Mặc dù thoát thất bại vụ tôm tết năm ngoái trong “đường tơ kẽ tóc”, nhưng vụ tôm tết năm nay ông Ba Tự (Phan Văn Kiếu, xã Tân Chánh, Cần Đước) vẫn quyết định “đánh” tiếp. Động lực để ông tiếp tục rót tiền đầu tư là vụ tôm mới đây ông thu hoạch được 10 tấn tôm thẻ, lãi hơn 700 triệu đồng.
“Đánh cược” với rủi ro
Thời điểm này, nông dân nuôi tôm ở xã Tân Chánh - vùng nuôi tôm chủ lực của tỉnh Long An đã bước vào vụ tết. Gần 1.000ha diện tích nuôi tôm ở đây đã được nông dân thả đầy giống. Đi đâu cũng thấy máy tạo oxy trong ao sủi bọt trắng xóa.
Hàng loạt ao tôm đang được thả nuôi ở Tân Chánh chuẩn bị cho thị trường Tết năm 2019. C.L
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An - ông Phạm Phú Hùng cho rằng, để hạn chế rủi ro, nông dân nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước, quan trắc trước khi thả nuôi. Trong quá trình nuôi, cần giám sát tình hình dịch bệnh, nắm vững kỹ thuật và áp dụng những tiến bộ khoa học vào nuôi tôm; quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày, cần bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi…
|
Ông Ba Tự đứng trong chòi nhìn chăm chăm ao tôm mới thả giống khoảng nửa tháng. Vụ tết này ông chuẩn bị 2 ao tôm rộng khoảng 5.000m2. Khoản lãi tôm hơn 700 triệu đồng mới đây như liều doping kích thích ông lao vào vụ tôm tết, bất chấp vụ năm ngoái từng dính thua lỗ.
Nhiều nông dân có kinh nghiệm cho biết, thời gian cuối năm nuôi tôm sẽ gặp rủi ro cao. Nhiệt độ lạnh là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên tôm phát triển mạnh. Chưa hết, mấy năm nay, giá tôm không ổn định cộng thêm tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều dịch bệnh khiến không ít hộ nuôi tôm thua lỗ nặng nề.
Ông Ba Tự cũng thừa nhận, dịch bệnh trên tôm đang phát sinh rất khó lường. Sau khi bùng phát bệnh đốm trắng, giờ lại xuất hiện bệnh đốm đen. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng với việc được hỗ trợ khoa học công nghệ, cũng như nông dân ngày càng có kinh nghiệm trong việc nuôi tôm, dịch bệnh trên tôm sẽ được hạn chế tối đa, từ đó rủi ro sẽ giảm thiểu.
Trong khi đó, tại xã Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ), ông Mai Bá Phước đang tất bật chăm sóc 0,5ha tôm cho vụ tết. Ông Phước cho biết, nuôi tôm vụ này thường rủi ro cao, do khoảng thời gian gần tết, nhiệt độ hạ thấp, nguy cơ dịch bệnh nhiều. Tuy nhiên, do dự đoán đầu ra ổn định và giá thành cao hơn so với những vụ trước nên ông “đánh cược” với thời tiết, đầu tư nuôi tôm vụ nghịch.
“Hiện tôm của tôi đã được gần 20 ngày. Thời tiết những ngày đầu đông khá thuận lợi, nếu thành công, vụ tôm này gia đình tôi sẽ thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Hy vọng được mùa, trúng giá” - ông Phước chia sẻ.
Anh Huỳnh Thanh Hải - nông dân đang nuôi tôm tại xã Tân Chánh cho biết thêm, nếu vụ tôm nuôi thành công, mỗi kg tôm bán vào dịp tết sẽ lời thêm được 5.000 - 10.000 đồng. Nhưng nếu thất bại người nuôi tôm có thể mất trắng hàng trăm triệu đồng. “Với nông dân nuôi tôm như đánh bài, thành bại khó lường lắm” - anh thổ lộ.
Chính quyền lo… bọc lót
Một số cơ quan chức năng tỉnh Long An cho biết không khuyến khích nông dân nuôi tôm vụ tết. Còn nhớ vụ tôm tết năm ngoái, trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, nông dân nuôi tôm ở Long An phải bán “chạy” hàng chục ha tôm do bùng phát bệnh đốm trắng.
Nhiều ao tôm đã đến thời điểm bán, nhưng nông dân vẫn găm hàng chờ giá tốt trong dịp tết. Ảnh: Trần Đáng
Ông Nguyễn Văn Sáu (Tân Chánh) đang lo hùi hụi cho ao tôm có cỡ 40 con/kg đang chờ vào tết. Theo ông Sáu, nếu bán tôm ngay lúc này, ông cầm chắc lãi nửa tỷ đồng. “Tui đang ép cỡ tôm xuống 30 con/kg cho dịp Tết Nguyên đán. Tôm càng lớn giá trị càng cao. Tui tính, nếu đến tết, tôm cỡ 30 con/kg sẽ có giá thấp nhất cũng là 160.000 đồng/kg. Nhưng từ nay đến tết chẳng ai biết dịch bệnh sẽ bùng phát bất cứ lúc nào” - ông Sáu nói giọng lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Chương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Đước cũng bày tỏ sự lo lắng việc mấy năm nay, giá tôm không tốt, hiện giá bắt đầu đang ngoi lên; tuy nhiên thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên tôm phát sinh khiến nhiều nông dân nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.
“Hiện trên địa bàn huyện có 1.900ha ao tôm. Để hỗ trợ nông dân nuôi tôm thành công, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn người nuôi tôm khử trùng ao nuôi, hỗ trợ thuốc xử lý nguồn nước, xử lý ao, hồ theo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi nhằm tránh dịch bệnh” - ông Chương thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.