Lao động huyện nghèo “xuất khẩu” kiếm trăm triệu

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 02/01/2019 09:25 AM (GMT+7)
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là chuyện không tưởng ở những bản làng người Tày nghèo khó tại Bắc Kạn. Nhưng nhiều năm nay, nhờ làm tốt chính sách tư vấn, tuyên truyền nên ngày càng có nhiều lao động xuất ngoại về làm giàu cho gia đình bản làng.
Bình luận 0

Thoát nghèo nhờ đi xuất khẩu lao động

Chỉ mất 3 tiếng, phóng viên đã lên tới Bắc Kạn, tuy nhiên để vào các huyện nghèo thì phải mất gấp đôi thời gian này. Dù vừa được công nhận thoát nghèo vào tháng 4 vừa qua nhưng cái nghèo với bà con thôn bản nơi đây vẫn còn hiển hiện rõ qua từng nếp nhà mái cọ, từng con đường ghập ghềnh, quanh co.

img

   Anh Nông Xuân Đề (ở thôn Nà Niểm, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) vừa đi xuất khẩu lao động Nhật Bản về nước. Ảnh: Nguyệt Tạ

  Hiện nay, Nhật Bản đang có nhu cầu lớn trong việc tiếp cận lao động nông thôn Việt Nam sang nước này làm nông nghiệp. Bản thân lao động miền núi, dân tộc của Việt Nam cũng rất phù hợp với công việc nông nghiệp, đi làm thời gian ngắn. Mặc dù thời gian làm việc từ 7 tháng tới 3 năm nhưng chi phí đi khá thấp và lao động được nhận mức lương cao, khoảng vài trăm triệu đồng/năm”.

Ông Nguyễn Gia Liêm -
Phó Cục trưởng Cục Quản lý
lao động ngoài nước
(Bộ LĐTBXH)

Anh Nông Xuân Đề (27 tuổi, trú thôn Nà Niểm, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) vừa trở về nước sau 7 tháng làm việc tại Nhật Bản. Anh Đề là con trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ thường xuyên ốm đau, bản thân anh chỉ học hết cấp 2 nên ngoài làm ruộng, cả nhà không biết làm gì để thoát nghèo. Bởi vậy khi nghe địa phương tuyên truyền chính sách về đi XKLĐ, anh rất mê và đã tìm hiểu rất kỹ về các thị trường XKLĐ.

Sau khi nghiên cứu, thấy Nhật Bản là thị trường tiềm năng, anh Đề đã quyết tâm đi học tiếng và làm việc tại Nhật Bản. Sau 3 tháng học tiếng, đầu tư khoảng 30 triệu, anh đã được giới thiệu qua Nhật Bản làm việc trong một trang trại nông nghiệp trồng hoa, quả. Sau 7 tháng làm việc chăm chỉ, anh đã tích góp được 250 triệu đồng. “Đây là một số tiền lớn với tôi và gia đình mà có nằm mơ, tôi và gia đình cũng chưa từng nghĩ tới. Tôi đang đầu tư để học thêm tiếng và dự định sang năm 2019 sẽ tiếp tục xin đi XKLĐ lại ở Nhật để có thể tích góp thêm chút tiền về quê làm ăn” – anh Đề tâm sự.

Anh Đề cho biết: “So với các chương trình đi làm dài hạn, chương trình XKLĐ ngắn hạn (chỉ 7 tháng) có chi phí thấp, chỉ mất khoảng 30 triệu đồng. Thêm vào đó, chương trình như vậy cũng phù hợp với lao động miền núi, hộ nghèo”.

Sống gần gia đình anh Đề, gia đình chị Trần Thị Huyền (32 tuổi, trú thôn Nà Kiêng, Khang Ninh, huyện Ba Bể) là một trong số ít hộ dân trong bản từng đi XKLĐ ở Đài Loan. Sau 3 năm đi làm ở nước ngoài, trừ chi phí, 2 vợ chồng chị Huyền nhận được khoảng 500-600 triệu đồng để đầu tư mua đất, xây nhà, mở tiệm bán tạp hoá.

Vẫn còn nhiều rào cản

Anh Dương Sôn Dao - cán bộ công chức văn hoá - xã hội xã Khang Ninh (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) cho biết, Khang Ninh là xã nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Ngoài làm ruộng, người dân không có nghề phụ nên kinh tế đặc biệt khó khăn. Vì vậy, địa phương xem việc XKLĐ là chìa khoá giúp người dân thoát nghèo.

Mặc dù biết đi XKLĐ là có thể giúp thoát nghèo nhưng không phải ai cũng quyết tâm đi, nhiều người học xong lại thôi không đi do tâm lý lo sợ, không muốn xa nhà. “Nhiều lao động muốn đi XKLĐ để làm giàu nhưng gia đình, vợ con lại không muốn cho đi. Thêm vào nữa với các đơn hàng đi làm việc lâu năm khiến lao động không muốn đi. Một số các công ty thu phí quá cao (từ 120 - 150 triệu đồng/đơn đi làm 3 năm) khiến lao động không tiếp cận được” - anh Dao kể.

Theo anh Dao, việc lao động đi làm ở nước ngoài không chỉ giải quyết được việc làm cho lao động địa phương mà còn giúp các gia đình tăng thu nhập, thoát nghèo, làm kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Cương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian qua, Bắc Kạn đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn về chính sách XKLĐ. Nhiều năm liền, tỷ lệ lao động đi XKLĐ ở huyện nghèo đã vượt chỉ tiêu. Các thị trường có lao động đi XKLĐ đông nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả rập – Xê út. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem