Nỗi đau “gwarosa”
Một trong những bức ảnh hiếm hoi của ông Chae Soo-hong với bà Park Huyn-suk. Ảnh: CNN.
Phải mất rất lâu, bà Park Huyn-suk mới tìm thấy một bức ảnh chụp chung với người bạn đời Chae Soo-hong. Chồng bà đã qua đời trước đó vì “gwarosa” – trong tiếng Hàn Quốc nghĩa là chết vì làm việc quá sức.
“Tôi nghĩ là chúng tôi có chụp vài bức cùng nhau” – Park vừa lướt kho ảnh trong điện thoại vừa nói.
Cuối cùng, sau một lúc lâu, Park mới tìm thấy một tấm: trong bức ảnh, bà đứng bên cạnh người chồng trong bộ đồ khử nhiễm màu trắng, đội chụp đầu. Theo lời kể của Park, Chae làm việc tại một nhà cung cấp thực phẩm. Công việc chính của ông là đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và thời gian sản xuất.
Hàng ngày, Chae sẽ đi tới nhà máy của công ty và giám sát việc sản xuất. Còn vào thứ Bảy, ông sẽ tới văn phòng chính để làm việc giấy tờ. Thế nhưng, sau khi về nhà, công việc vẫn bám theo ông: các buổi tối, ông thường dành thời gian để nhận các cuộc gọi từ công nhân nhà máy, chủ yếu là lao động xuất khẩu từ nước ngoài, và giúp họ làm quen với cuộc sống tại xứ sở kim chi.
“Khi anh ấy bắt đầu làm vào 2015, công ty có khoảng 30 nhân viên. Trước khi Chae chết, công ty đã phát triển lên 80 người, công việc của anh càng ngày càng nặng” - Park nói với CNN.
Hiếm khi bà Park chụp được tấm ảnh người chồng mặc đồ thường. Ảnh: CNN.
Khi mà công ty nhận càng nhiều đơn hàng, Chae buộc phải làm nhiều hơn. Cường độ công việc dồn dập tới mức khiến Chae mệt mỏi, dành hầu hết thời gian ở nhà chỉ để ngủ. Vào một buổi sáng thứ Bảy của tháng 8.2017, khi đang chuẩn bị tới văn phòng như mọi khi, Chae than phiền rằng bản thân thấy mệt. Tuy nhiên, do đã quá quen với việc này, Park không hề nghĩ ngợi nhiều.
“Đáng lẽ tôi phải thấy anh ấy đang không khỏe” - Park ngậm ngùi. “Anh ấy đã không trở về nhà về hôm đó.
Vào lúc 7 giờ tối hôm ấy, các đồng nghiệp phát hiện Chae gục ngã trên sàn văn phòng. Nguyên nhân tử vong chưa bao giờ được làm rõ. Theo CNN dẫn số liệu của chính phủ Hàn Quốc, Chae Soo-hong là một trong số hàng trăm người đã chết vì “gwarosa”.
Di sản chiến tranh
Theo luật sư lao động Kim Woo-tark – người từng giúp nhiều gia đình có người thân chết vì “gwarosa” nộp đơn xin đền bù từ Cơ quan Dịch vụ Phúc lợi và Đền bù Lao động Hàn Quốc (COMWEL), văn hóa làm việc quá thời gian là di sản còn lại của Chiến tranh Triều Tiên.
“Sau chiến tranh, để Hàn Quốc có thể vực dậy nhanh chóng, một cấu trúc đã được thiết lập để buộc mỗi người lao động phải gánh vác một lượng công việc khổng lồ” – luật sư Kim giải thích. “Qua thời gian, cấu trúc đó đã trở thành một văn hóa, tập tục của Hàn Quốc”.
Hàn Quốc là một trong những nước có số giờ lao động trung bình tuần cao nhất thế giới. Ảnh: CNN.
Vào hồi tháng Bảy vừa rồi, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã ban hành quy định giảm thời gian lao động tối đa từ 68 giờ/tuần xuống còn 52 giờ/tuần. Luật này áp dụng với những công ty có trên 300 nhân viên, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1.2019. Tổng thống Moon tuyên bố đây sẽ là một “cơ hội quan trọng để chuyển dịch từ một xã hội làm việc quá tải sang một xã hội dành thời cho gia đình”.
“Điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ có một giải pháp nền tảng nhằm bảo vệ tính mạng, an toàn của người dân thông qua việc giảm thiểu số người chết vì làm việc quá tải, các tai nạn lao động và ngủ gật khi lái xe” – ông Moon tuyên bố.
Theo CNN, một trong những tập đoàn đầu tiên hướng ứng luật mới là tập đoàn viễn thông KT. Được biết, các nhân viên của KT hiện có thể theo dõi giờ làm trên màn hình máy tính. Các giám đốc, quản lý của KT cũng khuyến khích nhân viên về nhà với gia đình thay vì làm việc thêm giờ.
Không chỉ có người lao động, luật mới của Hàn Quốc còn đem lại lợi ích rộng lớn cho toàn xã hội: vào tháng Tám vừa rồi, Bộ Lao động Hàn Quốc công bố đã có khoảng 43.000 việc làm được tạo ra. Lý do là các tập đoàn buộc phải thuê thêm nhiều người lao động thay vì bắt các nhân viên hiện tại làm thêm giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.