Lễ hội cầu mùa của người Brâu: Đứng trước nguy cơ mai một

Thứ bảy, ngày 10/05/2014 14:30 PM (GMT+7)
Lễ hội cầu mùa của người Brâu là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên lễ hội đặc sắc này đang đứng trước nguy cơ mai một…
Bình luận 0
Nhiều ý nghĩa tâm linh

Người Brâu xưa sống du canh, du cư dọc biên giới Việt - Lào. Việc trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên. Năm nào mưa thuận gió hòa thì hạt lúa trên rẫy mới ngậm đầy sữa, có nhiều lúa chạy về kho; còn năm nào trời “nổi giận” mùa màng thất bát, người Brâu lại thiếu cái ăn, phải vào rừng đào củ mài, săn chim, bắt chuột để khỏi chết đói, chờ vụ lúa năm sau… Cho mọi sự là do ý trời nên năm nào dân làng cũng phải làm lễ cúng để tỏ lòng biết ơn hay “gợi sự thương xót” của thần linh…

Người Brâu  và lễ hội “mừng lúa vào kho”.
Người Brâu và lễ hội “mừng lúa vào kho”.

Tỉa lúa là lễ hội thứ nhất trong năm của người Brâu bắt đầu vào tháng 4 (nếu mưa sớm), còn năm nào mưa muộn thì phải chờ đến tháng 5 sau khi đốt rẫy khoảng 1-2 tháng. Trước đó vài ngày, già làng kêu gọi dân làng chuẩn bị mỗi nhà một ghè rượu; thanh niên trai tráng trong làng thì vào rừng chặt mây đắng (măng mây) để nấu với môn thục; nhóm khác đi bẫy chim, chuột còn phụ nữ đi xúc cá, đào củ mài trên rẫy, một nhóm khác nữa ở nhà trang trí nơi cúng lễ, dựng cây nêu. Năm nào khấm khá thì chuẩn bị heo, gà thậm chí tổ chức đâm trâu để cúng tế thần linh, nhưng không thể thiếu các món củ mài, chim, chuột và mây đắng.

Khi đã chuẩn bị xong các lễ vật, đầu tiên thầy cúng lấy máu gà bôi vào những sản vật nói trên, dụng ý cầu cho chúng sinh sôi, phát triển, rồi cho hương liệu vào ống nứa và bỏ than vào trong đó để đốt. Ống hương liệu được đặt gần bên ghè rượu để nhờ hương thơm dẫn dắt các thần linh về ăn tiệc, uống rượu… Khi việc hiến tế đã hoàn tất, dân làng bắt đầu tổ chức ăn uống, đánh chiêng Tha… Trong những ngày lễ hội này, người Brâu bắt buộc phải mặc trang phục truyền thống dành cho dịp lễ. Tiếp đến là lễ hội “Ăn cốm” diễn ra vào khoảng 30.9 hằng năm, khi cây lúa trên rẫy đã bắt đầu ngậm sữa. Còn lễ hội “Mừng lúa vào kho” được diễn ra vào khoảng tháng 11-12 hằng năm. Việc chuẩn bị tổ chức cúng các lễ này cũng tương tự lễ hội tỉa lúa.

Nguy cơ biến mất

Bà Y Pan- Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), năm nay đã 85 tuổi cho biết: Người Brâu có nhiều lễ hội, nhưng chỉ có 3 lễ hội lớn nhất trong năm đều thuộc lễ hội cầu mùa, đó là tỉa lúa, ăn cốm và mừng lúa vào kho…

Trước đây người Brâu còn sống du canh du cư, lễ hội của họ chỉ được tổ chức trong rẫy. Từ khi được về định cư tại làng Đăk Mế (1975), người Brâu vẫn tổ chức lễ hội đàng hoàng, nhộn nhịp hơn bên nhà rông của làng. Thế nhưng từ ngày người Brâu biết chuyên canh các loại cây công nghiệp thì cây lúa rẫy đã bị bỏ dần. Nhà nào cũng có vài ha cao su, cà phê, bời lời…, thu nhập khấm khá cao hơn nhiều so với việc phát nương làm rẫy. Chính vì thế mà việc tổ chức lễ hội theo vụ mùa cũng dần bị lơ là, không còn rình rang như trước.

Bà Y Pan lo lắng: “Tôi sợ rằng chỉ một thời gian không xa nữa, lễ hội cầu mùa của người Brâu sẽ mất, bởi hiện nay trong làng chỉ còn vài hộ trồng lúa… Năm ngoái trong làng chỉ còn ông Thao Trang và Thao Lầy A tổ chức lễ tại rẫy của mình, có mời bà con trong làng tham dự và ăn uống, nhưng mất phần hội và kém vui. Năm nay hỏi có tiếp tục làm lễ hay không, họ trả lời là không biết nữa, có thể là không làm…”.

Dương Đức Nhuận (Dương Đức Nhuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem