Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, tỷ phú trồng chè Nguyễn Công Sử - Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ về mô hình trồng chè của HTX. Thực hiện: Lê Nghĩa
"Tuyên Quang - vùng đất vốn sản sinh ra nhiều dòng chè ngon đặc sản nhưng ít được nhiều người biết tới như chè Thái Nguyên. Vì sao vậy?", đó là trăn trở của chàng trai 25 tuổi Nguyễn Công Sử khi đang làm công nhân tại Công ty chè Mỹ Lâm năm 2002.
Anh Sử vốn là “con nhà nòi” trong nghề làm chè. Những năm 50 của thế kỷ trước, bố mẹ anh đi kinh tế mới tại vùng đất Tuyên Quang. Khi đó, nông trường chè quốc doanh mới được thành lập, bố mẹ xin vào làm công nhân. Sinh ra và lớn lên giữa vùng chè bạt ngàn, anh Sử chứng kiến cây chè đã đổi thay cuộc sống của nhiều gia đình, không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao...
Tiếp bước bố mẹ, anh Sử vào làm công nhân của Công ty chè Mỹ Lâm đầu những năm 1997. Tại đây, anh nắm bắt được các quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như nhận biết được thu hái như thế nào để được chè thơm ngon.
Anh Sử bảo, nói về chất lượng thì chè Tuyên Quang vốn chẳng thua kém loại chè nào ở miền Bắc nhưng thời bấy giờ "độ nổi tiếng" thì lại kém xa. Luôn đau đáu với điều ấy, năm 2002, anh đã quyết định nghỉ việc ở Công ty chè Mỹ Lâm để tìm cho mình "một lối đi riêng" và mục tiêu "sẽ làm điều gì đó" để đưa thương hiệu chè xứ Tuyên "bay xa" hơn.
"Rất nhiều ý tưởng được vẽ ra nhưng khởi đầu với tôi vốn chẳng dễ dàng gì", anh Sử nhớ lại. Chính thức “khởi nghiệp” với nghề chè từ một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, lúc đó anh mới thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của nghề làm chè. Mặc dù là chủ, nhưng vẫn phải trực tiếp làm khâu chế biến, rồi trong sản xuất phải lo thuê nhân công, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản ra sao để chè không bị mất hương vị...
Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Sử cho biết, từ năm 2008 trở về trước, khâu đóng gói chủ yếu là buộc túi bóng nilon bằng dây thun.
Mãi tới năm 2011 mới chuyển sang đóng gói hút chân không nên chất lượng, hương vị chè được bảo quản tốt hơn nhiều. “Đóng gói bằng buộc túi bóng chỉ có thể giữ được hương vị chè ngon như lúc đầu trong thời gian 2-3 tháng, còn với phương thức đóng gói mới thì có thể bảo quản và giữ được hương vị ngon tới 12 tháng”, anh Sử chia sẻ.
Dù hình thức, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể so với trước, nhưng anh Sử nhận thấy, nếu không tập trung xây dựng thương hiệu, thì rất khó mở rộng tiêu thụ.
Để vượt lên những sản phẩm có cùng chủng loại, phẩm cấp, bắt buộc phải tăng năng lực cạnh tranh bằng dấu ấn riêng, trong đó cốt lõi tập trung vào nâng cao chất lượng.
Xác định hướng mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường, anh Sử đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, để đa dạng sản phẩm, thiết kế bao bì mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, song song với việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất các sản phẩm chè đặc sản, năm 2017, anh Sử thành lập HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh với 7 thành viên. "Chúng tôi đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu để phát triển bền vững", anh nói.
Từ 15 ha chè ban đầu, đến nay, diện tích chè của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã tăng lên 60 ha với các giống chè Ngọc Thúy, Bát tiên, LDP1. HTX cũng đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo quy trình từ khâu hướng dẫn chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy định, đến bao tiêu nguyên liệu… của các hộ trồng chè trong vùng. Toàn bộ diện tích chè được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Sử cho biết, khi nông dân tham gia mô hình liên kết với HTX đều tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).
Ngoài phương pháp canh tác chè với quy trình khắt khe, anh Sử cũng đã xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chè của HTX bằng cách làm "độc nhất vô nhị". Theo đó, anh đã sáng chế ra cách bảo quản chè bằng hình thức cấp đông để chè có thời gian sử dụng được lâu hơn mà vẫn không bị mất đi hương vị.
"Sau khi thu hái, lá chè chỉ để được khoảng 1 tiếng rưỡi là phải nhanh chóng đưa lá chè qua công đoạn xử lý như làm héo chè, diệt men, vò săn, ướp lạnh, đóng gói, ủ và lên men", anh Sử chia sẻ với Dân Việt.
Theo anh Sử, tỷ phú trồng chè, chế biến chè, ướp lạnh là công đoạn quan trọng nhất nhằm giữ các thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe có trong búp chè tươi (80%) như: axít amin, vitamin, chất khoáng, hydrotcarbon, protein và lipid…
Khi pha 10 gram trà thành phẩm với 150 ml nước sôi ở nhiệt độ 85 độ C đến 95 độ C nước trà có màu vàng, vị ngọt hậu, mùi hương thơm đặc trưng. Sản phẩm hoàn thiện tiêu thụ bảo quản trong môi trường lạnh âm độ thời gian sử dụng được trên 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
Đặc biệt, hiện nay HTX có sản phẩm “Trà Ngọc Thúy cấp đông” nguyên liệu chế biến thành sản phẩm trà được chăm sóc theo quy trình VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.
Trà được thu hái thời gian từ 6h đến 9h sáng và chiều 15h30 đến 18h30 (đây là thời gian cho chất lượng chè cao nhất trong ngày) theo quy trình thủ công truyền thống, tiêu chuẩn một tôm hai lá và được bổ sung dưỡng chất trong quá trình chăm sóc.
"Đặc sản chè Ngọc Thúy có nguồn gốc từ Đài Loan, mang hương vị thơm ngon, vị tựa như trà Ô long nên sau khi đưa ra thị trường nhận được sự quan tâm đông đảo của khách hàng trong và ngoài tỉnh", anh Sử chia sẻ. Theo anh, tuy giống với trà Ô long, nhưng tại HTX, giống chè này được sản xuất theo hướng trà mạn. Đây cũng là điểm độc đáo, riêng biệt của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh.
Với hướng đi bền vững và xây dựng được thương hiệu sản phẩm độc đáo, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đạt doanh thu năm 2023 trên 5,2 tỷ đồng.
HTX đã tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động. Đặc biệt, 7 sản phẩm chè của HTX được "gắn sao" OCOP, trong đó, 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (Chè xanh Ngọc Thúy, Trà Ngọc Thúy, Chè xanh Ngọc Thúy đinh, Chè xanh Ngọc Thúy nõn) và 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (Chè xanh Phú Lâm, Chè xanh Phú Lâm nõn, Chè xanh Phú Lâm đinh).
Các danh hiệu, thành tích của anh Nguyễn Công Sử - HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đạt được:
- Năm 2021: đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh Tuyên Quang
- Năm 2022: Trung ương Hội NDVN tặng danh hiệu "Nhà Khoa học của nhà nông"
- Năm 2023: Được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam
- Năm 2023: Được tặng danh hiệu Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang
- Năm 2022 và 2023 đạt danh hiệu "Tri thức KH&CN tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang"
- Năm 2024: Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2018-2020
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.