Hiện nay, nhiều dân tộc ở Tây Nguyên vẫn có tục lệ kết nghĩa anh em, cha mẹ nuôi. Khi trở thành anh em cũng có nghĩa là chung cha, chung mẹ nên phải làm lễ “bú vú” để chứng tỏ mối quan hệ ruột rà, cùng chung bầu sữa lớn lên…
Tôi đã không dưới một lần được chứng kiến nghi lễ thiêng liêng này của người J’rai. Năm 1998 ở Đức Cơ (Gia Lai), một ông đội trưởng đội sản xuất đã làm lễ nhận bố mẹ nuôi với vợ chồng một già làng. Vợ già làng tuổi đã cao, mình trần, đôi vú già nua lép kẹp thõng xuống như hai quả mướp khô, đôi tay héo hắt ôm lấy đầu ông đội trưởng.
Ông mối lấy một chén rượu pha tiết lợn đổ lên lưng bà già. Vừa đổ rượu ông vừa lâm râm khấn, đại ý rằng nay nó (ông đội trưởng) đã được nhận làm con; xin thần linh chứng cho, ai làm sai nghĩa ruột rà thì kẻ đó sẽ bị trừng phạt… Dòng rượu tiết loang dần trên lưng rồi nhỏ xuống đầu vú. Ông đội trưởng ngồi quỳ, đầu ngẩng lên ngậm vào đầu vú và mút lấy dòng rượu tiết… Lễ nhận con với vợ chồng già làng vậy là xong. Mọi người trịnh trọng ngồi vào tiệc rượu…
Nhiều nơi, người kết nghĩa được già làng đeo vòng thể hiện sự gắn kết. (Ảnh: San Nguyễn)
Mấy hôm sau vợ chồng già làng sắm tiệc rượu để “đãi” lại con nuôi. Theo lệ tục thì lễ của cha mẹ phải “hậu” hơn và phải được tổ chức tại nhà con. Lễ thức bú vú không phải tiến hành nhưng tiệc rượu đều có đủ mặt người làm chứng và họ hàng hai bên như một sự công nhận mối thân tình. Ông đội trưởng được cha mẹ nuôi tặng một chiếc ghè làm kỷ vật…
Lễ kết nghĩa anh em, cha con của người Tây Nguyên xưa thường xuất phát từ thần linh báo mộng hoặc do một sự tình cờ hiếm có nào đó (hai người ở khác làng trùng tên nhau; có con hay anh chị đã chết cùng tên...). Tuy nhiên lệ tục quy định rõ: Hai người kết nghĩa cha con, mẹ con thì tuổi phải tương đương thứ bậc; trai chưa vợ không được kết nghĩa với con gái chưa chồng và ngược lại. Một khi đã làm lễ bú vú, người được kết nghĩa sẽ được đối xử như thành viên ruột thịt.
Xưa nhờ lệ tục này, không ít làng từ thù địch đã bỏ được mối hiềm khích. Sau giải phóng, lễ kết giao của người Tây Nguyên không chỉ bó hẹp trong cộng đồng mà còn mở rộng đến các dân tộc khác cùng sống chung miền đất. Không hiếm những người Kinh – dù là cán bộ hay chỉ là người làm ăn bình thường được đồng bào kết nghĩa cha mẹ, anh em. Tôi đã gặp người được cả 7-8 nhà trong một vùng nhận con nuôi và họ đã ứng xử với nhau không khác mối tình thâm ruột thịt!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.