Lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng
Lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng
Khương Lực
Thứ ba, ngày 27/10/2020 11:54 AM (GMT+7)
Sáng 27/10, hai đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban chỉ đạo và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực dẫn đầu đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với bão số 9 tại các tỉnh từ Bình Định đến Đà Nẵng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng để ứng phó với cơn bão số 9.
Dự kiến trong ngày 28/10, bão số 9 sẽ đổ bộ đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-115km/giờ), giật cấp 15.
Bão có gió giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dự kiến trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-115km/giờ), giật cấp 15.
Từ trưa và chiều ngày 27/10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.
Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Lên kế hoạch sơ tán hơn 570.000 dân, đảm bảo an toàn tàu, hồ đập
Đến 6h sáng 27/10, các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Phú Yên đã rà soát chuẩn bị kế hoạch sơ tán khoảng 147 nghìn hộ dân với hơn 571 nghìn người đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu với 229.290 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện có 194 tàu với 1.305 lao động đang hoạt động trong vùng nguy hiểm từ 11-18 độ vĩ Bắc; tây 118 độ kinh Đông. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đối với công tác tìm kiếm cứu nạn 12 công nhân đang bị mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 sau 1 ngày gián đoạn đã được nối lại vào ngày hôm qua.
Bộ Quốc phòng đã cử 2 đoàn công tác vào Đà Nẵng và Khánh Hòa để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng để chỉ đạo ứng phó bão số 9. Đồng thời, có Công điện khẩn chỉ đạo quân khu 4, 5, các quân binh chủng gồm: hải quân, biên phòng và phòng không không quân và quân đoàn 3 triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó bão.
Theo Tổng cục Thủy lợi, ở khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, đã tích 75-95% dung tích; trong đó có 55 hồ xung yếu, 41 hồ đang thi công.
Tại Nam Trung Bộ có 517 hồ, đã tích 30-90% dung tích, trong đó có 26 hồ xung yếu và 32 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ, đã tích 75-96% dung tích, trong đó có 41 hồ xung yếu và 43 hồ đang thi công và 1 hồ đang xả tràn.
Phía Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp thủy điện từ Nghệ An đến Phú Yên đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão số 9. Đã cử cán bộ đoàn công tác phối hợp cùng Sở chỉ huy tiền phương kiểm tra hồ thủy điện từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Tại cuộc họp chủ động ứng phó bão số 9, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nêu rõ, các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai không chủ quan trong ứng phó bão số 9.
Cần chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật diễn biến bão số 9 để phục vụ công tác chỉ đạo và tham mưu địa phương trong ứng phó bão.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới
Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.