Lan tỏa hào khí Hoàng Sa

Trần Đăng Thứ hai, ngày 01/09/2014 13:00 PM (GMT+7)
Chừng 5 năm trở lại đây, trừ những người như Mai Phụng Lưu, Tiêu Viết Là và một vài ngư dân khác được đặt chân lên Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa do họ... bị Trung Quốc bắt giam khi đánh cá tại vùng biển này, còn tất cả những ngư dân Lý Sơn khác, Hoàng Sa với họ chỉ là một “bóng mờ”. Nhưng, “ngọn lửa Hoàng Sa” thì không bao giờ nguội tắt...
Bình luận 0

Với lớp người già ở Lý Sơn, dù Hoàng Sa chỉ còn trong tâm tưởng nhưng từng con nước lớn, mỗi gốc phong ba, từng dải san hô nơi quần đảo ấy vẫn thức ngủ đêm đêm cùng các cụ. Vì vậy, giữ một chút gì liên quan đến quần đảo ấy cũng là cách “truyền lửa” cho đời sau, để con cháu đừng bao giờ quên rằng một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc đang nằm trong tay kẻ khác.

Phục dựng thuyền câu

Cụ ông Võ Hiển Đạt, nay đã qua tuổi 80 nhưng nắng gió biển khơi suốt 40 năm quăng quật với dầm chèo và sóng gió nơi Hoàng Sa đã thành “liều thuốc bổ” giúp ông khỏe mạnh, bất chấp tuổi già. Hay tin Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi có nhã ý phục dựng thuyền câu - loại thuyền mà các binh phu vẫn dùng để ra Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước, ông xung phong thực hiện ngay. Chỉ là con thuyền cách điệu nhưng các loại vật dụng trên thuyền phải giống y chang chiếc thuyền mà cha ông mình từng sử dụng. Ông Đạt tỉ mẩn từng ly từng tí, ròng rã hơn năm trời, chiếc thuyền câu của đội “Hùng binh Hoàng Sa” mới được hoàn thành. Ông bảo: “Con cháu bây giờ nghe nói ông bà mình từng ra Hoàng Sa “theo lệnh vua” để giữ bờ cõi nhưng chúng đâu biết chiếc thuyền ấy “mặt tròn mặt dẹt” ra sao! Giờ chúng đi thuyền máy, chạy một lèo là tới Hoàng Sa nên không hình dung được ông cha mình phải đi hơn 3 ngày 3 đêm mới tới nơi, lại dùng buồm, lựa chiều gió, con nước mà đi. Thế hệ hôm nay cần phải biết để hiểu hơn về cái giá mà cha ông mình phải trả để bờ cõi được vẹn nguyên. Tôi làm chiếc thuyền này cũng vì ý nghĩa đó”.

img Ông Võ Hiển Đạt bên mô hình thuyền câu. 

 

Ông Đạt là người giữ kỷ lục về thời gian “tại chức” gác miếu thờ lính Hoàng Sa suốt 60 năm trên đảo Lý Sơn. Ông giữ từng bài vị những binh phu Lý Sơn tử nạn ở Hoàng Sa từ thời Nguyễn. Đến khi đình An Vĩnh được phục dựng, các bài vị được chuyển về thờ tại đình, ông mới “về hưu”. Phục dựng thuyền câu, với ông Đạt, là một cách “giữ lửa” cho con cháu, để chúng biết thêm về công cuộc giữ nước của ông bà nơi Hoàng Sa vậy.

Tờ lệnh trong rương gỗ tra bể

Tháng 3.2009, “tờ lệnh” từ thời Vua Minh Mạng điều binh ra Hoàng Sa được công bố rộng rãi, sau đó bàn giao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu giữ. Ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ (đảo Lý Sơn)- người cất giữ tờ lệnh của dòng họ Đặng, vui vẻ giao báu vật của ông bà mình cho Nhà nước. “Ngọn lửa” mà dòng họ Đặng cất giữ và lưu truyền gần 200 năm qua, nay được nhen lên và thắp sáng cho tất cả mọi người Việt Nam yêu nước.

Hôm chứng kiến lễ bàn giao tờ lệnh cho ngành văn hóa trước khi giao cho Bộ Ngoại giao, nhiều người chỉ quan tâm đến lai lịch của tờ lệnh có từ bao giờ, nó được dòng họ Đặng cất ở đâu sau bao nhiêu can qua, binh lửa chiến tranh... nhưng không mấy người biết đến “lai lịch” chiếc rương đựng tờ lệnh. Ông Lên tiết lộ: “Chiếc rương ấy được làm bằng một loại cây đặc biệt, dân Lý Sơn xếp vào loại danh mộc. Đó là cây tra bể, loại cây chỉ có ở đất đảo Lý Sơn, nay chỉ còn một cây cổ thụ ở trước chùa Hang. Ông Lên nói rằng, ông cũng chỉ nghe ông nội ông kể lại chiếc rương đựng tờ lệnh được làm bằng cây tra bể chứ ông cũng không rõ lắm. Nhưng điều này thì chắc chắn: Chỉ có cây tra bể mới chịu được thử thách của thời gian trên một hòn đảo rất khắc nghiệt, lắm mưa nhiều bão này. Bởi thế cho nên, suốt gần 200 năm qua, tờ lệnh đựng trong chiếc rương gỗ tra bể vẫn vẹn nguyên. Giữ được tờ lệnh từ thời Vua Minh Mạng, một bằng chứng về chủ quyền lãnh hải quốc gia, cũng là một cách “giữ lửa” cho đời sau mỗi khi nhắc về Hoàng Sa vậy.

Cát vàng từ đảo Bạch Quy

Mai Phụng Lưu mới ngoài 50 tuổi nhưng lại là người ngang dọc Hoàng Sa từ thời “sóng yên bể lặng” trong quan hệ Việt-Trung. Những địa danh như Tri Tôn, Quang Ảnh, Hữu Nhật, Bạch Quy… Lưu thuộc nằm lòng, “nhắm mắt đi cũng trúng”. Sau khi bị Trung Quốc bắt lần thứ 4 ( năm 2009), Mai Phụng Lưu vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa, bất chấp hiểm nguy. Trong lần trở lại Hoàng Sa năm 2010, Mai Phụng Lưu đã làm được một việc mà tất cả các nhà báo Việt Nam thèm muốn: Chụp ảnh đảo Bạch Quy- hòn đảo phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa. Có lẽ tấm ảnh chụp cha con Mai Phụng Lưu lui cui cho cát vào bao tải ngay trên đảo Bạch Quy là bức ảnh duy nhất được người Việt Nam thực hiện tại quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 1.1974- thời điểm Trung Quốc chiếm quần đảo này.

Mai Phụng Lưu kể: “Tôi mang theo chiếc máy ảnh mi ni, loại máy kỹ thuật số mà khách du lịch hay dùng. Trước khi đi, cả 3 cha con (con trai và con rể), được dặn dò kỹ lưỡng, chỉ nghĩ lúc mình cho cát vào bao mà Trung Quốc ập đến thì coi như công cốc. Nó bắt lần nữa, tôi cũng chả sợ, nhưng nó thu tấm ảnh, nhất là thu số cát mình xúc được để mang về thì không gì đau đớn bằng. Tôi quý mấy bao cát ấy hơn cả lúc được cá đầy tàu nữa”. Hiện “nắm cát Hoàng Sa” do ông Lưu mang về từ đảo Bạch Quy được trưng bày tại “Phòng trưng bày Hoàng Sa” ở TP. Quảng Ngãi do nhà thơ Thanh Thảo sáng lập.

Nhìn những tấm ảnh cha con Mai Phụng Lưu lui cui cho cát vào bao, rồi nhìn những viên cát vàng xen lẫn san hô, tôi như thấy cả hồn thiêng của bao thế hệ giữ đất Hoàng Sa hiện về...

Giữ được tờ lệnh từ thời Vua Minh Mạng, một bằng chứng về chủ quyền lãnh hải quốc gia, cũng là một cách “giữ lửa” cho đời sau mỗi khi nhắc về Hoàng Sa vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem