Dẻo dai như nghề mây tre đan

Đình Trọng- A.T Thứ hai, ngày 13/04/2015 17:25 PM (GMT+7)
Bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ của đồ nhựa, đồ sứ..., nghề làm đồ dùng bằng mây tre đan vẫn phát triển mạnh mẽ. Ngày càng có thêm nhiều tổ hợp tác sản xuất được hình thành sau các lớp dạy nghề này liên tục được mở ra. 
Bình luận 0

Nghề phụ thu nhập chính

Làng nghề mây tre đan thôn Cộng Hoà, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã có từ lâu đời. Hiện cả thôn có khoảng 70 hộ dân theo nghề này. Thị trường tiêu thụ các mặt hàng ở đây không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên…

img
Cơ sở mây tre đan của anh Nguyễn Tấn Sinh ở thôn Cộng Hoà đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động. Ảnh: Đình Trọng
 Anh Lương Minh Trung, người làm nghề lâu năm ở đây cho biết: “Làm nghề này một người trung bình cũng kiếm được 100-150 nghìn đồng/ngày. Có việc đều thì có thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Xây nhà, mua xe, nuôi con ăn học... đều nhờ nghề này hết”. Với mức thu nhập ổn định như vậy, nghề này vẫn bền bỉ truyền từ đời này sang đời khác. Ở Cộng Hòa có nhiều gia đình có 5 - 6 thế hệ liên tiếp làm nghề mây tre đan. Nhiều gia đình đã thành lập cơ sở sản xuất lớn đào tạo nghề cho người dân. Anh Nguyễn Tấn Sinh- một chủ xưởng cho biết, năm 2010 Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện cho gia đình anh vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân 100 triệu đồng để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 10 lao động ở địa phương.

Nhân rộng ra nhiều vùng

Nếu như ở Cộng Hòa, người dân có “sẵn nong sẵn né” là tay nghề được truyền từ ông cha thì ở nhiều vùng khác, Hội Nông dân đang đóng vai trò là cầu nối mở nghề. Trong 3 năm (2012-2014), Hội Nông dân huyện Yên Thành (Nghệ An) phối hợp mở được 148 lớp cho 5.180 lao động, trong đó có hàng chục lớp dạy nghề mây tre đan. Tính trên địa bàn thì nghề mây tre đan đã tạo việc làm cho khoảng 1.550 lao động.

Xu hướng này cũng thể hiện khá rõ ở Bắc Ninh. Cụ thể như ở xã Bồng Lai (huyện Quế Võ), sau các khóa học nghề chỉ vỏn vẹn 3 tháng do Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề tỉnh tổ chức, hơn 100 hộ dân ở đây đã làm nghề và nhân rộng được nghề trong xã. Chị Trần Thị Thoa, thôn Tân Thịnh tâm sự: “Chúng tôi học nghề 3 tháng là làm thành thạo các sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều được Công ty TNHH Mây tre đan xuất nhập khẩu Ngọc Quyết bao tiêu thu mua với giá cả ổn định”.

Đến nay, nghề mây tre đan tiếp tục lan rộng ra những xã lân cận như: Việt Hùng, Việt Thống, Cách Bi...

 Trong 5 năm thực hiện Đề án 1956 về Dạy nghề cho lao động nông thôn, đã có hàng ngàn lớp dạy nghề mây tre đan được tổ chức với trình độ sơ cấp 3 tháng gắn với nhu cầu phát triển vùng sản xuất vệ tinh (của các làng nghề có sẵn hoặc các doanh nghiệp). Thực tế cho thấy, nơi nào được hỗ trợ vốn, hỗ trợ tìm đầu ra thì lao động có thể sống được bằng nghề phụ này.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem