Lãnh đạo 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu tìm giải pháp gì để đưa đặc sản OCOP vươn xa?

Hoàng Hạnh - Hồng Ngọc Thứ tư, ngày 11/12/2024 11:49 AM (GMT+7)
Lãnh đạo các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn và gợi ý giải pháp để sản phẩm OCOP có thể vươn xa.
Bình luận 0

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh và lợi thế của các địa phương không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn nân khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Khó khăn trong phát triển OCOP

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành đã giúp cho chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt được nhiều kết quả ấn tượng và lan rộng trong cả nước với 14.000 sản phẩm OCOP. ĐBSCL đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đồng bằng sông Hồng) với trên 2.950 sản phẩm OCOP.

Bạc Liêu hiện có 145 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, 31 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 114 sản phẩm đạt 3 sao… Tỉnh này đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là muối tinh và muối hạt Bạc Liêu.

Tìm giải pháp để sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 1.

Bạc Liêu hiện có 145 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, 31 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 114 sản phẩm đạt 3 sao. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nghe các chủ thể giới thiệu về sản phẩm OCOP. Ảnh: An An

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập mà các sản phẩm OCOP của địa phương đang đối mặt, như: nhiều sản phẩm chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do chưa thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tìm giải pháp để sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 2.

Còn tại Cà Mau, tỉnh này hiện có 151 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, 29 sản phẩm đạt 4 sao và 122 sản phẩm 3 sao - hiện tại, ngành chức năng tỉnh này đang tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm đã được chứng nhận. Ảnh: An An

Đại diện của Tập đoàn Central Retail cho biết trong quá trình hợp tác, tập đoàn nhận thấy một số cơ sở sản xuất chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị vì thiếu giấy tờ pháp lý, bao bì sản phẩm chưa tuân thủ tem nhãn, mã vạch… Một số nhà cung cấp đã ký kết hợp đồng nhưng thiếu sự chủ động và chưa sẵn sàng tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại.

Còn tại Cà Mau, tỉnh này hiện có 151 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, 29 sản phẩm đạt 4 sao và 122 sản phẩm 3 sao; các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, chứng nhận chất lượng, như: ISO, VietGAP, HACCP...

Theo lãnh đạo của UBND tỉnh Cà Mau, tình hình tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại địa phương cũng đang gặp phải một số khó khăn, chưa đưa vào hệ thống phân phối, bán lẻ do phụ thuộc vào mùa vụ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu liên kết nên sản phẩm chưa ổn định về nguồn cung.

Gỡ khó cho sản phẩm OCOP

Nhằm nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã lưu ý nhiều vấn đề cần tập trung thực hiện đối với các sở, ngành địa phương và chủ thể OCOP.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu đề nghị cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình OCOP cũng như các chủ thể có sản phẩm; xây dựng website tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm OCOP.

Tìm giải pháp để sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 3.

Để sản phẩm OCOP ngày càng được vươn xa, ngành chức năng 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP; trong đó chú trọng đến khâu quảng bá các sản phẩm. Ảnh: An An

Tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô kinh doanh. Nghiên cứu, thiết kế logo, bao bì sản phẩm, nhãn mác hàng hóa phù hợp với thị hiếu của thị trường và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP; định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với sử dụng mã số, mã vạch theo quy định.

Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh; hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế để giới thiệu sản phẩm của tỉnh. Không chỉ đa dạng hóa các hình thức thương mại mà còn phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm... nhằm tạo sức lan tỏa và nâng cao hình ảnh sản phẩm OCOP của Bạc Liêu trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thảo, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu cho hay sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được đánh giá phân hạng trên nhiều khía cạnh bao gồm: chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất…

"Ngoài 2 dòng sản phẩm chính là muối thực phẩm và muối gia vị thì công ty đang nghiên cứu phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, như: muối dược liệu, muối spa…để góp phần nâng cao giá trị hạt muối và tạo sự đa dạng trong lựa chọn cho người tiêu dùng" – bà Thảo chia sẻ.

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên và quy trình sản xuất đạt chuẩn, nên các sản phẩm OCOP của địa phương đã mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng về chất lượng.

Tỉnh cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và đối tác có thể tiếp cận các sản phẩm OCOP và đặc sản của địa phương một cách dễ dàng. Qua đó, hướng đến lợi nhuận bền vững trong phát triển kinh tế hội nhập.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem