Nhu cầu mua sư tử, tỳ hưu đá hình dáng kiểu Trung Quốc, châu Âu về đặt tại đền, miếu, công sở ngày càng tăng khiến người thợ làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) luôn tất bật.
Làng nghề hơn 300 tuổi ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng được nhiều nơi biết đến nhờ đôi bàn tay điêu luyện của nghệ nhân làm ra các bức tượng đá tinh xảo. Gần đây, người thợ ăn nên làm ra nhờ những đơn đặt hàng sư tử đá, tỳ hưu... Sau khi đá được khai thác và chở về xưởng, phiến đá lớn được đưa vào máy xẻ để cắt theo kích cỡ từng tác phẩm.
Sau đó những phiến đá được đưa vào nhà hay lán trại dựng tạm ven đường. Người thợ dùng búa, máy cắt đá loại nhỏ để tạo hình.
Những hình mẫu của khách đặt, hay những bức tượng mới hoàn chỉnh được dùng làm mẫu để thợ tham khảo và phác họa.
Với con sư tử đá cao từ 2 đến 3 m, người thợ phải dành nhiều thời gian nhìn ngắm khúc đá để chế tác theo đúng kích cỡ và hình dáng. Theo ông Trần Văn Xuất, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh, những linh vật sư tử, tỳ hưu nhận được nhiều đơn đặt hàng từ năm 2008 đến nay. "Có thể do kinh tế phát triển, nhu cầu tâm linh cũng lớn hơn nên nhiều người đặt linh vật này trước nhà, trụ sở làm việc hay hiến tặng cho đền, chùa", ông nói.
Từ khi có nhiều đơn hàng làm các loại linh vật như sư tử, tỳ hưu... tạo hình kiểu Trung Quốc, châu Âu, làng đá mỹ nghệ Non Nước hình thành hẳn khu chuyên làm linh vật, trong đó lớn nhất là đường Nguyễn Duy Trinh.
Tại những khu chuyên làm linh vật, sản phẩm nhiều nhất là sư tử đá kiểu dáng Trung Quốc (thường được dùng với ý nghĩa canh mộ ở nước này). Công đoạn cuối cùng trước khi thành phẩm là dùng mũi chạm nhỏ kèm dây nước để làm bóng linh vật.
Với những cặp sư tử đá nhỏ loại 90 cm, mỗi người thợ mất khoảng 10 ngày để hoàn thành; loại 1,2 m mất khoảng 20 ngày, còn kích cỡ lớn hơn phải mất gần 2 tháng. Sáng 21/8, một xưởng chế tác nhỏ trên đường Nguyễn Duy Trinh chế tác cùng lúc 10 sư tử đá.
Tượng đá với đủ kích cỡ được đặt ở hầu hết khu chế tác, khu trưng bày của các chủ cơ sở làng đá mỹ nghệ... Cũng theo ông Xuất, trước những năm 1990, sư tử đá theo phong cách châu Âu được nhiều người đặt làm với giá đắt đỏ. Một cặp sư tử cao 40 cm đã có giá 4 đến 5 chỉ vàng. Những năm 1985-1986, sư tử đá được xuất nhiều sang Lào. Ngày đó, loài linh vật này không thể đục được kích cỡ lớn hơn do không tìm được nguồn đá.
Đến năm 2001-2002, người dân phát hiện ở mỏ đá Quỳ Hợp (Nghệ An) có loại đá chuyên để tạc tượng, với đủ kích cỡ phiến đá và có thể làm được tượng sư tử cao đến 3 m. Đường Huyền Trân Công Chúa dẫn vào khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn được đặt kín sư tử với nhiều phong cách.
Tỳ hưu cũng được bán với giá tùy theo kích cỡ. Loài linh vật này đang được ưa chuộng nhờ ý nghĩa giữ của.
Theo nhiều chủ cơ sở chế tác linh vật, đơn đặt hàng hiện nay phổ biến là Hà Nội, TP HCM và xuất sang nước ngoài. Những nhà giàu thường mua về để trước nhà theo quan niệm trấn yểm, hoặc hiến cho nhà chùa. Nhiều công sở cũng mua về trưng bày.
Cặp linh vật cao 1,2 đến 1,4 m có giá từ 22 đến 27 triệu đồng. Những khuôn mặt sư tử dữ dằn được nhiều người chọn mua.
Đường Bạch Đằng, trung tâm của Đà Nẵng, đang được trưng bày nhiều linh vật sư tử đá ngoại lai. Theo các nghệ nhân chế tác đá, khoảng 5 năm trở lại đây loại sư tử theo phong cách châu Âu không được nhiều người chuộng, có cơ sở chỉ bán được một cặp trong vòng một năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.