Ca cao Việt Nam được ví ngon nhất thế giới, dân vẫn chê ồ ạt phá bỏ

Thiên Hương Thứ năm, ngày 14/12/2017 18:45 PM (GMT+7)
Chỉ trong 5 năm, diện tích cây ca cao tại Việt Nam đã giảm đến 56%. Nguyên nhân khiến loại cây này thăng trầm liên tục là bởi giá hạt ca cao nguyên liệu giảm mạnh, năng suất thấp, nông dân không có lợi nhuận so với một số loại cây trồng khác như sầu riêng, bưởi, cà phê...
Bình luận 0

Đó là một trong những thông tin được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động Ban điều phối phát triển cây ca cao Việt Nam (VCC) năm 2017, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào ngày 13.12 vừa qua.

img

Người dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bên vườn ca cao đang cho thu hoạch. Ảnh: Thiên Hương

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có 11.559 ha diện tích ca cao, tăng 1.487 ha so với năm 2016. Trong đó, tập trung chủ yếu 15 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích ca cao đang cho thu hoạch chiếm khoảng 70% và diện tích trồng xen chiếm khoảng trên 90%. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chủ yếu trồng xen cây điều, còn tại ĐBSCL trồng xen dừa và cây ăn quả.

Tuy nhiên, tính từ năm 2012 đến nay, diện tích ca cao lại giảm 10.551 ha, tương ứng với 56%, mặc dù chất lượng hạt ca cao nguyên liệu trồng tại Việt Nam được các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà chế biến chocolate đánh giá là thơm ngon nhất thế giới. 

Nguyên nhân khiến diện tích ca cao giảm sâu là do giá cả biến động, có thời điểm xuống thấp, hiện nay chỉ còn dao động từ 4.500 - 5.000 đồng/kg; một số vùng trồng xen canh ca cao với cây ăn quả như bưởi, hồ tiêu..., đến khi cây ăn quả cho thu nhập ổn định, nông dân lại đốn bỏ ca cao.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu khiến năng suất giảm chỉ còn trung bình khoảng 7,5 tạ hạt khô/ha; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ca cao chưa xây dựng mối liên kết với nông dân nên người dân chưa yên tâm trồng ca cao.

img

Sơ chế ca cao tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thiên Hương

Theo quy hoạch phát triển cây ca cao được phê duyệt, đến năm 2020 sẽ tăng diện tích trồng đạt 50 nghìn ha, năng suất bình quân 12 tạ/ha. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đưa ra một số giải pháp chủ yếu là: các địa phương bổ sung cây ca cao vào đối tượng cây trồng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi, từ sản xuất, chế biến, đến tiêu dùng…

Tại hội nghị, Ban điều phối phát triển cây ca cao Việt Nam cho biết, trong năm 2018, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 21 câu lạc bộ ca cao ASEAN. Do vậy, VCC sẽ tập trung vào công tác thống kê chính xác lại diện tích ca cao, xây dựng các mô hình để các đoàn khách quốc tế sẽ tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Hơn nữa, thông qua đó sản phẩm ca cao Việt nam cũng có dịp quảng bá về vùng trồng cững như chất lượng ra khu vực và thế giới. Đồng thời, năm tới VCC sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ các địa phương phát triển ca cao theo hướng chất lượng, trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi, từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem