Lắng nghe nông dân nói: Nhiều nông dân, hợp tác xã muốn chia sẻ chân tình với Chủ tịch Hội NDVN, Bộ trưởng NNPTNT
Lắng nghe nông dân nói: Nhiều nông dân, hợp tác xã muốn chia sẻ chân tình với Chủ tịch Hội NDVN, Bộ trưởng NNPTNT
P.V
Thứ tư, ngày 09/10/2024 08:39 AM (GMT+7)
Vào ngày 14/10 tới đây, tại Hà Nội, lần đầu tiên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và sẽ đồng chủ trì Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" với sự tham dự của 126 nông dân Việt Nam xuất sắc, Hợp tác xã tiêu biểu cả nước.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lắng nghe nông dân nói là dịp để những người nông dân xuất sắc, Giám đốc Hợp tác xã tiêu biểu chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Qua đó tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn xanh, bền vững.
Đây cũng là dịp để Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe người nông dân, đồng thời đối thoại, trả lời về những vấn đề mà người nông dân quan tâm.
Trước thềm diễn ra Diễn đàn, Báo điện tử Dân Việt đã nhận được nhiều tâm tư, tình cảm của nông dân gửi đến Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Bùi Xuân Hồng, Trưởng thôn Gò Sạn, Chi hội phó chi hội nông dân Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận:
Hội Nông dân cần đổi mới hơn nữa cả về nội dung, phương thức
Ông Bùi Xuân Hồng cũng là người được vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".
Ông Hồng cho biết, với vai trò là chi hội phó Chi Hội Nông dân và cũng là Trưởng thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), ông luôn xác định nhiệm vụ của mình là phải nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông cũng là người nắm chắc tình hình tổ chức hoạt động của Chi hội, tình hình sản xuất và đời sống của hội viên nông dân trên cơ sở đó đã đề ra những kế hoạch công tác của Hội, đưa ra BCH Hội cấp xã để thảo luận và quyết định.
Ông Hồng chia sẻ: "Là người làm công tác ở thôn lâu nay, tôi thấy những năm gần đây hoạt động của Hội Nông dân có nhiều thay đổi, các hoạt động, việc làm của Hội gắn với lợi ích của nông dân, với phong trào của địa phương do cấp ủy lãnh đạo, chính quyền phát động.
Tuy nhiên, như kỳ vọng của tôi và đông đảo cán bộ thôn, bản, hoạt động của Hội cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa cả về nội dung, phương thức. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Hội được bà con đánh giá rất tốt.
Tôi đề nghị, Hội Nông dân cần tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư cho phong trào này, thậm chí Hội có thể đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển mạnh, thực chất hơn nữa phong trào thi đua thiết thực này".
Hội Nông dân huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang: Tăng cường nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: Thực hiện Đề án "Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2020-2024", Hội ND huyện Hiệp Hòa đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kết luận về việc đồng ý để Ban Thường vụ Hội ND huyện tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án "Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2020-2024".
Thông qua các hình thức tuyên truyền, nhân rộng cách làm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. 5 năm qua nguồn Quỹ HTND của các cấp trên địa bàn huyện chuyển biến rõ rệt.
Đến nay tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện Hiệp Hoà đã tăng lên hơn 10,2 tỷ đồng, trong đó nguồn huyện gần 6,9 tỷ đồng, nguồn ủy thác là 3,4 tỷ đồng, đạt 147% mục tiêu đề án.
Từ năm 2019 đến nay, Ban Điều hành Quỹ HTND huyện hướng dẫn, hỗ trợ gần 950 lượt hộ gia đình hội viên vay vốn để thực hiện hơn 100 dự án hiệu quả.
Lãnh đạo Hội ND huyện Hiệp Hòa cho rằng, vốn vay từ Quỹ HTND không nhiều nhưng rất ý nghĩa, nhất là với các hội viên khó khăn có thể xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Thông qua vốn vay Quỹ HTND, trong 4 năm qua, Hội Nông dân huyện Hiệp Hoà đã hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng được 92 mô hình kinh tế tập thể. Trong đó có 12 HTX nông nghiệp; 18 tổ hợp tác; 7 chi hội và 55 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với hơn 1.000 thành viên tham gia.
Điển hình như mô hình chăn nuôi gà của Chi hội nông dân nghề nghiệp xã Hoàng An có quy mô: 12.000 con, hiệu quả kinh tế: 405 triệu đồng/lứa). Hay như mô hình chăn nuôi lợn và chế biến của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng có quy mô 10ha, hiệu quả kinh tế: 42 tỷ/năm). Mô hình nuôi cá của HTX nuôi trồng thủy sản Thái Sơn có quy mô 10ha, sản lượng 5-6tấn/ha, hiệu quả kinh tế: 1,7tỷ/ha...
Đại diện cho cán bộ hội viên nông dân huyện Hiệp Hoà, bà Hiền bày tỏ mong muốn: "Từ hiệu quả các mô hình, chúng tôi mong muốn Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục quan tâm các nguồn vốn vay ưu đãi như uỷ thác vốn vay Quỹ HTND cho các cấp Hội Nông dân ở cơ sở xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả".
Chị Tạ Thị Năm, nông dân chăn nuôi bò sữa đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Đồi Mồi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội:
Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với chi hội trưởng nông dân
Nhiều năm gắn bó với công tác Hội trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, chị Tạ Thị Năm được mọi người khen ngợi là nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm với công việc.
Không chỉ vậy, chị Năm còn được nhiều người biết đến là tỷ phú nông dân nuôi bò sữa nhiều nhất xã Vân Hòa. Chị Năm là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa và hiện tại chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con bò sữa.
Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi, từ mô hình nuôi bò sữa hiệu quả của mình, chị Tạ Thị Năm đã lan toả khát vọng làm giàu đến hội viên nông dân trong chi hội.
"Hiện 90% hội viên trong chi hội nông dân thôn Mồ Đồi đều đầu tư mô hình nuôi bò sữa hiệu quả. Chi Hội nông dân thôn Mồ Đồi có 87 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 27 hộ cấp thành phố, 2 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương"- Chị Năm cho biết.
Gửi gắm tâm tư trước thềm Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói, chị Năm mong muốn các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam có tiếng nói, đề xuất, TP Hà Nội có chính sách tăng mức đãi ngộ đối với các chi hội trưởng. Chi hội là đơn vị hành động, cầu nối của Ban Chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân.
"Thực tế công việc ở chi hội rất nhiều. Ban ngày, bà con bận đi làm, lao động sản xuất nên chúng tôi tranh thủ. Địa bàn thôn Mồ Đồi rộng lớn nên công việc đi lại cũng vất vả. Thực sự nếu làm công tác Hội ở cơ sở mà không nhiệt tình thì không làm được. Tiền phụ cấp cho chi hội trưởng tôi không giữ cho riêng mình mà thường chi cho các hoạt động của chi hội như hỗ trợ mua sách, đồng phục, hỗ trợ mua nước mát cho các hội viên tham gia trồng cây, tưới cây, ra quân vệ sinh môi trường…
Có thể đối với bản thân tôi, mức tiền phụ cấp hàng tháng của chi hội trưởng không ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, nhưng tôi biết, đối với nhiều chi hội trưởng khác thì khoản tiền phụ cấp đó là một phần quan trọng của thu nhập cho công sức, trách nhiệm bỏ ra. Vì vậy, tôi rất mong chế độ đãi ngộ đối với các chi hội trưởng nông dân tăng lên"- chị Năm bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.