Bố mẹ em ngại lắm. Lúc nào mẹ em muốn mời con rể ở lại ăn cơm, đều phải gọi em vào, dò hỏi ý tứ rồi mới trịnh trọng mời. Nhưng cũng hãn hữu anh ấy mới ở lại. Em có cằn nhằn thì anh ấy bảo: "Dâu con, rể khách, anh chỉ làm tròn bổn phận". Em rất buồn. Liệu có cách gì làm chồng em thay đổi quan niệm?
Bích Hồng (Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Việc người chồng giữ thái độ khách sáo, giữ kẽ với gia đình nhà vợ là do quan niệm "dâu con, rể khách" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Điều đó khiến các bà vợ thường chạnh lòng, tủi thân.
Tuy nhiên, cũng phải công bằng nhìn nhận rằng đàn ông vốn đã không cởi mở, luôn "cảnh giác" và "thủ thế" không hẳn chỉ với gia đình vợ. Ngay trong gia đình nhà mình, với cả vợ mình, nếu như không có nhu cầu thông tin, nhiều chàng cũng ít nói, ít tâm sự.
Cũng có người, ngay từ hồi mới giáp mặt bố vợ, đã bị bố vợ phủ đầu, chê trách, so sánh những việc làm của mình. Những lần sau đương nhiên anh ta sẽ "thủ thế", "kính nhi viễn chi" để giữ an toàn cho mình. Vì thế, em đừng vội quy kết chồng bạc tình, không yêu vợ mà nên tìm hiểu nguyên nhân.
Lúc chồng em trở nên khép kín thì em cũng nên có mặt, gợi chuyện gì đó trong lĩnh vực chồng thông thạo để chồng có hứng khởi nói chuyện, thể hiện bản thân. Tỏ thái độ thân thiện, gần gũi và khen ngợi, chắc chắn chồng em sẽ cảm thấy vui vẻ hơn. Em cũng có thể khéo léo "khoe" vài thành công của chồng để bố có điều kiện cổ vũ, động viên, khen ngợi, đồng thời chỉ việc cho chồng giúp bố mẹ vợ một số việc trong nhà như sửa ống nước, chữa đường điện...
Tất nhiên, phải là những việc chồng giỏi giang, thông thạo để anh ấy liên tục "ghi điểm" với bố mẹ vợ. Những niềm vui nho nhỏ này sẽ khiến chồng em tự tin, dễ hoà đồng hơn. Cũng nên thường xuyên trò chuyện với chồng về những người thân trong gia đình, những kỷ niệm, những niềm vui, nỗi buồn mà gia đình em đã trải qua, khiến mọi người gắn kết, yêu thương nhau. Chồng em sẽ hiểu và trân trọng hơn, sẽ mong muốn trở thành một thành viên trong gia đình như vậy.
Tơ Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.