Làng Cổ Chất rực vàng sắc tơ

Hoài Nam Thứ sáu, ngày 06/11/2015 08:25 AM (GMT+7)
“Nam Định có bến đò Chè/Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”. Lần theo câu ca dao cổ mà tìm về làng tơ Cổ Chất (Trực Ninh, Nam Định). Ở làng Cổ Chất, cảnh sắc dường như hàng trăm năm nay vẫn thế, những người dân hiền hậu vẫn cặm cụi bên nong tằm, nong kén.
Bình luận 0

Làng cổ nghề xưa

Làng Cổ Chất đến nay vẫn giữ được phong cảnh xưa cũ từ cách đây hàng trăm năm với cây đa cổ thụ, mái đình cổ đã bạc màu thời gian. Đường đi lối lại trong làng nhỏ quanh co uốn lượn bên những con lạch nước hiền hòa, thấp thoáng những vườn dâu xanh um vào mùa trổ lá.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Khoảng đầu thế kỷ XX, giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương...

img

Những bó tơ vàng óng trong lò ươm tơ quanh làng. (Ảnh: Việt Phong)

Những năm gần đây, người dân Cổ Chất đã quen với các đoàn khách du lịch nước ngoài. Họ tự hào giới thiệu với du khách nghề ươm tơ của làng mình, bên cạnh những lò ươm tơ truyền thống với những chiếc chảo lớn bốc hơi nghi ngút, những người phụ nữ già có, trẻ có ngồi đảo kén để quay tơ thành suốt lớn.

Ông Louis Federnad - một du khách người Pháp trầm trồ: “Tôi thấy giống như họ đang làm ảo thuật vậy, thật tuyệt diệu khi được chứng kiến các công đoạn thô sơ nhất để làm tơ lụa - một sản phẩm mà người châu Âu nào cũng thích”.

Báu vật của trời

Ông Phạm Xuân Hướng- Trưởng thôn Cổ Chất cho biết: “Nói đến làng Cổ Chất, ai cũng biết đó là một làng nổi tiếng nhất Nam Định về nghề ươm tơ. Lượng tơ trong làng mỗi năm xuất đi ngày càng lớn, không chỉ bán trong nước mà còn xuất sang cả Lào, Thái Lan nên chúng tôi phải đi mua kén ở nơi khác về sản xuất”.

Cụ bà Nguyễn Thị Lan năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn cặm cụi se tơ bằng khung gỗ truyền thống.

Bà kể: “Sợi tơ làm xong chia thành 3 loại, sợi tốt nhất gọi là sợi mốt, rồi đến sợi mành và cuối cùng là sợi đũi để dệt các loại vải sồi, thô. Muốn có tơ đẹp  phải gỡ kỹ rồi mới se, vừa se vừa phải chuốt sợi. Nhiều nhà trong làng đã mua cả máy se về làm công nghiệp, còn tôi, tôi chỉ thích se tay thế này, nhẩn nha nhưng được cầm sợi tơ trong tay giống như được nâng niu báu vật của trời vậy”.

Mỗi khi trĩu nặng tâm tư, hoặc bị cảnh ồn ào phố thị lấn át tâm hồn, hãy tìm về làng Cổ Chất, thăm thú cảnh làng đồng bằng Bắc Bộ, được trò chuyện với nghệ nhân và uống chén nước chè xanh, ăn một miếng kẹo sìu châu, bạn sẽ cảm nhận một sự thư thái dễ chịu, để rồi không thể quên những cảm nhận ở một làng quê đặc trưng miền Bắc. 

Về Nam Định bạn có thể tham quan quần thể di tích văn hoá Đền Trần, Phủ Dày, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh... Ngoài ra còn có các làng nghề chạm, khảm gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, mây tre đan Vĩnh Hào, cây cảnh Vị Khê... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem