Ông nông dân Bình Thuận làm “nước mắm” để "tẩm bổ" cho cây ăn trái, dân bất ngờ, giới khoa học đánh giá cao

Hoàng Văn Thứ sáu, ngày 17/03/2023 12:04 PM (GMT+7)
Phải hẹn nhiều lần, chúng tôi mới gặp được ông Hồ Trinh (SN 1971, ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) khi ông đang tất bật với công việc thu mua cá tươi về chế biến “nước mắm” không muối để bán cho nông dân.
Bình luận 0

Bán "nước mắm" không muối như bán… bia hơi

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, nhưng điện thoại ông Hồ Trinh reo liên tục vì nông dân điện đến đặt hàng… Mới nghe, tôi cứ tưởng là ông bán bia tươi, bởi ông Hồ Trinh trả lời: "5 lít hả, 3 lít hả, 10 lít hả? Cho vào can luôn nhen… Cho địa chỉ tui chuyển liền…".

Thấy tôi tò mò, ông Trinh giải thích đó là "nước mắm" không muối, giúp nhà nông chăm sóc các loại cây trồng. Mở đầu câu chuyện, tôi hỏi ông Trình vì sao đang làm công việc tốt ở TP.HCM lại bỏ phố về biển làm "nước mắm" không mùi? Ông Hồ Trinh cho biết, sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và làm việc trong các công ty lớn, là giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Mở TP.HCM với mức lương cao, nhưng rồi ông quyết thôi việc và trở về quê hương Phan Thiết.

"Tôi xuất thân là con nhà nông, trăn trở với vấn nạn phân bón kém chất lượng, phân bón giả, chi phí cao, tác động đến hiệu quả kinh tế của bà con nông dân nên trong những năm tháng sống, làm việc ở TP.HCM, tôi đã dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật chế biến cá biển thành thủy phân, nói vui là "nước mắm" không muối để bón cho cây trồng. Việc này vừa khoa học vừa tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường…" - ông Hồ Trinh chia sẻ.

Lão nông làm “nước mắm” cho… cây ăn trái - Ảnh 1.

Ông Hồ Trinh giới thiệu về vườn chuối xanh tươi có bón dịch cá biển thủy phân. Ảnh: Bùi Phụ

Theo ông Hồ Trinh, sản lượng tiêu thụ dịch cá biển thủy phân hàng tháng khoảng 10.000 lít. Sản phẩm hiệu quả rất cao trên các cây trồng: thanh long, cà phê, hồ tiêu, chanh dây, bơ, đu đủ, chuối, ớt, dâu tây, măng tây, nho, táo, các loại rau - hoa, cây có múi: cam, bưởi, sầu riêng…

Cách đây hơn 5 năm, ông Hồ Trinh thành lập Công ty TNHH Công nghệ Việt Nhật BIO để khởi nghiệp với dự án sản xuất dịch cá biển thủy phân mang thương hiệu "Dịch cá biển thủy phân K10". 

Ông Hồ Trinh nhận định: Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi, dồi dào nguyên liệu cá biển tươi và cá biển phế phẩm nguyên con có giá trị kinh tế thấp. Những loại này trước đây thường làm thức ăn cho gia súc, nhưng nếu dùng để sản xuất phân bón hữu cơ thì giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều, đem lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp, phù hợp xu hướng sản xuất hữu cơ, định hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Bằng vốn tự có, vay người thân, bạn bè, ông Hồ Trinh thuê khu đất nhỏ ven biển ở phường Đức Long, TP.Phan Thiết làm phân xưởng. Hệ thống chế biến bằng 2 máy thủy phân cá, ứng dụng công nghệ vi sinh Nhật Bản được lắp đặt theo ý của ông.

Nguồn nguyên liệu là các loại cá nhỏ còn tươi như ngừ, nục, sòng, trích… được các vựa, chủ tàu quen biết ở cảng Phan Thiết cung cấp sau chuyến biển với giá thành rẻ hơn cá chế biến thức ăn.

Lão nông làm “nước mắm” cho… cây ăn trái - Ảnh 3.

Ông Hồ Trinh và hệ thống chế biến thủy phân cá biển. Ảnh: N.V

Ông Hồ Trinh phân tích: "Nước mắm" không muối, trong chuyên môn gọi là "dịch cá thủy phân". Dịch cá thủy phân đạm cá nhờ enzyme phân giải thành axit amin. Dịch cá không có muối, được bảo quản bằng dung môi hữu cơ, đây là bí quyết của các nhà sản xuất (nước mắm ăn nhờ muối để bảo quản).

Theo ông Hồ Trinh, cá tươi sau thủy phân giàu axit amin, phong phú dưỡng chất với nhiều loại cây trồng. Và với phương pháp ủ truyền thống trước đây ngâm ủ cá trong bồn chứa thông thường, ủ môi trường tự nhiên phải từ 3 - 6 tháng mới ra thành phẩm thủy phân.

Giải pháp của ông đã rút ngắn thời gian rất nhiều vì nhờ ứng dụng thiết bị công nghệ có tính năng gia nhiệt. Đó là đảo khuấy tự động để xúc tác quá trình thủy phân đạm cá protein thành axit amin đạt hiệu suất cao hơn. Quá trình thủy phân được kiểm soát, diệt khuẩn trùng độc hại, khuẩn trùng gây mùi, cho ra sản phẩm hữu cơ sạch hữu ích cho cây trồng.

Vừa giải thích, ông Hồ Trinh đưa tay mở hũ dịch cá biển thủy phân cho tôi ngửi thử. Cảm nhận của chúng tôi là trong hũ không có mùi hôi, tanh cá mà trái lại có mùi hương nhẹ…

Hiện tại, nhiều nhà vườn, các trang trại lớn chuyên trồng các loại rau quả sạch, chất lượng cao như thanh long, dưa lưới, chuối… đặt hàng thường xuyên mua "nước mắm" không mùi của ông Hồ Trinh để thay kiểu phân bón truyền thống.

"Thuốc bổ" cho cây trồng

Về sản phẩm của ông Hồ Trinh, lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là sản phẩm thiết thực với nông nghiệp nhờ cung cấp gần 20 loại axit amin cho các loại cây trồng. Thông thường cây chỉ tổng hợp được 11 loại, 9 loại axit amin khác phải bổ sung. 

Loại "thuốc bổ" này có thể ứng dụng cho cây lúa, thanh long, cà phê, tiêu, sầu riêng, bưởi da xanh, dưa lưới, táo, rau ăn lá…, góp phần giảm chi phí phân bón 30 - 50%, nhất là khi dùng dịch cá biển kết hợp các loại phân bón khác.

"Nước mắm" không muối được chế biến bằng cá biển tươi của ông Hồ Trinh được giới khoa học công nghệ gần xa đánh giá rất cao vì mới lạ, khác biệt, giúp cho nhà nông chăm sóc được nhiều loại cây trồng xanh tươi, thơm ngon…

Ông Hồ Trinh tâm sự, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp trong nghiên cứu hoàn thiện một sản phẩm hữu dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, cá nhân ông rất cần sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong lĩnh vực nông nghiệp, để đưa công nghệ cao đến với bà con nông dân. Từ đó, giúp giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao chất lượng nông sản để tạo sự khác biệt về chất lượng nông sản, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Với sản phẩm dịch cá biển thủy phân độc đáo của mình, năm 2020, ông Hồ Trinh được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông". Ông cũng được Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tôn vinh "Có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"; được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tặng danh hiệu "Trí thức tiêu biểu về Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận".

Nhiều nhà khoa học cho biết, dịch cá biển thủy phân cung cấp dinh dưỡng đa dạng, giúp cây phát triển toàn diện, nâng cao năng suất, đặc biệt là nâng cao chất lượng nông sản,giúp tiết kiệm chi phí phân bón từ 30 - 50%. Dịch cá biển thủy phân có nguồn gốc hữu cơ nên không làm thoái hóa đất, giúp cải tạo đất tốt; giúp cây trồng phát triển toàn diện, nâng cao năng suất, đặc biệt là nâng cao chất lượng nông sản... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem