Gia Lai: Làng Hreng làm nông thôn mới kiểu gì mà bây giờ ai đến cũng tấm tắc khen là sạch hẳn lên?

Trần Hiền Thứ bảy, ngày 21/11/2020 14:00 PM (GMT+7)
Nguồn lực thông qua Hội Nông dân (ND) tỉnh Gia Lai đã giúp các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh có ý thức hơn trong việc xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, thu gom, tái chế sử dụng các loại rác.
Bình luận 0

Đường làng, ngõ xóm đã vắng bóng rác thải thay vào đó là những con đường hoa rực rỡ, dần hoàn thành các tiêu chí của làng nông thôn mới.

Bảo vệ môi trường từ 2 mô hình thiết thực

Cụ thể, vào tháng 8/2020, Hội ND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Hội ND huyện Chư Păh bàn giao mô hình "Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh" và "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt" cho người dân làng Hreng, xã Hòa Phú.

Làng Hreng làm nông thôn mới... - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Gia Lai thăm quan mô hình xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh của người dân làng Hreng. Ảnh: Trần Hiền

"Từ khi được nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, người dân trong làng rất phấn khởi và tích cực tham gia các phong trào. Cụ thể là dọn dẹp rác thải trên các đường làng, ngõ xóm; trồng cây xanh và hoa; xây dựng nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh...".

Ông Rơ Châm Jeo (làng Hreng)

Theo đó, 2 mô hình trên được triển khai từ tháng 3/2020 với sự tham gia của 57 hộ dân làng Hreng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 91 triệu đồng do Hội ND tỉnh Gia Lai cấp. Cụ thể, mô hình "Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh" có 27 hộ tham gia; các hộ được hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng bò khoảng 3 triệu đồng/chuồng, mỗi chuồng 12m2. Ngoài ra, người dân làng Hreng được tập huấn cách chăm sóc bò, vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Mô hình thứ 2 cũng thiết thực không kém, "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt". Mô hình có 30 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1 thùng đựng rác 2 ngăn và được hướng dẫn cách phân loại rác thải. Các hộ tham gia mô hình ngoài việc được Hội ND tỉnh tổ chức tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình đã thành lập 1 tổ thu gom rác thải; hàng tuần gom rác thải không tái chế đưa đến bãi tập kết tại thôn 2, xã Hòa Phú và tự xử lý rác thải tái chế để làm phân bón hữu cơ. Việc triển khai 2 mô hình trên đã góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Rơ Châm Boy (làng Hreng) phấn khởi nói: "Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi trâu bò ngay dưới sàn nhà nên khi nào cũng bốc mùi hôi thối. Một thời gian sau, chúng tôi cũng có di dời chuồng bò ra ngoài theo tuyên truyền của chính quyền để đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Tuy nhiên, vì đồng vốn còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không xây dựng được chuồng trại kiên cố, cũng vì thế bò xuất hiện nhiều bệnh khi phơi nắng phơi mưa quá nhiều. Tuy nhiên, cũng nhờ chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ xây chuồng bò giúp chúng tôi có thể vừa tạo thêm nguồn thu nhập hiệu quả từ chăn nuôi bò, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Ngoài ra, chính quyền còn tặng gia đình tôi thêm một thùng đựng rác 2 ngăn. Nhờ vậy mà các con cháu trong gia đình rất có ý thức trong việc thu gom rác thải, bảo vệ môi trường…".

Làng nông thôn mới của xã

Chỉ sau hơn 2 tháng triển khai mô hình "Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh" và "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt", người dân làng Hreng đã có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường.

Đánh giá về hiệu quả từ 2 mô hình trên, bà Nguyễn Thị Hồng – Chủ tịch Hội ND xã Hòa Phú nhận xét: "Chỉ sau 2 tháng triển khai, toàn bộ hội viên dân làng rất phấn khởi, giảm đáng kể việc người dân chăn nuôi thả rông mất vệ sinh. Thêm vào đó, người dân đã biết cách đào hố ủ phân để tái sử dụng, bón cho các loại cây chủ lực như cà phê. Không giống như ngày trước người dân chăn nuôi dưới sàn nhà gây mất vệ sinh, xuất hiện nhiều bệnh…

Bên cạnh mô hình xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh còn có mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải cũng khá hiệu quả. Cụ thể, người dân đã biết cách thu gom rác thải bảo vệ môi trường, phân loại rác có thể tái chế sử dụng…".

Qua quá trình tuyên truyền, vận động những năm qua, dân làng Hreng luôn tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM thông qua việc góp ngày công và hiến đất làm đường. Đặc biệt, từ khi được chọn xây dựng làng NTM theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, hầu hết người dân trong làng thường xuyên thu gom rác thải sinh hoạt, trồng cây, hoa dọc các tuyến đường làng. 

Bên cạnh đó, bà con còn xây dựng nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chỉnh trang hàng rào thẳng tắp… từng bước hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận làng NTM trong năm nay. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem