Lệ Rơi - Người bình dị thì không được cổ súy?

Thứ tư, ngày 02/07/2014 20:30 PM (GMT+7)
“Ca sĩ” Lệ Rơi, hay chàng nông dân Nguyễn Đức Hậu được một tờ báo điện tử mời đến giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc đã dấy lên một cơn bão tranh luận trên mạng xã hội. Nếu như sự xuất hiện của Lệ Rơi trong những ngày qua gây tranh luận chỉ xoay quanh chuyện hát dở, xấu trai mà vẫn nổi tiếng; thì giờ cuộc tranh luận ấy nâng cao thêm một nấc: Có nên cổ súy những hiện tượng lệch chuẩn, có nên “tôn vinh” một hiện tượng mạng chẳng có thành tích gì?
Bình luận 0
Những ngày qua cả báo giới lẫn dư luận đã mổ xẻ phân tích đâu là nguyên nhân dẫn đến sự nổi tiếng trong chớp mắt của anh chàng trồng ổi được mệnh danh là “ca sỹ” này. Tranh luận thì nhiều, nhưng đại đa phần ý kiến đều giống nhau ở một điểm: ở Lệ Rơi có sự chân thành; ở Lệ Rơi cái sự quê mùa chất phác và cả ngây ngô toát ra một cách tự nhiên, như bản chất của anh ta là vậy. Tóm lại Lệ Rơi là một nông dân thuần chất, không bị lưu manh hóa trong bối cảnh khi mà ở nhiều làng quê tệ nạn xã hội đã thâm nhập vào từng ngóc ngách.

 Tôi không thích Lệ Rơi với tư cách là một ca sĩ.  Những bài hát lệch tông sai nhạc phát âm ngọng  do anh trình bày  cho phép người ta giải trí nhiều lắm kéo dài không quá 5 phút và ít ai xem lại lần thứ hai. Nhưng tôi thích con người trong anh.

Anh biết rõ mình chẳng có chút tài âm nhạc nào, nhưng vẫn cất tiếng hát để phục vụ khán giả của riêng mình. Anh hát như hàng triệu người vẫn hát, chỉ có điều khác biệt  là anh dám đem tiếng hát ấy lên mạng Internet.

 Có người lo ngại việc báo chí, dư luận nhắc tới Lệ Rơi là vô hình cổ súy cho hiện tượng lệch chuẩn. Ngoài giọng hát không được thiên phú ra (mà điều này thì có ở 90% dân số nhân loại), trên thực tế Lệ Rơi không có gì là lệch chuẩn. Anh là một thanh niên có ước mơ được sống tốt ở làng; anh không rượu chè cờ bạc, không nghiện ngập, lô đề, không tham gia vào các tốp trai làng ngăn chặn trai làng khác tán gái làng mình…

Với  những nét tính cách như thế, cộng với tinh thần lạc quan và sự hóm hỉnh, có thể thấy anh là hình mẫu một thanh niên nông thôn tốt. Và đó cũng chính là lực hấp dẫn của Lệ Rơi đối với đông đảo công chúng.

Có người lo ngại, ai cũng như Lệ Rơi, học xong bỏ về quê “trồng ổi và hát lèng phèng” thì xã hội sẽ ra sao? Nhưng sao không ai đặt câu hỏi, thanh niên nông thôn học xong ở lại thành phố, bỏ lại nhà cửa ruộng vườn ở quê thì nông thôn của chúng ta sẽ như thế nào?

Trong khi nông thôn chính là nơi xuất thân của đại bộ phận dân chúng Việt Nam, là bầu sữa của cội nguồn văn hóa Việt Nam và giờ đây vẫn đang góp phần đắc lực nuôi sống xã hội.


img

Lệ Rơi là con người chất phác.

 Không cần cổ súy cho sự nghiệp ca hát của Lệ Rơi, bởi chính chàng trai trẻ này cũng  thừa nhận: “Xin mọi người đừng gọi tôi là ca sĩ, tôi chỉ là một anh nông dân thích ca hát, mặc dù hát không hay”.

Điều cần cổ súy chính là thái độ sống tích cực của một thanh niên nông thôn, tinh thần sống lạc quan, khả năng biết chia sẻ và cảm thông với mọi người của anh ta.

Qua hiện tượng Lệ Rơi, cũng có thể thấy xã hội còn làm quá ít cho thanh niên nông thôn, họ cần được quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần.

 Lệ Rơi nổi tiếng vì ngay từ đầu đã không đặt cho mình mục tiêu nổi tiếng. Sự chân thành ở anh đã tự mở đường khiến anh được nhiều người biết đến. Lệ Rơi ý thức rất rõ “sự nổi tiếng đến bất ngờ này rất mong manh”, anh ta có thể bị quên lãng rất nhanh giống như một hiện tượng mạng khác là “running man” Vũ Xuân Tiến, nhưng dù thế nào thì anh cũng làm được một việc quan trọng đó là đánh thức cho xã hội thấy ở nông thôn vẫn còn có những giá trị tốt đẹp và thanh niên nông thôn vẫn có thể làm được những điều kỳ lạ.
(Theo GiadinhNet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem