Lấy loại cau rừng có cái tên lạ làm đũa, nông dân Hà Tĩnh “vót" ra tiền

Tập Thỏa Thứ ba, ngày 07/12/2021 15:51 PM (GMT+7)
Người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) từ lâu nổi tiếng với sản phẩm đũa độc đáo từ cây cau rừng (cau nàng rưng). Đôi tay khéo léo của người dân đã làm ra những đôi đũa cau rừng bóng, đẹp đang gấp rút cung ứng ra thị trường cuối năm.
Bình luận 0

Clip: Người dân Hà Tĩnh làm đũa cau rừng nhộn nhịp ngày cuối năm.

Nghề làm đũa cau rừng (cau nàng rưng) ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có tuổi đời hơn 20 năm. Thời gian đầu chỉ có một vài hộ trong xã làm, thấy hiệu quả kinh tế cao nên đã có nhiều gia đình trong xã đến học nghề.

Đến nay, toàn xã Phúc Trạch có hơn 20 hộ làm đũa cau rừng, tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 3. Làm đũa cau rừng giúp bà con có việc làm lúc nông nhàn, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn.

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 2.

Theo anh Đoàn Phương Hải (trú tại xóm 3, xã Phúc Trạch, Hương Khê) khâu vót đũa cau rừng đòi hỏi khéo léo, cẩn thận. Ảnh: PV

Anh Đoàn Phương Hải (trú thôn 3 xã Phúc Trạch, Hương Khê), cho biết: So với đũa tre, đũa cau rừng cứng, bền và an toàn hơn. Đũa tre khi dùng một thời gian sẽ bị mốc còn đũa cau rừng sau khi phơi khô sẽ không còn hiện tượng đó nữa. Thân cau rừng được cưa thành từng đốt nhỏ bằng chiếc đũa rồi vót tròn, sau đó phơi khô và cuối cùng đánh bóng bằng lá chuối rừng là thành phẩm. 

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 3.

Cau rừng được người đan chặt về, để rút nước, sau đó tiến hành chẻ, vót đũa. Ảnh: PV

"Trung bình mỗi ngày tôi làm được khoảng 200 đôi đũa cau rừng, được bán với giá từ 4.500-5.000đồng/đôi. Cứ cận kề Tết Nguyên đán, lượng khách đặt đũa càng lớn, chúng tôi phải tranh thủ làm cả ngày mới đủ giao cho khách", anh Hải cho biết.

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Thu (trú tại xóm 3, xã Phúc Trạch, Hương Khê) đang chăm chú vót đũa cau rừng. Ảnh: PV

Chị Nguyễn Thị Thu (trú tại xóm 3, xã Phúc Trạch), cho hay: "Ngoài lúc làm đồng áng, chúng tôi thường làm đũa cau rừng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cây cau rừng dài khoảng 2m, mua với giá 100.000 đồng/cây, làm được khoảng 50 đôi đũa. Mỗi ngày, tôi làm được 160 – 200 đôi đũa, bán với giá 5.000-7.000 đồng/đôi".

Nhờ có việc này, mà gia đình tôi có thêm thu nhập để nuôi con ăn học, mua sắm đồ đạc cho gia đình".

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 5.

Cây cau rừng được cưa ra làm nhiều đoạn dài 25-30 cm. Ảnh: PV

Người dân làm nghề cho biết, để cho ra một đôi đũa chất lượng phải làm từ cây cau rừng trên 20 tuổi, cao khoảng 7m, đường kính thân khoảng 20-30cm. Tuy nhiên, phần làm đũa cau rừng chỉ lấy 2m tính từ gốc cây, vì có độ cứng, nhẵn phù hợp.

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 6.

Công đoạn chẻ cau rừng thành từng thanh nhỏ, đều. Ảnh: PV

Cau nàng rưng được người dân lấy từ các khu rừng thuộc huyện như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Mỗi lần đi khai thác cau rừng, người dân phải đi khoảng 3 ngày mới thu hoạch được một bó 20 đoạn (mỗi đoạn từ 1,8m-2m).

Những người không trực tiếp khai thác sẽ mua thân cau rừng với giá 100.000-120.000 đồng, với chiều dài từ 1,8m-2m/cây. 

Thân cây cau khi cưa về được chia thành từng đốt nhỏ bằng chiếc đũa sau đó: chẻ, đẽo, bào phả, bào trau, mít, chà, phơi khô... cuối cùng đánh bóng bằng lá chuối rừng.

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 7.

Người dân dùng bào nhỏ để vót đũa. Ảnh: PV

Đũa cau rừng vót xong thường được sấy bằng than củi để tránh đũa mốc, không phơi dưới trời nắng lớn sẽ làm đũa cong, vênh. Sau đó người dân dùng lá chuối rừng để đánh bóng đũa, vì lá chuối có đặc tính dai, khó bị vụn trong quá trình đánh bóng đũa.

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 8.

Đũa cau rừng vót xong, được người dân sấy bằng than củi, không phơi dưới trời nắng to, tránh đũa cong, vênh. Ảnh: PV

Người dân Hà Tĩnh “vót tiền” bằng cau rừng làm đũa - Ảnh 9.

Đũa cau rừng cứng, không ngấm nước, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trạch, cho biết: "Nghề làm đũa cau rừng ở xã Phúc Trạch đã có tuổi đời hơn 20 năm. Lúc đầu chỉ một vài hộ làm nhưng đến nay toàn xã có hơn 20 hộ làm đũa cau rừng, tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 3. Bà con tranh thủ những lúc việc đồng áng đã xong để làm đũa cau rừng giúp nâng cao kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương".

"Trước mắt địa phương đang xây dựng thương hiệu đũa cau Phúc Trạch và hướng tới hoàn tất thủ tục, hồ sơ để thi sản phẩm OCOP vào năm sau. Vấn đề khó khăn nhất khi xây dựng sản phẩm OCOP là nguồn nguyên liệu không đảm bảo. Nếu được đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đũa cau rừng của bà con sẽ có chỗ đứng trên thị trường, nguồn đầu ra ổn định hơn" - ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trạch nói.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem