Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Học sinh nghỉ học vì thiếu lớp, thiếu cầu
Năm học 2022 - 2023, điểm trường Khu Cơn (Trường Mầm non Yên Thắng thuộc xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) có 33 học sinh với một lớp ghép và một lớp nhà trẻ. Tuy nhiên, vì cơ sở vật chất thiếu thốn nên có khoảng 5 em trong độ tuổi nhà trẻ chưa đến trường. Không những vậy, cô trò phải học nhờ tại phòng học của cấp tiểu học. Vì xây dựng từ lâu nên lớp học nhờ tường bị bong tróc vôi vữa, góc nhà ẩm ướt, kẽ chân tường hở ra...
Nhắc đến những kỷ niệm khi nhận công tác tại điểm trường cô Phạm Thị Bé - giáo viên Trường Mầm non Yên Thắng cắm bản tại điểm trường Khu Cơn xúc động chia sẻ: "Ngày bình thường, lớp học có cô giáo dọn dẹp còn đỡ nhưng nếu mưa vào ngày cuối tuần, những tổ mối to ngồn ngộn mọc lên ở góc lớp. Chị em còn đang trêu đùa nhau là có "lộc trời".
"Những nụ cười, niềm vui, hạnh phúc luôn hiện lên trên gương mặt các cháu học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường cũng như các bậc phụ huynh. Cô trò nhà trường rất biết ơn Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cùng các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ".
Cô giáo Lê Thị Phượng
Ở vùng cao Tây Bắc, các em học sinh của thôn Bản Mạn, xã Bằng Thành (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) cũng phải chịu cảnh tương tự. Đời sống kinh tế khó khăn nên cô trò điểm trường Bản Mạn thuộc Trường Mầm non Bằng Thành phải đi học nhờ lớp của cấp tiểu học. Điểm trường không nhà vệ sinh, không sân chơi... việc dạy và học của cô trò chỉ quanh trong khu lớp học. Ước mơ của cô trò và người dân nơi đây là có một điểm trường mới khang trang, tránh mưa tránh nắng, đủ đầy để những mầm non tương lai của bản yên tâm học tập".
Ở một nơi khác, con đường đến trường của học sinh Trường Tiểu học Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) gian nan không kém vì thiếu một cây cầu. Học sinh từ các thôn bản Nà Luông, Tổng Chào, Nà Kiềng, Phiêng Phát, Cốc Lùng, Lũng Kim để tìm đến được với con chữ phải vượt qua con suối Tổng Ngoảng. Nhằm giúp con em trong thôn bản được đến trường không phải lội suối, người dân nơi đây đã cùng nhau làm nên một cây cầu tạm bằng tre nứa, luồng và những rọ đá. Thế nhưng, khi mùa mưa lũ về, nước dâng cao, cây cầu tạm cũng trôi trôi mất. Để đảm bảo an toàn cho con em, bậc phụ huynh đã buộc phải... cho con nghỉ học chờ ngày nước rút.
Nhịp sống mới ở bản nghèo
Nỗi niềm đó đã thúc đẩy Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và các nhà tài trợ tổ chức các chương trình thiện nguyện xây dựng điểm trường, cầu dân sinh để giúp cô trò và người dân nơi bản nghèo. Sau thời gian xây dựng, tháng 9/2022, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và các nhà tài trợ tổ chức lễ khánh thành và bàn giao điểm trường Bản Mạn.
Tiếp đó, tháng 10/2022, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và các nhà tài trợ khánh thành và bàn giao điểm trường Khu Cơn với 2 phòng học có tổng diện tích 133m2 cho cô trò Trường Mầm non Yên Thắng. Điểm trường mới không chỉ mang đến hạnh phúc cho cô trò mà còn mang lại niềm vui cho người dân bản Khu Cơn.
Cô giáo Lê Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thắng xúc động: "Vì không có lớp học nên học sinh phải học lớp ghép 3 độ tuổi, riêng độ tuổi nhà trẻ các cháu chưa thể ra lớp do không có lớp học. Các cháu học 2 buổi/ngày, buổi trưa gia đình phải đón con về... Từ ngày có trường học mới các cháu được ăn, ngủ tại trường, giáo viên yên tâm công tác, phụ huynh yên tâm khi gửi con đến trường. Cô trò nhà trường rất biết ơn Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cùng các nhà hảo tâm".
Vào những ngày cuối năm 2022, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và nhà tài trợ khánh thành, bàn giao cây cầu Nà Khóe kiên cố cho chính quyền và người dân xã Quảng Lâm. Giờ đây, người dân, học sinh và thầy cô giáo nơi đây không còn lo ngại khi lũ về. "Từ khi có cây cầu mới các em học sinh yên tâm đến trường không lo khi nước lũ về, thầy cô đi dạy tại các điểm trường Nà Luông, Tổng Chào, Nà Kiềng, Phiêng Phát, Cốc Lùng, Lũng Kim cũng rất thuận lợi, quãng đường được rút ngắn. Nhân dân các xóm đi qua cây cầu cũng thuận tiện hơn trong việc giao thương hàng hóa. Không chỉ mang đến lợi ích rất lớn mà còn là sự sẻ chia với những khó khăn của người dân vùng cao để xuân về ấm áp và gắn kết tình yêu thương" – cô Lương Thị Nụ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lâm chia sẻ.
Mùa xuân về giúp có cây cối đâm chồi nảy lộc và cuộc sống người dân, học sinh nghèo của các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa,... đang dần đổi thay từ những ngôi trường, cây cầu mới.