Ngày 15.8, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH - CĐ để lấy ý kiến về kỳ thi quốc gia.
Không tin vào chất lượng
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, các điểm cơ bản của kỳ thi quốc gia chung sẽ được thực hiện bằng 1 trong 3 phương án thi đã được Bộ GDĐT đưa ra để lấy ý kiến. Ngoài ra, việc tổ chức thi, chấm thi sẽ theo các cụm ở từng tỉnh, từng vùng; cán bộ chấm thi gồm giảng viên ĐH và giáo viên phổ thông. Theo kỳ thi chung này, các trường ĐH-CĐ sẽ không áp dụng các khối thi A, B, C, D… như trước nữa mà phải thông báo những môn thi, bài thi sẽ được sử dụng kết quả để xét tuyển vào các ngành cho thí sinh biết, trước khi thí sinh bước vào kỳ thi quốc gia chung.
Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, xu hướng tích hợp để có 1 kỳ thi nhằm 2 mục đích là một bước đi quan trọng, nó có thể làm thay đổi toàn diện công tác tuyển sinh trong thời gian tới. Tuy nhiên, 3 phương án thi của Bộ đưa ra vẫn còn khá nặng nề về kiến thức. Trong đó, việc tổ chức thi tại địa phương sẽ khiến cho các trường ĐH không thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển: “Tôi tin rằng sẽ có nhiều trường phải tiến hành đánh giá riêng để yên tâm hơn với chất lượng đầu vào trường mình” – ông Sơn nói.
Cùng chung lo lắng, ông Phan Huy Chú – Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho biết, một vài năm tới các trường ĐH chưa thể thực sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi chung được tổ chức tại địa phương, kể cả Bộ có huy động lực lượng từ các trường ĐH tham gia trông thi. Ông Chú đề xuất: “Nên giao cho các trường ĐH-CĐ đảm nhiệm việc coi thi và chấm thi. Thí sinh nào có nhu cầu thi để xét tuyển ĐH thì phải tập trung thi tại các trường ĐH, còn thí sinh nào chỉ thi để lấy chứng chỉ tốt nghiệp có thể thi tại các cụm thi ở địa phương”.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội- ông Nguyễn Hữu Tú thì khẳng định rằng, chắc chắn các trường ĐH khối y – dược sẽ có phương án thi riêng để đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình bên cạnh việc “tham khảo” kết quả của kỳ thi quốc gia: “Sinh viên của trường y cần phải chọn những người giỏi, thậm chí phải giỏi nhất. Vì vậy, chúng tôi cần có cách tuyển đầu vào thích hợp để lựa chọn được người có năng lực thực sự” – ông Tú nói.
Đại học đừng “chĩa súng” vào phổ thông
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng trên bình diện một người dân đặt vấn đề với Bộ GDĐT, rằng: “Người dân chỉ quan tâm làm sao cho kỳ thi rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê, dân đỡ vất vả. Và phải thi thế nào để con cháu người ta có động lực học?”.
Ông Trần Văn Nam -
Giám đốc ĐH Đà Nẵng
Nếu kỳ thi chung tổ chức thi tại cụm thì cán bộ coi thi phải là 1 giáo viên phổ thông, 1 giáo viên ĐH. Thanh tra phải là thanh tra của Bộ và các trường ĐH thì mới… tạm yên tâm được”.
Còn ông Nguyễn Đình Tư – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây bày tỏ: “Thực sự là hiện nay, cả xã hội đang rất chán ngán với việc thi cử của chúng ta. Có người còn gọi Bộ GDĐT của ta là Bộ tuyển sinh. Các kỳ thi thay đổi liên tục, rất tốn kém và gây hoang mang”. Ông Tư cho rằng, hiện nay tất cả các nước trên thế giới đều chấp nhận bằng tốt nghiệp THPT của ta, bằng chứng là việc học sinh học hết cấp 3 đi du học rất dễ dàng. Trong khi đó, chính bản thân ta lại “chê” sản phẩm đào tạo của mình? “Đối với đào tạo ĐH, phải quan tâm đến việc kiểm soát đầu ra, kiểm soát quá trình đào tạo chứ không nên chỉ chăm chăm vào việc thi đầu vào thế nào? Những năm 1965 – 1970 nước ta làm gì có thi ĐH nhưng vẫn có hàng loạt GS-TS, những nhà khoa học giỏi”– ông Tư nói.
Giải đáp những hoài nghi của lãnh đạo các trường ĐH xung quanh chất lượng của kỳ thi chung, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, khi phương án của kỳ thi quốc gia chung được phê duyệt, khối các trường ĐH và khối phổ thông cần phối hợp chặt chẽ và tin tưởng nhau: “Giống như khi ra trận, chúng ta là những tư lệnh, chúng ta phải tin rằng các chiến sĩ ngoài kia đang chĩa súng vào địch, chứ đừng lo họ đang chĩa súng vào mình. Nếu các trường ĐH là những quả đấm thép thì hãy coi khối phổ thông là bộ đội địa phương”– ông Luận ví von.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.