Lần đầu tiên Việt Nam thu gần 1.200 tỷ đồng nhờ bán một thứ được hấp thụ từ rừng

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 27/12/2023 18:31 PM (GMT+7)
Năm 2023, lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng).
Bình luận 0

Thông tin này được ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, chiều 27/12.

Theo ông Lực việc chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon "đánh dấu một cột mốc rất quan trọng".

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ cho các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Lần đầu tiên Việt Nam chuyển nhượng thành công tín chỉ carbon trong ngành lâm nghiệp, thu về gần 1.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm Nghiệp cho biết, năm 2023, Việt Nam thu 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng) từ chuyển nhượng tín chỉ carbon. Ảnh: Bình Minh

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ khoảng 42%. Tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018-2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước).

Ông Phạm Hồng Lượng, Cục Lâm nghiệp cho biết, chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam là câu chuyện thành công và được WB đánh giá rất cao. "Từ câu chuyện của Việt Nam, WB mong muốn chia sẻ, lan tỏa đến các nước trên thế giới", ông Lượng nói.

Ngày 28/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam đánh giá, đây là một dự án mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các hộ dân đang quản lý, bảo vệ rừng. Tín hiệu đáng mừng là trữ lượng hấp thụ carbon rừng của Việt Nam không chỉ có xu hướng tăng so với giai đoạn trước mà còn tăng vượt trội so với mức phát thải trong lâm nghiệp.

Theo các chuyên gia, để biến tiềm năng carbon rừng thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc xây dựng, vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng thị trường tín chỉ carbon từ năm 2012, được cụ thể hóa qua nhiều luật như: Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường... Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó nêu rõ sẽ triển khai thí điểm thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025, vận hành chính thức vào năm 2028. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Lần đầu tiên Việt Nam chuyển nhượng thành công tín chỉ carbon trong ngành lâm nghiệp, thu về gần 1.200 tỷ đồng - Ảnh 2.

Rừng tự nhiên do cộng đồng dân cư ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị quản lý, bảo vệ được bán tín chỉ carbon. Ảnh: Hưng Thơ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án trọng điểm để xây dựng ngành Lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù.

Cùng với đó, ngành sẽ thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội.

Ngành lâm nghiệp cũng hướng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng cũng sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem