Lão nông mơ tự sản xuất thương hiệu "Chocolate made in Việt Nam"

Thứ sáu, ngày 09/03/2018 13:43 PM (GMT+7)
Kiên trì gắn bó với cây ca cao, đi học hỏi quy trình lên men ca cao, trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho một công ty chuyên sản xuất sôcôla hàng đầu Việt Nam. Và giấc mơ tự mình sản xuất thương hiệu “Chocolate made in Việt Nam” đang được ông Nguyễn Văn Ðoài viết tiếp.
Bình luận 0

img

Trong số khách hàng của ông Đoài, không ít người đến từ các tỉnh miền Tây - một trong những vùng trồng và chế biến ca cao ở hàng đầu cả nước.

“Ði ngược” bài toán chặt - trồngcách chế 

“Ở mình, chẳng có cây trồng nào thoát khỏi nghịch lý được mùa - mất giá, chẳng có người nông dân nào lại không vất vả trên con đường làm giàu từ mảnh đất cằn”, nông dân Nguyễn Văn Đoài (Thôn 4, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) bắt đầu câu chuyện của mình như thế.

Từ quê hương Tòng Bạt, Ba Vì, ông Đoài cùng hàng trăm đồng hương vào lập nghiêp ở đất Lâm Đồng từ những ngày đi kinh tế mới năm 1986. Sau những ngày bầu bạn với núi rừng, tự phát rẫy, làm nhà, đời sống dần dần trở nên khấm khá. 

Ông Phạm Doãn Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Lâm cho biết, vào giai đoạn 2009 - 2010, dự án “Phát triển sản xuất ca cao bền vững cho các nông hộ tại Việt Nam” (Success Alliance) với sự hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Từ đấy, người dân Hà Lâm cũng bắt đầu đưa vào trồng ồ ạt, chủ yếu là trồng xen trong vườn điều, vào lúc cao điểm lên đến 60 - 70 ha. Tuy nhiên, sau khoảng 3 - 4 năm, khi bắt đầu được thu hoạch thì giá ca cao tươi lại rất thấp, chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với trước đó. 

Trước “áp lực” của những cây công nghiệp lâu năm khác, không chỉ riêng xã Hà Lâm mà các nơi như ở Đạ Huoai, nông dân đồng loạt phá bỏ, chuyển sang trồng điều, sầu riêng với niềm tin rằng giá trị kinh tế cao hơn ca cao gấp nhiều lần. Đến nay chỉ còn một số ít gia đình tiếp tục duy trì với diện tích không đáng kể, chỉ một vài ha.

Đi ngược dòng với suy nghĩ ấy, ông Đoài quyết định không những không chặt bỏ, mà tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm và đi tìm “thầy” để học cách chế biến ca cao tươi, nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm của mình. 

Sau khóa học dài ngày ở Đắk Lắk, trở về Hà Lâm, ông bắt tay vào ủ lên men hạt ca cao cùng với chế biến rượu, bột ca cao. “Ca cao cũng là cây công nghiệp lâu năm như các loại cây trồng khác, không thể chỉ vì 1, 2 năm giá thấp mà mình chặt bỏ. Nếu đi đúng hướng thì cây nào cũng có thể mang lại giá trị bền vững”, ông Đoài nói.

“Quan trọng nhất trong quá trình chế biến là thời gian lên men, ém khí. Phải từ 12 - 15 ngày mới hoàn thành một mẻ hạt khô, nhưng nếu không đạt được tỉ lệ lên men theo yêu cầu thì bạn hàng sẽ không chấp nhận”, ông Đoài cho biết thêm.

Mỗi năm, gia đình ông đưa ra thị trường khoảng 20 tấn hạt ca cao khô, với giá trung bình 80.000 đồng/kg như hiện nay nhưng không đủ đáp ứng. Ông Đoài cho biết, đã phải từ chối rất nhiều đơn hàng bởi quy mô sản xuất thủ công không thể đáp ứng. Để có đủ nguyên liệu, ông Đoài phải tìm mua ca cao tươi từ nơi khác tận huyện Đam Rông, Cát Tiên và một số địa phương ở Đồng Nai. 

Trong số khách hàng của ông Đoài, không ít người đến từ các tỉnh miền Tây - một trong những vùng trồng và chế biến ca cao ở hàng đầu cả nước.

Giấc mơ “Chocolate made in Việt Nam”

Ông Đoài tự tay trồng, chăm bón; tự tay bóc tách, ủ từng hạt ca cao. Bước chân tham quan nhà máy cùng quy trình sản xuất và cầm trên tay, nếm thử vị đắng của thanh sôcôla được sản xuất từ nguyên liệu do mình cung cấp, ông không khỏi xót xa. 

“Với mỗi thanh sôcôla đó, giá trị cao hơn gấp chục lần hạt ca cao khô, cao hơn gấp trăm lần trái ca cao tươi mà người nông dân từng một thời tự tay phá bỏ”, ông ngậm ngùi.

Giới thiệu với chúng tôi về Samuel Maruta và Vincent Mourou, ông nói chuyện về hai người bạn rong ruổi khắp đất nước Việt Nam để đi tìm nơi có nguyên liệu ca cao ngon nhất. Họ là người tạo ra thương hiệu Marou Chocolate - “Loại sôcôla ngon nhất mà bạn chưa từng nếm thử”, như tờ báo New York Times bình luận.

Trong cái duyên gặp gỡ ấy, ông có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình. 

Qua nhiều lần kiểm tra, cùng với Tiền Giang, Bến Tre, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, sản phẩm hạt ca cao khô của ông ở Hà Lâm, Ðạ Huoai, Lâm Ðồng trở thành một trong 5 nguồn cung cấp được Marou đặt tên 5 loại hạt sôcôla của mình.

“Phía công ty luôn yêu cầu những hạt ca cao sạch nhất và chất lượng nhất. Họ trực tiếp kiểm tra từng mẫu, nếm thử từng hạt để chắc chắn rằng đó là nguyên liệu làm ra thanh sôcôla ngon nhất thế giới”, ông Đoài cho hay.

Những người bạn Nhật Bản, Đan Mạch,… thỉnh thoảng vẫn ghé thăm vườn ca cao của ông và không ngớt lời khen ngợi mẫu sản phẩm thuộc top 50 sản phẩm tốt nhất thế giới (mẫu sản phẩm được Công ty Marou Chocolate kiểm định chất lượng tại Pháp vào tháng 10/2015).

“Sản phẩm của mình tốt như vậy thì tại sao mình không thể làm ra được thanh sôcôla ngon, chất lượng phục vụ cho chính người dân của nước mình. Và chỉ có như vậy mình mới tiến đến việc quyết định thị trường, không phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới và đem lại lợi nhuận cho người nông dân trồng ca cao. Hiện trong khả năng của mình chỉ mới làm được như vậy. Tôi cũng mong một ngày có một Việt kiều nào đó trở về nước, hợp tác với mình để sản xuất ra  thương hiệu sôcôlaViệt Nam, như cái cách mà “Ông già sôcôla Việt Nam” - Bùi Durassamy đã làm”, ông Đoài trăn trở.

Hồng Thắm (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem