện nghiêm ngặt theo những yêu cầu của các cơ quan quản lý khoa học, cũng như hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế”.

Các nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức công và tư đã thử nghiệm cây trồng BĐG và đã công bố hàng trăm nghiên cứu về tính an toàn của CNSH. Bạn đọc có thể tham khảo tại các tổ chức: Trung tâm đánh giá rủi ro đối với môi trường (CERA) GM Crop Database; CERA Bibliography Database; AgBioForum, Tạp chí quản lý Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và kinh tế; Crop Life International (CLI) Database of the Benefits and Safety of Biotechnology.

Sự an toàn của cây trồng BĐG cũng đã được khẳng định bởi nhiều tổ chức khác, bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ, Hiệp hội Độc chất học, Viện Khoa học sự sống quốc tế, Viện Khoa học hàn lâm Hoa Kỳ, Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh, WHO, Viện Công nghệ thực phẩm, FAO, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu và Uỷ ban Liên minh châu Âu.

Kể từ khi cây trồng BĐG được thương mại lần đầu tiên vào năm 1996, các cơ quan quản lý thuộc 59 quốc gia đã tiến hành đánh giá khoa học mở rộng và khẳng định sự an toàn của cây trồng BĐG với 2.497 phê duyệt cho 319 tính trạng BĐG khác nhau trên 25 đối tượng cây trồng.

Phần lớn phê duyệt cây trồng BĐG (1.129 trong số 2.497) là công nhận độ an toàn thực phẩm của sản phẩm. Trong 17 năm thương mại hoá cây trồng BĐG (1996-2012), hàng triệu nông dân tại gần 30 quốc gia đã trồng hơn 1,5 tỷ ha mà không có bất kỳ báo cáo gây hại nào cho người hay động vật...
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem