Bây giờ, những mẫu áo của vua chúa, quan lại đang được người dân nơi đây khôi phục.
Làng duy nhất thêu long bào
Đông Cứu là làng nghề thêu đã có lịch sử từ cách đây hơn 300 năm. Theo sắc phong của làng, thời gian được ghi lại sớm nhất là dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng (1746). Làng thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, người đã học được kỹ thuật thêu của Trung Quốc và có công mang về truyền dạy cho dân làng Quất Động (quê hương ông) cùng một số làng lân cận, trong đó có làng Đông Cứu.
Chị Phượng đang hoàn thành một mẫu thêu phức tạp.
Nghề thêu ở làng Đông Cứu có nguồn gốc từ nghề bắt nét kim tuyến, thợ thêu ở đây đã từng được vua Nguyễn mời vào Huế để lập thành một đội chuyên thêu các trang phục hoàng cung. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, qua nhiều đời vua phong kiến, Đông Cứu là làng thêu duy nhất đất Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa, áo mão cho quan lại quý tộc trong triều. Có thể nói, những mẫu thêu trên trang phục cung đình là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống.
Những bộ áo đặc sắc, công phu, đòi hỏi kỹ thuật cao thì thời gian có thể kéo dài 120 - 130 ngày với giá thành dao động từ 24 - 25 triệu đồng/ sản phẩm.
|
Hiện nay, ở làng chỉ còn Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi là theo nghề cha ông để lại. Anh Giỏi chia sẻ: “Ngày trước, các cụ trong làng cũng đã được mời đi phục dựng các mẫu áo cho cung đình. Tôi theo nghề cũng bởi đam mê tìm hiểu những mẫu thêu cổ xưa, những hoa văn đặc biệt tinh xảo với những đường thêu mềm mại.
Để có được một bộ long bào phục chế như trước, tôi phải đi đặt vải, chỉ thêu ở những làng nghề, với những nghệ nhân nổi tiếng như ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Muốn làm một mẫu áo, chúng tôi phải chuẩn bị từ một năm trước, đặt vải, đặt chỉ và phải làm cả năm trời mới có thể hoàn thiện. Long bào cho vua chúa, hoàng hậu, hay áo của các quan lại đòi hỏi sự chọn lựa kỹ lưỡng từ nguyên liệu, màu sắc, cách làm và lối thêu không phải người nào cũng có thể làm được. Quan trọng nhất là phải có tâm huyết và được truyền nghề”.
Theo anh Giỏi, anh đã phải bỏ ra hơn 20 năm để tìm hiểu về trang phục và các mẫu thêu cổ mới có thể khôi phục được. Chính vì vậy, dù hiện nay trong làng có rất nhiều xưởng thêu và số người biết thêu trong làng cũng không phải con số nhỏ, nhưng chỉ còn duy nhất Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi theo nghề xưa. Các sản phẩm long bào ngày nay được làm ra chủ yếu phục vụ mục đích trưng bày, nhằm giữ lại bản sắc văn hóa ở các bảo tàng, triển lãm quốc tế về các triều vua phong kiến ở Việt Nam chứ không bán ngoài thị trường.
Sống nhờ nghề thêu truyền thốngÔng Nguyễn Thế Du-Chủ tịch Hội Nghề thêu truyền thống của làng cho biết: “Trước đây, thời gian chiến tranh và bao cấp, nghề thêu bị hạn chế hoặc không được phép làm nên đã có lúc nghề này tưởng chừng mất đi. Nhưng hiện nay, do sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều di tích, lễ hội được khôi phục và phát triển mạnh, làng lại có điều kiện tiếp tục sản xuất các mặt hàng như khăn chầu, áo ngự... để phục vụ việc tín ngưỡng, tâm linh. Tuy 2 năm gần đây, kinh tế có khó khăn nhưng có thể nói hiện nay làng nghề đang rất phát triển”.
Theo ông Nguyễn Thế Vượng - Trưởng thôn Đông Cứu: Hiện nay thôn thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho người dân để có thể bảo tồn và phát huy nghề thêu truyền thống.
Chúng tôi cũng rất mong muốn có thể xây dựng một khu nhà để có thể trưng bày và giới thiệu sản phẩm thêu tay. Đây cũng là một biện pháp để giữ và phát triển làng nghề.
|
Ông Du cho biết thêm, mỗi một bộ áo được thêu trong khoảng thời gian trung bình từ 15-20 ngày. Còn đối với những bộ áo đặc sắc, công phu, đòi hỏi kỹ thuật cao thì thời gian có thể kéo dài 120 - 130 ngày với giá thành dao động từ 24 - 25 triệu đồng/sản phẩm. Mẫu mã cũng rất phong phú, đa dạng, thay đổi cho phù hợp với xu hướng từng thời kỳ và yêu cầu của khách hàng.
Về làng Đông Cứu ngày nay, có thể thấy được sự nhộn nhịp của một làng nghề đang khởi sắc, đời sống của người dân đã được nâng cao rất nhiều.
Ông Du chia sẻ: “Hiện nay trong làng có trên 40 cơ sở làm nghề thêu, với số thợ lên đến hàng trăm người. Có những người thợ tuổi đời còn rất trẻ cũng đã học và theo nghề cha ông”.
Chị Nguyễn Thị Phượng- một thợ thêu của cơ sở thêu Du Biển, thôn Đông Cứu cho biết: “Nghề thêu là một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho người dân. Thanh niên trong làng hiện nay cũng làm nghề thêu rất nhiều, có những em mới 14 - 15 tuổi cũng đã theo học nghề. Người chưa biết thêu chỉ cần học 1 tháng là có thể thêu được, còn để thêu đẹp, thuần thục thì mất khoảng 2 - 3 tháng”.
Phương Thu (Phương Thu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.