Hoàng hậu Trần Thị Dung có 3 hoàng tử, sao vua Trần Thái Tông chọn hoàng tử thứ 2 để truyền ngôi?

Thứ hai, ngày 04/12/2023 11:44 AM (GMT+7)
Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, hoàng tử - con của Trần Liễu do công chúa Thuận Thiên sinh ra khi đã là hoàng hậu của vua Trần Thái Tông được đặt tên là Trần Quốc Khang, tước phong là Tĩnh Quốc vương. Sau Trần Quốc Khang, hoàng hậu Thuận Thiên còn sinh cho vua 2 vị hoàng tử là Trần Hoảng và Trần Quang Khải.
Bình luận 0

 Hầu hết các gia đình vua chúa đều ít nhiều ẩn giấu một vài bi kịch nào đó nhưng ngang trái như chuyện anh em ông vua đầu thời Trần thì cổ kim từ Đông sang Tây không có nhiều. 

Ngày ấy, để giữ vững cơ đồ dòng họ, Thái sư Trần Thủ Độ đã ép Thái Tông phế truất hoàng hậu Chiêu Thánh, giáng làm công chúa và đón phu nhân của Phụng Kiền vương Trần Liễu, anh ruột nhà vua, vốn đang mang thai, về làm hoàng hậu. 

Vợ Trần Liễu chính là công chúa Thuận Thiên, chị ruột Chiêu Thánh, con gái Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung.

Công chúa Thuận Thiên vốn được gả cho Trần Liễu từ hồi vua Lý Huệ Tông còn tại vị, do hoàng hậu Trần Thị Dung, mẹ vợ và cũng là cô ruột của Trần Liễu muốn củng cố thêm vây cánh họ Trần. Nhờ thế, Trần Liễu được vua Lý phong là phò mã đô úy, tước Phụng Kiền vương, ban cho đất A Sào (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) làm đất ăn lộc. 

Trước khi bị ép lấy em chồng làm... chồng, công chúa Thuận Thiên đã sinh cho Trần Liễu 1 con trai là Trần Doãn, sau được phong tước Vũ Thành vương. 

Vậy người con trong bụng Thuận Thiên khi về nhà chồng mới, bị Trần Thái Tông chiếm làm con ấy là ai? Người con đó với danh phận hoàng tử cả liệu có được nối ngôi, có được vua Trần yêu quý hay không?

Hoàng hậu Trần Thị Dung có 3 hoàng tử, sao vua Trần Thái Tông chọn hoàng tử thứ 2 để truyền ngôi? - Ảnh 1.

Minh họa: S.H

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, hoàng tử - con của Trần Liễu do bà Thuận Thiên sinh ra khi đã là hoàng hậu của vua Thái Tông được đặt tên là Trần Quốc Khang, tước phong là Tĩnh Quốc vương. Sau Trần Quốc Khang, hoàng hậu Thuận Thiên còn sinh cho vua 2 vị hoàng tử là Trần Hoảng và Trần Quang Khải. 

Sau này, Thái Tông truyền ngôi cho Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông). Trần Quốc Khang mang danh hoàng tử cả nhưng không được truyền ngôi báu, vì ông không phải con ruột của vua Trần Thái Tông. 

Nhưng có một sự thật mà sử sách cũng ghi nhận, đó là: So về tài trí, Trần Quốc Khang kém xa 2 hoàng tử em, cũng không bằng nhiều vị vương gia, vương tử khác trong gia tộc nhà Trần. Tuy nhiên, Trần Quốc Khang dường như không bao giờ bất mãn về chuyện đó.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép lại việc này như sau: Năm 1268, Trần Quốc Khang 30 tuổi và Trần Thái Tông đã là thái thượng hoàng. Một ngày mùa đông, vua Thánh Tông cùng anh trai là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang vui đùa trước mặt thượng hoàng. 

Quốc Khang múa một điệu của người Hồ, thượng hoàng khen và cởi chiếc áo bông trắng đang mặc ban cho. Vua Thánh Tông khi ấy cũng muốn cái áo bông, bèn múa lại điệu ấy rồi xin áo. Quốc Khang cười nói: Quý nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi, nay đức chí tôn ban cho tôi vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp là sao?

Thượng hoàng cười, bảo con trai cả: Thế ra con coi ngôi vua với cái áo này cũng chẳng hơn kém gì nhau ư? Rồi ngài khen ngợi Quốc Khang và ban cho cái áo.

Câu chuyện cho thấy, Thái Tông quả thực đã coi Quốc Khang như con đẻ, vua Thánh Tông cũng coi Quốc Khang như anh ruột. Nếu như cha con không tin cậy, anh em không thật lòng hòa thuận, yêu thương nhau, Quốc Khang sẽ không bao giờ dám nói với đương kim hoàng đế một câu như vậy. 

Vua Thánh Tông lúc đầu “đành hanh” cũng tranh áo với anh, nhưng khi bị “nhắc nhở” thì vui vẻ ngay, đó là kiểu vui đùa không bợn chút nghi kỵ, tưởng như chỉ có giữa anh em con nhà thường dân chứ không phải trong gia đình hoàng đế.

Thái Tông yêu Quốc Khang một phần cũng vì đó là cháu ruột ông. Nghịch cảnh, sự bất hòa giữa hai anh em nhà vua là do sự trái ngang của số phận và trò chơi quyền lực, còn bản thân họ vẫn yêu thương nhau thắm thiết. 

Mặt khác, Thái Tông chắc cũng cảm thấy có lỗi với người anh thiệt thòi, nên sau đó đã ban thêm đất Yên Sinh, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang (nay là huyện Đông Triều, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Yên Phụ (nay thuộc huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương) cho Phụng Kiền vương làm thái ấp. 

Cũng từ đó, Trần Liễu được gọi là An Sinh Vương. Và Trần Quốc Khang lúc trưởng thành được phong làm Vọng Giang Phiêu kỵ đô thượng tướng quân, trông coi Diễn Châu. Ông lấy một phụ nữ xinh đẹp người địa phương làm thiếp, sinh ra 2 người con sau này cũng làm quan cai trị vùng đất này.

Lời bàn:

Sử cũ từ Đông sang Tây chép về chuyện ngày xưa các vị hoàng tử của không ít triều đại lo chém giết nhau để tranh đoạt ngôi vua thì nhiều, còn nhường nhau như anh em Quốc Khang trong giai thoại này thì quả là quá hiếm. 

Hơn nữa, với Trần Liễu thì vì mất vợ mà sinh ra thù oán vua Trần Thái Tông nhưng đời con là Trần Quốc Khang, tuy mang danh con trưởng mà không được truyền ngôi nhưng cũng chẳng hề đem lòng thù hận, ngược lại anh em vẫn rất hòa thuận với nhau.

Từ thực tế khách quan lịch sử cho thấy, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất trí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ, từ trai đến gái. 

Và đây chính là cội nguồn sức mạnh làm nên kỳ tích của nhà Trần - 3 lần chiến thắng đế quốc Nguyên - Mông. Nếu tất cả các bậc quyền cao chức trọng của mọi thời đều biết lấy việc hòa thuận làm trọng thì hay biết mấy. 

Bởi lẽ, nếu không tề gia được thì làm sao có thể trị quốc? Tiếc rằng lời người xưa là vậy, nhưng thời nay không phải ai cũng làm theo được. Vậy nên mới có chuyện con kiện cha, vợ kiện chồng chỉ vì cho thừa kế và phân chia tài sản không công bằng.

ND (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem