Đến năm 2030 có 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT), thời gian qua Việt Nam đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cả nước, chỉ có một vài ổ dịch nhỏ lẻ, còn tuyệt đại đa số (trên 99,9%) trong tổng đàn trên 550 triệu con gia cầm là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh.
Các tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ có tỉ lệ chăn nuôi đứng đầu cả nước đã hình thành các chuỗi, các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh rất tốt, trên toàn quốc chúng ta có trên 920 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Về cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người ở phạm vi cả nước nói chung, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.
Tuy vậy, đến nay cả nước vẫn chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Để làm được điều này, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của OIE và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.
"Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật".
Ông Phùng Đức Tiến
Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí đầu tư để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho việc duy trì các hoạt động thú y nhằm xây dựng, duy trì vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh. Ưu đãi đối với công tác hỗ trợ xây dựng hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các doanh nghiệp đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh thì cần tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm, bảo đảm yêu cầu tiến tới công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, theo tiêu chuẩn của OIE đối với các cơ sở chăn nuôi hướng đến xuất khẩu.
Đối với các đơn vị có nhu cầu xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương để lập kế hoạch và triển khai xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi và các địa phương xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; ban hành các tiêu chí kỹ thuật cụ thể đối với từng thành phần của chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để các đơn vị làm căn cứ áp dụng, tự kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch;
Hỗ trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong việc xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn của OIE và yêu cầu của các nước; phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm xây dựng thành công chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE để có thể xuất khẩu sang các nước.
"Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan" - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hiện Bộ NNPTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án ưu tiên về vùng an toàn dịch bệnh giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.