Lão nông hơn 10 năm trồng măng cụt không dùng thuốc trừ sâu

Thứ bảy, ngày 18/08/2018 18:43 PM (GMT+7)
Từ năm 2006, ông Tỵ chưa bao giờ phun thuốc trừ sâu hóa học lên cây mà chỉ tự chế công thức diệt cỏ từ phân bón.
Bình luận 0

img

Vườn măng cụt VietGap của ông thu lãi về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Xuân Chinh

18 năm sống ở Suối Cát (Thanh Tuyền, Dầu Tiếng, Bình Dương), ông Nguyễn Văn Tỵ có tới 12 năm gắn bó với cây măng cụt. "Ông Tỵ măng cụt" đã trở thành thương hiệu mà nhiều người truyền tai.

Năm 2000, ông cùng vợ tới Suối Cát, bỏ ra 30 triệu mua mảnh đất rộng 1,5ha. Đất nằm cạnh sông Sài Gòn, bị nhiễm phèn và thường xuyên ngập lụt nên tốn nhiều công cải tạo như rắc vôi rửa phèn và đắp bờ ngăn. 

Muốn làm giàu trên mảnh đất nghèo, ông đi khắp nơi tầm sư học trồng cây ăn trái. Trong các nơi đặt chân đến, ông Tỵ ấn tượng nhất với những miệt vườn măng cụt sum suê trái ở Lái Thêu (Thuận An, Bình Dương) nên đã quyết định lựa chọn loại cây này để khởi nghiệp.

Năm 2006, ông bắt tay trồng 250 cây măng cụt đầu tiên. Nhờ vốn kiến thức tự học hỏi và có sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2011, vườn măng cụt đã cho một tấn trái. Ông Tỵ thu về hơn 30 triệu đồng.

img

Các cây măng cụt được đánh số để ghi chép nhật ký theo quy trình VietGap. Ảnh: Xuân Chinh

Thấy hiệu quả bước đầu, lão nông càng có thêm động lực, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc măng cụt tốt hơn. Ông đào rãnh xen giữa các hàng cây để gốc cây thoát nước tốt, tránh ngập úng mùa mưa, mùa khô tiện dẫn nước từ sông vào vườn.

Phân chuồng hoai mục và NPK định kỳ bón ba lần cho cây trong năm, đó là khi cây ra hoa, đậu trái nhỏ và sau khi thu hoạch.

Hơn chục năm trồng măng cụt, ông Tỵ chưa khi nào sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ. Để phòng trừ kiến - khắc tinh của măng cụt, ông chỉ phun thuốc sinh học mỗi năm một lần.

Đối phó với cỏ dại, ông chỉ cắt bằng tay. Ngoài ra, lão nông cũng tự chế thuốc trừ cỏ từ chính phân bón theo công thức đạm: kali: muối tỷ lệ 1:1:1.

img

Các cây măng cụt được đánh số để ghi chép nhật ký theo quy trình VietGap. Ảnh: Xuân Chinh

Cây măng cụt dễ trồng nhưng để quả sai và ngọt lại không dễ. Ông Tỵ sau nhiều năm trồng đã đúc rút kinh nghiệm là nên cho cây ra hoa vào tháng 2 âm lịch, thu quả vào tháng 3, 4 âm lịch hàng năm sẽ tránh thời tiết khắc nghiệt và bán được giá cao đầu mùa.

Ông cũng là người vận động bà con phát tỉa cành tạo tán, tỉa quả xấu trên cây để dinh dưỡng nuôi quả đẹp hơn. Trước nay, bà con trồng truyền thống thường để cây mọc cành và trái tự do, quả ít dinh dưỡng nên nhiều quả còi cọc, vị nhạt.

Năm 2017, vườn măng cụt của ông Tỵ đạt chứng nhận VietGap, là vườn măng cụt kiểu mẫu của xã Thanh Tuyền. Nhiều hộ gia đình trong xã tới nhà ông học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây. Hiện, toàn xã trên 200 hộ làm kinh tế từ măng cụt với tổng diện tích hơn 50 ha, trong đó diện tích đã đạt chứng nhận VietGap là 22 ha.

Với 1,1 ha măng cụt Vietgap, mỗi năm ông Tỵ cung cấp cho thị trường các tỉnh Đông Nam Bộ khoảng 2 tấn trái, thu về hơn 100 triệu đồng. Giá bán tại vườn dao động từ 45.000 đồng đến 55.000 đồng một cân. 

Từ năm 2013 tới nay, ông Tỵ đều đặn mang măng cụt đi tham gia Hội thi trái cây ngon - an toàn Nam Bộ và đạt nhiều giải thưởng với các tiêu chí to tròn, màu tươi, ruột trắng, ít hạt, vị ngọt thanh.

Mong muốn của lão nông là bà con địa phương có thể phát triển kinh tế hơn nhờ loại cây này, đưa Thanh Tuyền trở thành vùng chuyên canh cây măng cụt lớn ở khu vực Đông Nam Bộ.

Xuân Chinh (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem