Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin

Nguyễn Hoà Thứ tư, ngày 22/05/2024 10:49 AM (GMT+7)
Giữa vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hoà), Đoàn công tác số 19 đã dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh cách đây hơn 36 năm về trước để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bình luận 0

"Các anh đã chiến đấu anh dũng, kiên cường với tinh thần chủ quyền Tổ quốc là bất khả xâm phạm"

Trường Sa, đầu giờ chiều ngày 14/5/2024, trời mưa nhẹ, mặt biển gợn sóng. Đoàn công tác số 19 đi thăm quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 đang có mặt trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.

Tàu Kiểm Ngư 491 chở đoàn công tác đã thả neo tại đây và chuẩn bị các nhiệm vụ trước lễ dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988.

Từ vị trí thả neo của tàu Kiểm Ngư 491, hướng tầm mắt về bên phải có thể thấy rõ sự hiện diện của đảo Cô Lin – nơi các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đang ngày đêm canh gác, giữ yên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 1.

Chiều 14/5/2024, 200 thành viên Đoàn công tác số 19 đã làm lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Hoà

Ở xa xa phía bên trái, đó là đảo Gạc Ma – nơi đánh dấu sự hiên ngang, kiêu hãnh của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam trong sự kiện cách đây hơn 36 năm.

200 thành viên của đoàn công tác tự lúc nào đã lần lượt có mặt ở khu vực sân đỗ máy bay trên tàu Kiểm Ngư 491.

Chẳng ai bảo ai, mọi người đều mặc áo cờ đỏ sao vàng. Hoà cùng với sắc đỏ đó là những bộ quân phục trang nghiêm của các đồng chí Hải quân, của các đồng chí Công an nhân dân Việt Nam.

Tất cả đều hướng về Trường Sa, hướng về anh linh các Anh hùng Liệt sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để chống lại sự tấn công trắng trợn và phi lý của các lực lượng tàu chiến, hải quân Trung Quốc vào ngày 14/3/1988.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 2.

Trời trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa có mưa nhẹ trước lễ tưởng niệm. Khi đại tá Đặng Văn Cảnh bước lên bục đọc diễn văn tưởng niệm, mưa nhỏ dần rồi tắt hẳn. Ảnh: Hải Đăng

Bầu trời trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma lúc này vẫn mưa nhẹ. Đúng 13 giờ 10 phút, khi đại tá Đặng Văn Cảnh - Trưởng đoàn chính trị Đoàn công tác số 19 đứng lên bục chuẩn bị đọc diễn văn tưởng niệm, những hạt mưa nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn.

Trong sự xúc động, đại tá Đặng Văn Cảnh đã bồi hồi nhớ lại những dấu mốc sáng chói của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong trận chiến đấu anh dũng năm nào.

"Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động này, với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, đoàn công tác xin được tổ chức Lễ dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Kính thưa anh linh các Anh hùng, Liệt sỹ, với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, ngày 14/3/1988, nước ngoài đã đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu, có trang bị vũ khí hiện đại, ngang nhiên tấn công, đánh chiếm một số bãi đá ngầm của ta.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 3.

Từ góc nhìn tàu Kiểm Ngư 491 có thể thấy rõ đảo Cô Lin (vòng tròn đỏ) và đảo Gạc Ma (vòng vuông đỏ). Ảnh: Nguyễn Hoà

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, các đồng chí đã kiềm chế đến mức tối đa, tránh sự khiêu khích, đối đầu, giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng.

Dẫu biết rằng có thể hy sinh, song trước sự đe doạ cũng như những hành động dã man của quân Trung Quốc, các anh đã không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, kiên quyết bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 4.

Tất cả các thành viên đoàn đều rưng rưng xúc động trong giờ phút tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ. Ảnh: Nguyễn Hoà

Không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Việt Nam, Trung Quốc đã bất chấp lẽ phải và công lý, dùng tàu quân sự bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo của ta.

Cuộc chiến đấu không cân sức, giữa một bên là lực lượng xây dựng đảo của ta, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với một bên là lực lượng tàu chiến hải quân nước ngoài có vũ khí trang bị hiện đại đã diễn ra vô cùng ác liệt.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 5.

Hoa, hạc giấy gửi gắm tình cảm của các thành viên đoàn công tác cũng như đồng bào cả nước tưởng nhớ anh linh các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh. Ảnh: Nguyễn Hoà

Trong trận chiến đấu đó, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là cán bộ, chiến sỹ tàu HQ505, HQ 604, HQ 605, thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ chiến sỹ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83 là những tập thể đã chiến đấu anh dũng, kiên cường với tinh thần chủ quyền Tổ quốc là bất khả xâm phạm, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết chiến đấu và chấp nhận hy sinh" – đại tá Đặng Văn Cảnh xúc động trong diễn văn.

Trường Sa ngày càng gần đất liền hơn

Chính tại nơi đây, 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988. Các anh đã hy sinh trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho kẻ thù phải run sợ, chùn bước.

Các Anh hùng Liệt sỹ Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng Liệt sỹ Đại uý Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng Liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma cùng các đồng đội của mình chiến đấu anh dũng, hiên ngang trước sự tấn công của kẻ thù.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 6.

Sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sỹ đã thấm đẫm, hoà quyện với từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của dân tộc. Ảnh: Hải Đăng

Anh hùng thuyền trưởng Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước lúc tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí, chỉ huy tàu HQ 505 lao lên bãi ngầm Cô Lin nơi này, để con tàu trở thành pháo đài, trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm.

"Sự hy sinh của các anh đã thấm đẫm, hoà quyện với từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời hình ảnh của người Bộ đội cụ Hồ, người chiến sỹ Hải quân, làm rạng rỡ trang sử truyền thống của quân đội và Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 7.

Hoa và hạc giấy đang hướng về đảo Cô Lin. Ảnh: Nguyễn Hoà

Các anh đã đi xa, nhưng tên tuổi và dấu ấn oanh liệt một thời vẫn còn sống mãi với thời gian, mãi mãi đi vào lịch sử và trở thành bản hùng ca bất tử cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau ngưỡng mộ, trân trọng, biết ơn, tự hào, học tập và phấn đấu noi theo; mãi mãi là cội nguồn của sức mạnh tinh thần nâng bước chúng ta trên chặng đường mới" – đại tá Đặng Văn Cảnh bồi hồi.

Trước anh linh các Anh hùng Liệt sỹ, đại tá Đặng Văn Cảnh - Trưởng đoàn chính trị Đoàn công tác số 19 chia sẻ, Trường Sa hôm nay đã đổi thay rất nhiều, cả về diện mạo và thế trận.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài, với tinh thần "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước", Trường Sa đã có thêm nhiều công trình mới cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên quần đảo đang được đổi thay từng ngày.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 8.

Trường Sa ngày càng thay đổi cả về diện mạo và thế trận. Trường Sa ngày càng gần đất liền hơn. Ảnh: Nguyễn Hoà

Trường Sa đã có những năng lượng sạch, được phủ sóng truyền hình, sóng điện thoại, đảo đã bừng lên sức sống mới. Trường Sa ngày càng gần với đất liền hơn.

Tuy vậy, Trường Sa hôm nay vẫn còn chưa thực sự được bình yên, vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ; cán bộ, chiến sỹ, nhân dân vẫn phải căng mình âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình để trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hoà bình, ổn định trên biển, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Lặng người trước lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin- Ảnh 9.

Đại tá Lê Hoàng Việt tay nắm vào thành tàu, mắt nhắm nghiền, mặt hướng về phía bầu trời sau khi thả hoa, hạc giấy tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ. Ảnh: Nguyễn Hoà

"Chúng tôi – những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí xin thề trước anh linh của tổ tiên và các Anh hùng Liệt sỹ, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn gửi tới các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa thành một quần đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược ở biển Đông.

Hôm nay, đoàn công tác chúng tôi đến nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Giữa biển trời, sóng nước Trường Sa mênh mông, trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm, hướng về hương hoả của tổ tiên, trước anh linh của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân ưu tú đã ngã xuống, trong niềm tin son sắc của Đảng Quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng trọn đời mình cho biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn công tác chúng tôi xin được thắp nén tâm hương, kính dâng lên anh linh các Anh hùng Liệt sỹ. Hương, hoa, lễ vật cùng tấm lòng thành kính, niềm tiếc thương vô hạn và sự tri ân sâu sắc về những công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của các đồng chí" – đại tá Đặng Văn Cảnh cùng toàn bộ thành viên đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình.

Đại tá Đặng Văn Cảnh vừa dứt lời, từng thành viên đoàn công tác lần lượt tiến đến dâng hương, nhận hoa, hạc giấy từ ban tổ chức. Sự xúc động bao trùm lên tất cả.

Trưởng Đoàn công tác số 19 – Đại tá Lê Hoàng Việt sau đó đã cùng các thành viên đoàn thả hoa, hạc giấy xuống vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma để tưởng nhớ anh linh các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh.

Từ phía dưới cano ở mặt biển nhìn lên boong tàu Kiểm Ngư 491, tôi thấy đại tá Lê Hoàng Việt mắt nhắm nghiền, mặt hướng về phía trời xanh trong giây phút xúc động ấy. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem