Mỗi năm Việt Nam bố trí trên 500 tỷ đồng cho phòng chống dịch bệnh động vật

Trần Quang Thứ sáu, ngày 23/06/2023 15:25 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hàng năm Việt Nam bố trí khoảng trên 500 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật như: Đầu tư hạ tầng, thiết bị phục vụ chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật; tổ chức giám sát một số bệnh truyền nhiễm; mua sắm vật tư, hóa chất chống dịch…
Bình luận 0
Mỗi năm Việt Nam bố trí trên 500 tỷ đồng cho phòng chống dịch bệnh động vật - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hàng năm Việt Nam bố trí khoảng trên 500 tỷ đồng/năm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Ảnh: TQ

56/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đề án ngành thú y

Phát biểu tại hội nghị "Tư vấn hỗ trợ triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030" tổ chức ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”, ngành thú y đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y.

Cùng với đó, tổ chức xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định; Bộ NNPTNT ban hành 6 Thông tư. Ngay sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, Bộ tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện: Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch quốc phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 - 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030; Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểmtrên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030.

Bộ NNPTNT cũng chú trọng kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp. Đến nay, các đơn vị trực thuộc Cục Thú y tiếp tục được duy trì ổn định và đã được Chính phủ, Bộ NNPTNT đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; đặc biệt 2 phòng thí nghiệm chủ lực sẽ sớm được công nhận đạt phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.

Tại địa phương, đến hết tháng 5/2023, tổng cộng đã có 56 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đề án ngành thú y. Trong đó, 13 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác; 33 địa phương đã sáp nhập Trạm Thú y cấp huyện với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp/Phòng kinh tế do UBND cấp huyện quản lý.

Một tỉnh đã thành lập lại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp tỉnh; 5 tỉnh đã thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/ Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện; 9 tỉnh đã có đề án thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện. Tổng số hiện có hơn 16.000 người làm công tác thú y tại các địa phương.

Mỗi năm Việt Nam bố trí trên 500 tỷ đồng cho phòng chống dịch bệnh động vật - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi, tư vấn các giải pháp cho Việt Namtriển khai Đề án ngành Thú y tại hội nghị. Ảnh: TQ

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, hàng năm, Việt Nam bố trí tổng cộng trên 500 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD) để triển khai các nhiệm vụ thú y và Đề án ngành Thú y, cụ thể: Ngân sách Trung ương: Chính phủ đã phân bổ khoảng 150 tỷ đồng để đầu tư "Nâng cấp phòng thí nghiệm thú y quốc gia đạt chuẩn an toàn cấp độ III và cơ sở nuôi động vật sạch bệnh"; Bộ NNPTNT bố trí khoảng 20 tỷ đồng/năm để triển khai một số nhiệm vụ của Đề án.

Ngân sách địa phương bố trí kinh phí khoảng trên 500 tỷ đồng/năm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật như: đầu tư hạ tầng, thiết bị phục vụ chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật; tổ chức giám sát một số bệnh truyền nhiễm; mua sắm vật tư, hóa chất chống dịch…

Trong 2 năm 2021 - 2023, các tổ chức quốc tế, các nước đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai 5 nội dung chính. Đó là: Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật; Các hoạt động giám sát, cảnh báo và kiểm soát kháng thuốc; Các hoạt động của Khung đối tác Một sức khỏe.

Ngoài ra, là việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vaccine quan trọng, nhất là vaccine phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đào tạo, tập huấn chuyên môn, nhiệm vụ cho hơn 200 người...

Mỗi năm Việt Nam bố trí trên 500 tỷ đồng cho phòng chống dịch bệnh động vật - Ảnh 4.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, sự phát triển kinh tế khiến Việt Nam đối diện nhiều mối đe dọa liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi như dịch bệnh trên động vật, bệnh dịch mới nổi, đặc biệt là những bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ảnh: TQ

Các bên liên quan phải cùng vào cuộc

Trao đổi với các đại biểu, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, sự phát triển kinh tế khiến Việt Nam đối diện nhiều mối đe dọa liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi như dịch bệnh trên động vật, bệnh dịch mới nổi, đặc biệt là những bệnh lây truyền từ động vật sang người.

"Việc kiểm soát dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu thực phẩm vẫn cần đảm bảo cách tiếp cận Một sức khỏe", bà cho biết.

Đánh giá cao đề án ngành thú y đang được Việt Nam triển khai, bà Tamesis coi đây là một trong những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo phúc lợi và an ninh lương thực cũng như sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Bà hy vọng cộng đồng quốc tế cũng như là tổ chức Liên Hợp quốc cùng tham gia đóng góp vào chiến lược "Một sức khỏe", sự hỗ trợ này sẽ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và thú y mà chúng ta còn đảm bảo cách thức tiếp cận Một sức khỏe, đặc biệt là việc chiến đấu chống lại tình trạng kháng thuốc, kháng kháng sinh hiện nay. Bởi với một hệ thống thú y phát triển thì chúng ta có thể đảm bảo được an toàn thực phẩm, an ninh lương thực và đảm bảo "không một ai bị bỏ lại phía sau".

Chia sẻ  tại hội nghị, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO Thanawat Tiensin cho hay: Nhu cầu về đạm động vật trên toàn cầu tăng nhanh trong khoảng 30 năm nữa. Cụ thể, đến năm 2050, nhân loại sẽ cần thêm 22% thịt, 14% sữa và khoảng 15% trứng so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tại châu Á tăng nhiều nhất, còn châu Âu và châu Đại Dương gần như ít biến động.

Trong bối cảnh đó, ngành chăn nuôi vẫn gặp nhiều thách thức. Theo ông Tiensin, một số vấn đề chính là nhiều dịch bệnh xuyên biên giới xuất hiện và hoành hành, các quốc gia ở các khu vực khác nhau có nhu cầu khác hẳn nhau cấu trúc, thành phần bữa ăn.

Mỗi năm Việt Nam bố trí trên 500 tỷ đồng cho phòng chống dịch bệnh động vật - Ảnh 3.

Thông qua hội nghị, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO Thanawat Tiensin kêu gọi các bên liên quan cùng vào cuộc, thúc đẩy chăn nuôi bền vững từ cấp địa phương. Ảnh: TQ

Chuyên gia của FAO khẳng định: Xu hướng chăn nuôi phát triển mạnh tại các khu vực châu Á, châu Phi - những nơi có nhiều nước đang phát triển và chưa triển khai đồng bộ được các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.

Bên cạnh những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi, toàn thế giới vẫn đang phải chống chịu và giải quyết nhiều vấn đề khác như xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm động vật. "Những điều ấy đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tái cấu trúc theo hướng bền vững, không gây tác động đến môi trường, giảm phát thải, đảm bảo vệ sinh, an toàn môi trường", ông Thanawat Tiensin nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất nhiều. Do đó, ông Thanawat Tiensin đề nghị Việt Nam "cần có chương trình hành động mạnh mẽ ở cấp quốc gia để thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu".

Thông qua hội nghị, chuyên gia của FAO kêu gọi các bên liên quan cùng vào cuộc, thúc đẩy chăn nuôi bền vững từ cấp địa phương. 

Tại hội nghị, ông Thanawat Tiensin cũng tư vấn cho Việt Nam 3 giải pháp triển khai đề án ngành Thú y: Một là, xây dựng chương trình lồng ghép sự tham gia của nhiều bên. Hai là, triển khai các biện pháp thực hành tốt để ngành chăn nuôi trong nước có thể áp dụng chung trên diện rộng. Ba là, xây dựng chính sách cấp quốc gia để thúc đẩy, thu hút đầu tư từ khối ngoại.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án ngành Thú y, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác trên 9 nhóm công tác chính.

Thứ nhất, tổ chức triển khai có hiệu quả 6 Chương trình, Kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt bệnh truyền lây qua biên giới, bệnh lây sang người, dịch bệnh mới nổi, có nguy cơ phát sinh trong tương lai.

Thứ hai, chủ động phòng bệnh với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất đó là xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững cho người dân Việt Nam.

Thứ ba, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các phòng thí nghiệm chủ lực để củng cố năng lực giám sát dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất, đánh giá các loại vacxin phòng bệnh.

Thứ tư, chuyển giao khoa học, công nghệ, nguyên vật liệu và chuyên gia để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vacxin, nhất là các vacxin quan trọng như cúm gia cầm, dại, dịch tả lợn Châu Phi và các vacxin phòng bệnh thủy sản.

Thứ năm, nâng cao năng lực, thiết kế và tổ chức giám sát, cảnh báo nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng kháng thuốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thú y; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y; thiết lập hệ thống trực tuyến kết nối hệ thống thú y các cấp để phục vụ đào tạo, tập huấn, chỉ đạo điều hành trong công tác thú y.

Thứ bảy, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thú y cho các cán bộ ngành Thú y Việt Nam, đặc biệt về dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh; phân tích nguy cơ trong xuất khẩu, nhập khẩu động vật; kiểm soát sử dụng thuốc, kháng thuốc, bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Thứ tám, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước về công tác thú y; lựa chọn Việt Nam để tổ chức các sự kiện quan trọng của ngành Thú y thế giới, về phòng, chống dịch bệnh động vật, phòng, chống kháng thuốc và về Một sức khỏe.

Thứ chín, rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về thú y.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem