Nông dân phát biểu thoải mái
Phát biểu tại diễn đàn, lão nông Đỗ Thành Thưởng (75 tuổi, ngụ xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết, gia đình ông đã có 4 đời trồng dừa. Ông cho rằng, nhà vườn trồng dừa cũng như nhiều loại cây khác lâu nay cứ loay hoay với điệp khúc “chặt trồng, trồng chặt” bởi ít loại nông sản nào mang tính bền vững. Nếu được mùa thì rớt giá, cụ thể như trái dừa hiện nay giá rớt tận đáy mà suốt 3, 4 tháng vẫn không có thương lái thu mua.
|
Lão nông Đỗ Thành Thưởng phát biểu tại diễn đàn. |
Ông Thưởng đề xuất nhà nước và doanh nghiệp nên có hướng đầu tư sản xuất dầu dừa cho ngành chế biến xà phòng thơm cao cấp, dầu thực phẩm, mỹ phẩm với máy móc hiện đại chứ không bán dừa thô rồi xuất đi như hiện nay để “cứu” người trồng dừa một cách căn cơ, bền vững.
“Vua nuôi tôm” Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn, tỉnh Bạc Liêu) đề xuất nhà nước nên có chỉ đạo mở rộng thêm đối tượng được mua bảo hiểm nuôi tôm quảng canh cải tiến, bởi hiện nay chỉ có bảo hiểm nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. “Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ rủi ro cho tôm nuôi. Vì hiện nay đã có chính sách hỗ trợ cho lúa, gia súc, gia cầm và một số đối tượng khác nhưng tôm thì chưa có” – ông Ngoãn nói.
Phát biểu tại diễn đàn, nhiều nông dân cho rằng ngoài điệp khúc “trúng mùa mất giá” mà nông dân luôn gặp phải, thì tính bền vững của “liên kết 4 nhà” vẫn còn quá lỏng lẻo. Theo nông dân Lê Quang Trung (An Giang), trước đây ông trồng lúa, cuộc sống khá bấp bênh. Từ ngày tham gia “cánh đồng mẫu lớn” do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phát động, thu nhập từ nghề trồng lúa của ông tăng lên thấy rõ. Ông Trung đề xuất nên có nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn để nâng cao chuỗi giá trị cho người sản xuất lúa.
Lắng nghe nông dân
Khai mạc Diễn dàn hợp tác kinh tế ĐBSCL
Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2012 (diễn ra từ ngày 5 đến 9.12 tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) với các nội dung: hội thảo tham vấn kế hoạch châu thổ ĐBSCL lần 2, Diễn đàn nông dân ĐBSCL, Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL và chuỗi sự kiện gồm: Hội chợ Triển lãm rau quả và thương mại ĐBSCL; hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, hội thảo về cơ chế chính sách đối với các mặt hàng chủ lực của ĐBSCL… Riêng Hội chợ triển lãm có quy mô hơn 500 gian hàng trưng bày, quảng bá sản vật, trái cây, nông sản chế biến, cây giống, hàng hóa của các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, một số tỉnh Đông Nam Bộ và 14 gian hàng của nước ngoài.
Hữu Danh
Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Hồng Lý – Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho biết, về công tác hội và phong trào nông dân vùng ĐBSCL trong thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng.
Các cấp Hội đã tập trung tổ chức thực hiện 3 phong trào lớn của Hội, trong đó phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là phong trào trung tâm nhằm phát huy tinh thần tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng vẫn thiếu vững chắc, tiềm năng lợi thế của vùng vẫn chưa được đầu tư, khai thác đúng mức.
Hiện toàn vùng có 11% là hộ nghèo, 7% hộ cận nghèo, phần nhiều là nông dân, thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, không còn khả năng tái đầu tư sản xuất…
Thông qua diễn đàn lần này, T.Ư Hội NDVN muốn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. Ban thư ký của diễn đàn sẽ tổng hợp, đưa vào tuyên bố chung tại hội nghị Ban chỉ đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đưa các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân đi vào thực tiễn, nâng cao đời sống của nông dân.
Theo ông Dương Quốc Xuân – Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, qua diễn đàn này, đề nghị T.Ư Hội NDVN tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để nâng cao thu nhập cho nông dân; Bộ NNPTNT thực hiện tốt việc xây dựng NTM, rà soát các chính sách chưa thực tiễn đời sống để sửa cho phù hợp.
“Diễn đàn Nông dân là dịp để các nhà hoạch định cơ chế, chính sách và quản lý ở các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lắng nghe kiến nghị, tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với chính quyền và doanh nghiệp” – ông Xuân nói.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.