Xã Yên Lập (Vĩnh Tường) nổi tiếng với nghề ương cá giống. Nhiều năm nay, gần Tết Nguyên đán, nhiều hộ nuôi cá chép đỏ phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân vào ngày 23 tháng Chạp.
Trung bình, mỗi năm, xã cung ứng ra thị trường từ 5-7 tấn cá chép đỏ phục vụ Lễ cúng ông Công ông Táo. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều thương lái ở khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai… đã tìm về các thôn Phủ Yên 1, 2, 3… để đặt hàng cá chép đỏ, nhưng năm nay, thị trường trầm lắng khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương đang rất lo lắng.
Mặc dù sắp đến Lễ cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), song thị trường cá chép đỏ ở xã Yên Lập (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn chưa sôi động.
Vừa đi vòng quanh ao nuôi trồng thủy sản, ông Trần Văn Trọng, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập vừa ném cám xuống hồ cho cá chép đỏ ăn. Sau khoảng 5-10 phút, mặt hồ chuyển màu đỏ rực bởi hàng nghìn con cá chép nổi lên mặt nước đớp mồi. Tuy nhiên, năm nay, việc kinh doanh gặp khó khăn khiến tâm trạng của những người chăn nuôi thủy sản, cụ thể là nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo ở Yên Lập không còn vui vẻ, phấn khởi như những năm trước.
Do cá chép đỏ là loài vật nuôi dùng để cúng ông Công ông Táo, mặt khác, thịt cá chép đỏ mềm, bở hơn so với những loại cá khác nên sau ngày 23 tháng Chạp không tiêu thụ được hết người dân phải đổ bỏ để chuyển sang nuôi cá giống thông thường. |
Theo lời ông Trọng, lẽ ra, vào thời điểm này, các thương lái đã đến đặt hàng cá chép đỏ, nhưng năm nay, hồ nào cũng vắng bóng người. Theo suy đoán của người dân địa phương, tình trạng ế ẩm này là do thị trường cá chép đỏ đang bị bão hòa. Do đó, nếu những năm trước, cá chép đỏ bán được từ 60-70 nghìn đồng/kg thì năm nay chưa chắc đã được một nửa giá.
Hiện nay, xã Yên Lập có hàng trăm hộ làm nghề ương cá giống với tổng diện tích khoảng 80 ha. Phần lớn, người dân sản xuất các loại cá giống nước ngọt như: Cá vược, nheo, trôi, chép, chim trắng, trắm, rô phi đơn tính… Tuy nhiên, gần Tết, nhiều hộ chuyển hẳn (hoặc nuôi xen kẽ) sang cá chép đỏ phục vụ nhu cầu thị trường đồ lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Hầu hết, cá chép đỏ giống được người dân địa phương lấy ở huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) về nuôi từ tháng 9 - 10 âm lịch.
Khi mới ương, cá chép đỏ chỉ nhỏ như hạt gạo, sau một thời gian, cá lớn bằng 2 đến 3 ngón tay là có thể xuất bán. Để cá phát triển đều và khỏe mạnh, người dân cần nuôi đúng mật độ và cho ăn đầy đủ. Theo kinh nghiệm của những người dân xã Yên Lập, đến Lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi cân cá chép đỏ dao động từ 25-30 con là đẹp và dễ bán.
Ông Trần Văn Trọng cho biết: "Năm nay, việc ương nuôi cá chép đỏ gặp nhiều khó khăn hơn do xuất hiện một số loại dịch bệnh rất khó chữa. Trung bình, tỷ lệ cá chép đỏ sống khỏe ở các hồ nuôi chỉ đạt từ 70-80%, song sức thu mua cá chép đỏ năm nay lại ế ẩm khiến người nông dân có nguy cơ thâm hụt vốn đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi".
Thời điểm này, ở xã Yên Lập nhà nào ít cũng có từ 1-2 tạ cá chép đỏ, nhiều lên đến 3-5 tạ. Nếu thị trường cá chép đỏ ổn định, áp Tết, mỗi gia đình có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng (đã trừ chi phí). Ngược lại, nếu thị trường cá chép đỏ phục vụ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp tiêu thụ khó khăn thì những hộ nuôi trồng thủy sản ở đây chỉ mong thu hồi được vốn. |
Hà Trần (Báo Vĩnh Phúc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.