Lan tỏa hơi ấm yêu thương trên vùng núi cao lạnh giá

Thứ bảy, ngày 11/02/2023 06:18 AM (GMT+7)
Giữa núi rừng Sa Pa lạnh giá, có một "ngọn lửa nhiệt huyết" luôn tỏa hơi ấm trên con đường làm thiện nguyện, đó là chàng trai Thào A Dê (sinh năm 1992, dân tộc Mông), Bí thư Đoàn phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Bình luận 0

Cuộc đời bước ra từ... phim

Nếu ai từng xem bộ phim "Thung lũng hoang vắng" của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang thì chắc hẳn sẽ nhớ đến hình ảnh cậu bé người Mông bỏ học để về đi rừng, tự kiếm ăn. Cậu bé đóng vai đó chính là Thào A Dê. Mặc dù chỉ đóng vai phụ nhưng Thào A Dê đã diễn rất đạt bởi đó là câu chuyện đời của chính mình. Thào A Dê nhớ lại: "Gia đình tôi có tới 13 anh chị em, kinh tế rất khó khăn nên bố mẹ không thể cho tất cả đi học chữ. Bố mẹ bảo tôi ở nhà đi rừng, làm nương mới có cái ăn, vậy nên khi đóng phim, tôi không cần diễn nhiều vì đó cũng là đời thực của bản thân".

Sau khi được gặp gỡ với các cô chú trong đoàn làm phim, Thào A Dê đã có nhiều thay đổi trong tư duy nhưng không phải trên phương diện điện ảnh. A Dê quyết tâm đi học, theo đuổi con chữ tới cùng. A Dê không chỉ "băng băng" lên lớp mà còn trúng tuyển vào ngành quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh là người đầu tiên của xã Tả Giàng Phìn (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) trúng tuyển đại học.

Hồ hởi trong ngày đầu tiên xuống Hà Nội, A Dê đã bị "giội một gáo nước" còn lạnh hơn cái lạnh ở quê. Anh bị kẻ xấu móc túi mất 6 triệu đồng, chỉ "bớt" cho anh 4.000 đồng lẻ. A Dê nhớ lại: "Tôi đã khóc như một đứa trẻ ở công viên trong ngày đầu tiên xuống Thủ đô theo học. Rồi tôi đành đi vay tiền bạn bè, thầy cô để tạm sống. Sau đó, tôi kiếm việc đi làm thêm để có tiền ăn học. Nếu tôi bỏ về lúc bấy giờ, không những giấc mơ của bản thân dang dở mà còn tạo nên tâm lý không muốn đi học với các em học sinh ở quê".

Lan tỏa hơi ấm yêu thương trên vùng núi cao lạnh giá - Ảnh 1.

Thào A Dê (ngoài cùng, bên trái) cùng đoàn thiện nguyện trao kinh phí sửa nhà tặng hộ nghèo. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong 4 năm học, Thào A Dê đã đoạt 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc khi tham dự giải thể thao do nhà trường và thành phố Hà Nội tổ chức. Ngoài ra, A Dê còn đoạt 1 huy chương vàng tại Hội thi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tốt nghiệp đại học, Thào A Dê không chọn ở lại Thủ đô lập nghiệp như bao bạn bè mà trở về quê để mong cống hiến sức trẻ. A Dê sau đó trúng tuyển vào làm việc tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Sa Pa. Một thời gian sau, A Dê được điều chuyển làm chuyên viên Thị đoàn Sa Pa, rồi tiếp tục được phân công làm Bí thư Đoàn xã Tả Giàng Phìn, sau đó là Bí thư Đoàn phường Ô Quý Hồ và từ đó gắn chặt với công tác thanh niên tại địa phương.

Bí thư Đoàn có trái tim "nóng"

Trong đợt dịch Covid-19, A Dê và các đoàn viên, thanh niên của phường Ô Quý Hồ đã tổ chức được 15 buổi trao quà từ thiện giúp học sinh nghèo, gia đình khó khăn với tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Đặc biệt, A Dê còn triển khai ý tưởng "Tủ quần áo miễn phí" tại cổng UBND phường Ô Quý Hồ để phục vụ người nghèo thiếu áo ấm trên địa bàn.

 Mùa đông giá lạnh, mỗi ngày có đến 60-70 lượt người tới nhận quần áo, không ai tranh nhau, mọi người tự giác chỉ lấy áo mặc cho đủ ấm. Không chỉ quần áo, ai cho đồ gia dụng, đồ điện tử... A Dê đều nhận rồi về sửa chữa thêm để dùng cho tốt nhằm hỗ trợ bà con khó khăn. Thào A Dê cho biết: "Mùa đông ở vùng cao rất lạnh mà người dân lại thiếu áo ấm. Tôi đã kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm xây dựng tủ quần áo này. Hy vọng rằng, tủ quần áo sẽ giúp sưởi ấm phần nào cái giá lạnh nơi đây".

Trái tim Thào A Dê luôn sục sôi làm thiện nguyện. Năm 2022, A Dê đã kêu gọi được 40 triệu đồng để tổ chức Trung thu cho gần 700 học sinh ở phường; kêu gọi xây nhà tình nghĩa với kinh phí 45 triệu đồng cho người mẹ đơn thân tại thôn Sín Chải; tổ chức Chương trình "Cứng hóa nền nhà" cho 15 hộ dân với tổng số 150 bao xi măng, góp phần xây dựng văn minh đô thị. Ngoài ra, A Dê còn kêu gọi từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ phẫu thuật cho em Thào A Nu bị thoát vị bẹn bẩm sinh với kinh phí 25 triệu đồng; hỗ trợ phẫu thuật cho em Hạng A Dũng không có hậu môn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai với kinh phí 30 triệu đồng.

Không những năng nổ trong công tác thiện nguyện, A Dê còn nhận đỡ đầu một số em nhỏ mồ côi, trở thành người anh trai đối với các em. Hễ nhìn thấy A Dê đến, các em nhỏ đều rất phấn khởi, reo hò: "Anh Dê, anh Dê đến rồi!". A Dê cho biết: "Tôi mới biết một em nhỏ mồ côi đang ở với ông bà ngoại đã hơn 70 tuổi, hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi đang cố gắng tìm nguồn để hỗ trợ hằng tháng cho em, để em có điều kiện sống tốt hơn và có cơ hội đến trường".

Làm giàu trên vùng núi cao

Xã Ngũ Chỉ Sơn hiện đã trở thành một điểm du lịch, leo núi ưa thích của giới trẻ. Một trong những nguyên nhân giúp nơi này trở nên nổi tiếng là bởi các dịch vụ homestay đã phát triển theo kịp nhu cầu du khách. Homestay De Chu của Thào A Dê được thành lập năm 2017 chính là mô hình homestay đầu tiên ở Ngũ Chỉ Sơn. Thào A Dê tâm sự: "Muốn vận động người dân học hành, vươn lên làm kinh tế thì bản thân mình phải làm gương, người thật, việc thật. Hằng ngày, tôi đi làm cách nhà 20km, tranh thủ thời gian, tôi làm thêm homestay và nuôi cá để phát triển thế mạnh du lịch của địa phương".

Thời gian đầu khá khó khăn, homestay chưa được nhiều khách du lịch biết đến mà vốn A Dê vay ngân hàng và đầu tư không hề nhỏ. Nhưng A Dê không bỏ cuộc mà vẫn cố gắng phục vụ lượng du khách ít ỏi một cách tốt nhất, thân thiện nhất. Sau 5 năm đi vào hoạt động, homestay De Chu đã trở thành điểm đến ưa thích của khách du lịch, đặc biệt là các đoàn từ thiện, du khách leo núi Ngũ Chỉ Sơn. A Dê tiếp tục phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh, cá hồi để phục vụ du khách ăn nghỉ dài ngày tại homestay.

Mô hình của Thào A Dê đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Mô hình homestay De Chu còn được nhận giải khuyến khích Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Lào Cai lần thứ II-năm 2020 do Tỉnh đoàn Lào Cai tổ chức.

Từ thành công của mô hình, A Dê đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trong xã xây dựng homestay thoát nghèo. Đến nay đã có hơn 10 homestay tiện nghi mọc lên ở Ngũ Chỉ Sơn, biến nơi đây thành điểm du lịch lý tưởng của thị xã Sa Pa. Anh Sùng A Già (27 tuổi), ở xã Ngũ Chỉ Sơn, trước kia hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định, sau hai năm đi theo A Dê làm homestay hiện đã có của ăn của để, xây dựng được homestay riêng, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá.

Chia sẻ với phóng viên, chị Sùng Thị Me, Bí thư Thị đoàn Sa Pa, cho biết: "Thào A Dê vốn có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng anh đã vươn lên, học tập và làm kinh tế giỏi. Không những vậy, A Dê còn giúp đỡ một số thanh niên lập thân lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương bằng mô hình homestay. Với vai trò là Bí thư Đoàn phường Ô Quý Hồ, Thào A Dê luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sống hết mình vì cộng đồng, năng nổ làm thiện nguyện, lan tỏa hơi ấm yêu thương trên vùng núi cao lạnh giá".

Nhờ giỏi làm kinh tế, tích cực trong các hoạt động Đoàn và say mê thiện nguyện, Thào A Dê đã giành Giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" năm 2021 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai trong Phong trào "Thanh niên làm chủ đất nước" năm 2022; 3 lần nhận Giải thưởng "Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng" năm 2019, 2020 và 2022 của Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam.

* Bài có sự biên tập ở title

Nguyễn Văn Công (Quân Đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem