Lần đầu tiên Mỹ có tiếng nói thống nhất về biển đông

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ bảy, ngày 22/11/2014 06:08 AM (GMT+7)
“Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, lưỡng viện Quốc hội Mỹ có tiếng nói thống nhất về một vấn đề quốc tế vô cùng phức tạp, đó là một tin vui đối với Việt Nam” - tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ bình luận về việc Hạ viện Mỹ ngày 20.11 đã thông qua nghị quyết về Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bình luận 0

4 tháng sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết S.RES-412 lên án những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, ngày 20.11 vừa qua, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua Nghị quyết H.Res-714 về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Xin ông cho biết ý nghĩa của những quyết định quan trọng này trong Quốc hội Mỹ?

-Trước hết đó là một tin vui đối với chúng ta. Nghị quyết vừa được Hạ viện Mỹ thông qua đã cho thấy tiếng nói mạnh mẽ của cơ quan quyền lực Quốc hội Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết nhấn mạnh Chính phủ Mỹ hết lòng hỗ trợ tự do hàng hải và việc sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế. Nghị quyết lên án mọi hành động cưỡng chế, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nhằm cản trở quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế… Những điều đó phản ánh thái độ quan tâm của Mỹ đối với vấn đề an ninh hàng hải trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà Mỹ có lợi ích.

img

Tiến sĩ Trần Công Trục  - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

Trước khi Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết này, hồi tháng 7 vừa qua, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua nghị quyết tương tự, có thể nói đó là một biến đổi rất tích cực trong Quốc hội Mỹ mà chúng ta rất hoan nghênh. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tiếp tục khai thác những tiếng nói như vậy để góp phần giúp chúng ta trong việc ngăn cản những hành động gây ra sự bất ổn trong khu vực, những hành động này không chỉ vi phạm đến những quyền lợi chính đáng của chúng ta mà còn vi phạm đến luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển và mục đích chung của khu vực và quốc tế.

 

Thưa ông, ngoài ý nghĩa mang tính thông điệp, về mặt pháp lý, Nghị quyết H.Res-714 sẽ có những ràng buộc gì?

Quan điểm
img

Tiến sĩ Trần Công Trục
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
  Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, lưỡng viện Quốc hội Mỹ có tiếng nói thống nhất về một vấn đề quốc tế vô cùng phức tạp, đó là một tin vui đối với Việt Nam  
- Nghị quyết nói trên không có ý nghĩa ràng buộc đối với các bên liên quan trong những tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện nay. Theo tôi, nghị quyết này là thông điệp, là tiếng nói mạnh mẽ, thể hiện quan điểm, ý chí của một quốc gia cụ thể ở đây là Mỹ. Tất nhiên, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến nước mà bị quốc gia này lên án, họ phải tính toán lại. Về mặt pháp lý nghị quyết không có ý nghĩa ràng buộc pháp lý mang tính quốc tế, phải có thỏa thuận nào đó của các bên có liên quan, hay là một tổ chức quốc tế. Nhưng rõ ràng, với những động thái này tôi cho rằng, nghị quyết của Quốc hội Mỹ sẽ góp phần làm giảm những căng thẳng trên Biển Đông và ngăn chặn những khủng hoảng về an ninh trong khu vực.

 

img

Mỹ có lợi ích an ninh hàng hải trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, trước một vấn đề quốc tế phức tạp và có nhiều khía cạnh như vậy, Mỹ đã có một tiếng nói thống nhất, kể cả Thượng viện và Hạ viện. Thông thường những vấn đề quốc tế, trong truyền thống Mỹ thì Thượng viện và Hạ viện có tiếng nói khác nhau, nhưng trong bối cảnh hiện nay đó là xu hướng tốt.

Nghị quyết H.Res-714 sẽ tác động như thế nào đến kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông mà Trung Quốc đang mưu toan, thưa ông?

- ADIZ là vùng mà Bắc Kinh đã lập ở Biển Hoa Đông, gây ra nhiều phiền toái, căng thẳng trên vùng biển này và khả năng Bắc Kinh sẽ tái diễn động thái tương tự này trên Biển Đông. Nếu có ADIZ trên Biển Đông thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh trên bầu trời ở Biển Đông, ảnh hưởng đến không quân Mỹ về mặt hàng không và ảnh hưởng chung của cả hàng hải lẫn hàng không. Các tuyến đường hải và hàng không đi qua vùng Biển Đông rất nhộn nhịp, nên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu, rõ ràng là Mỹ rất quan tâm và họ cảnh báo trước điều đó là hoàn toàn đúng.

 

Tuy nhiên, đế trả lời câu hỏi rằng nghị quyết này ra đời có khiến Trung Quốc ngừng kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông hay không cần phải có nghiên cứu rất nhiều về những yếu tố khác nữa chứ không đơn giản là có ảnh hưởng hay không. Vấn đề là sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc này rất cao bởi họ có tính toán. Tuy nhiên, qua thực tế từ việc ứng phó của các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là qua việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam vừa qua, chúng ta thấy rõ rằng, nếu như thế giới này có tiếng nói mạnh mẽ thì cũng sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến thái độ và hành động của Trung Quốc có làm hay là dừng lại.

Theo tôi, quan điểm của Mỹ về Biển Đông đã rõ ràng và mạnh mẽ, ít nhất Trung Quốc cũng phải tính lại những ý đồ của họ.

Xin cảm ơn ông!

 Nghị quyết của Quốc hội Mỹ sẽ góp phần làm giảm những căng thẳng trên Biển Đông và ngăn chặn những khủng hoảng về an ninh trong khu vực.
Những điểm cơ bản trong nghị quyết H.Res-714 của Hạ viện Mỹ

- Nghị quyết mang mã số H.Res-714, tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ đối với các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

- Nghị quyết nhấn mạnh Mỹ ủng hộ và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế.

- Nghị quyết cũng lên án mọi hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực cản trở quyền tự do đi lại tại các vùng biển và không phận quốc tế.

- Nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên bầu trời Biển Hoa Đông, coi đây là một hành động đi ngược quyền tự do bay qua không phận quốc tế.

- Nghị quyết cũng hối thúc Bắc Kinh không lập ADIZ tại các vùng biển khác của châu Á - Thái Bình Dương.

- Nghị quyết cũng kêu gọi ASEAN và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

- Nghị quyết của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng nhắc tới hàng loạt trường hợp Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông trong thời gian qua, đặc biệt là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động bất hợp pháp trong vùng thềm lục địa Việt Nam.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem