Đứng đầu cả nước về số Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, rạng danh đất học là tỉnh nào của Việt Nam?

Thứ sáu, ngày 28/07/2023 05:16 AM (GMT+7)
Người Bắc Ninh chiếm lĩnh bảng vàng, đạt đầy đủ các học vị: Trạng nguyên 15 vị; Bảng nhãn 9 vị; Thám hoa 19 vị; 76 vị đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; 241 vị đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân; 8 vị đỗ phó bảng. Khoa thi Mậu Thìn (1508), đỗ ba học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đều là người Bắc Ninh...
Bình luận 0

Giới nghiên cứu phân tích, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nhân tài Bắc Ninh có vai trò đặc biệt quan trọng của các gia đình, dòng họ, truyền thống quê hương làng xã với những biểu hiện cụ thể, sinh động. 

Đó là các chính sách khuyến khích, động viên tích cực, hiệu quả như thưởng tiền, thưởng ruộng, lập quỹ khuyến học, tôn vinh đề cao vị trí trong làng xã, khắc bia ghi nhớ, dựng văn chỉ, đình, đền để tôn thờ các vị khoa bảng có tài năng và công trạng với quê hương, đất nước.

Đứng đầu cả nước về số Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, rạng danh đất học là tỉnh nào của Việt Nam? - Ảnh 1.

Học sinh tìm hiểu truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Ninh.

Người Bắc Ninh chiếm lĩnh bảng vàng, đạt được đầy đủ các học vị như: Trạng nguyên 15 vị; Bảng nhãn 9 vị; Thám hoa 19 vị; 76 vị đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; 241 vị đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân; 8 vị đỗ phó bảng. 

Đáng chú ý, khoa thi Mậu Thìn đời vua Lê Uy Mục (1508) cả ba học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đều thuộc về người Bắc Ninh.

Các vị đại khoa Bắc Ninh có xuất thân rất đa dạng, từ giám sinh, nho sinh, tri phủ, tri huyện đến thường dân và có độ tuổi chênh lệch tương đối lớn, có người đỗ đạt khi tuổi còn rất trẻ như Nguyễn Nhân Thiếp ở Kim Đôi đỗ đại khoa khi mới 15 tuổi, lại có những người ngoài 60 tuổi vẫn nuôi nghiệp bút nghiên, tiêu biểu như cụ Quách Đồng Dần đỗ Tiến sỹ lúc 68 tuổi.

Đáng chú ý, có những vị trước khi bước vào nghiệp lều chõng đi thi chỉ là anh chàng chăn voi như Thái Thuận ở Song Liễu, Thuận Thành đã “khổ học” trui rèn và đỗ Tiến sỹ khoa Ất Mùi (1475), sau đó làm quan đến chức Tham chính xứ Hải Dương, còn là một thành viên trong nhóm Tao đàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông thành lập.

Kẻ sĩ đất Bắc Ninh sau khi đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan và thăng chức dần lên tương xứng với tài đức của họ. Khi nghỉ hưu, hầu hết các vị Tiến sỹ đều mở trường dạy học, đóng góp vào sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, giáo dục quê hương, đất nước. Không thể không nhắc đến những người thầy tài đức như Lê Văn Thịnh, Đàm Thận Huy, Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Đăng Cảo...

Đứng đầu cả nước về số Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, rạng danh đất học là tỉnh nào của Việt Nam? - Ảnh 2.

Hình ảnh bia trùng tu của Văn Miếu Bắc Ninh, thể hiện truyền thống khoa bảng của đất Bắc Ninh-Kinh Bắc được giới thiệu,  quảng bá trong nhiều chương trình nghệ thuật.

Theo khảo cứu và đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải: Truyền thống quê hương và gia đình, dòng tộc là hai yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự thành đạt của mỗi cá nhân. 

Đặc biệt, sự thành đạt của những người có hoàn cảnh khó khăn, xuất thân bình dân hay những người có tuổi đời khá cao vẫn quyết tâm học và thi đỗ. Điều đó không chỉ khẳng định ý thức tự trui rèn của từng cá nhân mà còn cho thấy nền nếp học phong, khoa cử có tác dụng khích lệ, động viên kẻ sĩ rất lớn.

Trong cuốn “Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh”, tác giả Lê Viết Nga chủ biên xuất bản năm 2015 đã khảo cứu và xác định danh sách các vị đỗ đại khoa phân chia theo đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố của Bắc Ninh ngày nay. Cụ thể:

Đứng đầu truyền thống khoa cử của đất Bắc Ninh ngàn năm văn hiến là Thành phố Từ Sơn với 97 vị đại khoa, trong đó có 4 vị Trạng nguyên, tiêu biểu là Trạng nguyên khai khoa Nguyễn Quán Quang. 

Những làng khoa bảng nổi tiếng ở Từ Sơn như: Tam Sơn có 17 vị đại khoa, có đủ tam khôi; làng khoa bảng Hương Mạc có 11 vị đại khoa. Dòng họ khoa cử nổi tiếng là họ Nguyễn làng Vĩnh Kiều có 10 vị đại khoa; họ Đàm Thận ở Hương Mạc có 5 vị; họ Quách ở Phù Khê có 8 vị; họ Ngô làng Tam Sơn có 6 vị...

Huyện Gia Bình có 33 vị đỗ đại khoa. Các xã có số lượng Tiến sĩ nhiều nhất là Đại Bái có 10 vị, xã Nhân Thắng có 7 vị, sau đến xã Đại Lai, Xuân Lai, Đông Cứu... Tiêu biểu có Lê Văn Thịnh là người đỗ đầu trong khoa thi tuyển dụng nhân tài - khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên năm 1075.

Theo địa giới hành chính ngày nay, Lương Tài có 52 vị đại khoa. Xã có nhiều đại khoa là Phú Lương 10 vị, Trung Chính 9 vị, Trừng Xá 6 vị. Nổi tiếng có Nguyễn Thuyên giỏi thơ quốc âm với các tác phẩm Văn tế cá sấu, Phi sa tập... 

Truyền rằng, Nguyễn Thuyên từng được vua Trần Nhân Tông sai làm thơ ném xuống sông đuổi cá sấu. Việc đó thành công, vua thấy giống Hàn Dũ (đời Đường) nên cho đổi sang họ Hàn.

Tự hào là nơi có truyền thống khoa bảng vẻ vang, là nơi có trường dạy học đầu tiên của nước ta, thời phong kiến, huyện Thuận Thành có 51 vị đại khoa, tập trung chủ yếu ở các xã: Trí Quả 9 vị, thị trấn Hồ 7 vị, Đại Đồng Thành 7 vị, An Bình 6 vị, Hoài Thượng 4 vị, Thanh Khương 3 vị...

Huyện Yên Phong có 39 vị đại khoa, trong đó có 2 vị đỗ Bảng nhãn, 2 Thám hoa, 34 Tiến sĩ, 1 Phó bảng và nhiều cử nhân. 

Làng Vọng Nguyệt xã Tam Giang có số người đỗ đại khoa nhiều nhất với 8 vị, riêng họ Ngô chiếm 5 vị. Thôn Chân Lạc xã Dũng Liệt cũng có 4 vị, ở đây có hai cha con Ngô Phúc Tinh, Ngô Khánh Nùng đều đỗ Tiến sỹ. Thôn Đông Xuyên xã Đông Tiến có 2 vị đỗ Tiến sỹ là 2 cha con Nguyễn Thừa Hưu và Nguyễn An...

Huyện Tiên Du có 40 vị đại khoa và nhiều cử nhân tú tài. Các vị đại khoa ở Tiên Du chủ yếu đỗ đạt ở thời Lê. 

Xã có nhiều người đỗ là Nội Duệ với 14 vị. Làng khoa bảng tiêu biểu là Hoài Thượng xã Liên Bão có 8 vị trong đó 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa và 6 Tiến sĩ. Gia tộc nổi tiếng Nguyễn Đăng có 4 vị là cha con, anh em, bác cháu đều đăng khoa. Đặc biệt, Nguyễn Đăng Đạo là một trong hai người tài của nước ta được phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Trong hơn 400 năm từ khoa thi 1442 đến khoa thi 1862, huyện Quế Võ có 29 vị đại khoa. Xã Đào Viên có số người đỗ đạt nhiều nhất với 6 vị, họ Mai thôn Cổng chiếm 4 vị. Huyện Quế Võ xưa có 2 văn chỉ hàng huyện là văn chỉ huyện Quế Dương và văn chỉ huyện Võ Giàng, có 1 văn chỉ hàng tổng là Đại Toán...

Thành phố Bắc Ninh có 44 vị đại khoa. Nổi tiếng là gia tộc họ Nguyễn làng Kim Đôi với 18 vị Tiến sĩ, trong một gia đình có 5 anh em ruột cùng đỗ đại khoa và làm quan đồng triều; họ Phạm làng Kim Đôi có 6 vị Tiến sĩ...

Tiếng thơm của miền đất Bắc Ninh khoa bảng với những tên tuổi của các bậc tiên hiền tiên triết sẽ còn lưu danh muôn đời và truyền đi thông điệp từ nhân tâm của những bậc túc nho uyên thâm, tài đức và tận hiến với những đóng góp to lớn vào công cuộc dựng xây và phát triển quê hương, đất nước.

V.Thanh (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem