Lên lão tuổi... 55

Thứ năm, ngày 04/03/2010 11:16 AM (GMT+7)
NTNN - Qua tuổi 49 - 53, ở tuổi 55, những người đàn ông trong thôn Đầu Đặng (TP Hưng Yên) được làng tổ chức "lên lão" để thỉnh báo với thần linh sự tồn tại của mình.
Bình luận 0

Không làm là... mất gốc

Không ai biết nghi thức này có từ khi nào, chỉ biết là đã thành lệ, cứ vào mùng 5 Tết hàng năm, tất cả đàn ông trong thôn Đầu Đặng, xã Trung Nghĩa (TP.Hưng Yên) đến tuổi 55 đều tập trung ra đình thờ Trần Tướng Công của làng để làm lễ lên “tân lão”.

img
Những "ông lão" tuổi 55 ở Đầu Đặng chúc mừng nhau.

Ông Dương Văn Hỷ (70 tuổi) - người trông coi đền, cho biết: "Theo thói thường, những người “lên lão” phải ở độ tuổi 70 trở lên. Nhưng người dân thôn Đầu Đặng lại tâm niệm rằng 55 tuổi đã là cái tuổi "chín" của cuộc đời. Lên lão, không phải chứng tỏ mình đã già, là bậc đàn anh mà chỉ là để trình lên các vị thần linh chứng giám cho sự tồn tại của mình".

Ngoài đưa lễ ra đền chính, các “tân lão” còn phải sắp đủ lễ gồm xôi, rượu, thịt gà, hoa quả và kẹo bánh ra 5 đền khác là Giáp Nội, Giáp Thượng, Giáp Nam, Giáp Trung Cầu và Giáp Lễ án ngữ ở các hướng của làng.  

Năm nay thôn Đầu Đặng có 52 người "lên lão". Ông Lê Văn Đạt (hiện đang sống ở Thanh Sơn, Phú Thọ) là người ở thôn Đầu Đặng, Tết này cũng về quê để được thực hiện nghi thức này. Ông cho biết: "Người làng tha hương đến tuổi này không về làm “tân lão” thì coi như "mất gốc", không được làng xóm công nhận là con của quê hương dù anh có nhiều tiền bạc, công danh đến đâu".

Lên lão cho cả... người đã chết

Ông Trần Văn Oánh - một cán bộ xã cho biết: " Cách đây 5 năm, nhiều gia đình có người lên “tân lão” thường làm đến 60 - 70 mâm cỗ để thết họ hàng, làng xóm nhằm chứng tỏ khả năng của mình. Có đám ăn uống đến mấy ngày. Nhà nào nghèo không có tiền thì đi vay mượn, sau “tân lão” có nhà gần như sạt nghiệp. Nhưng mấy năm trở lại đây, thực hiện nếp sống tiết kiệm đã không còn hiện tượng đó nữa".

Ông Oánh cũng cho biết thêm: Tiền công đức vào đền của những “tân lão” cũng không bị bắt buộc như trước nữa mà tùy tâm, tùy hoàn cảnh của gia đình mà dâng lễ. Năm nay, 52 người được làm tân lão cũng đã cúng vào đền chính gần 30 triệu đồng và mỗi đền khác khoảng 15-20 triệu đồng. Số tiền này sẽ dành để  lo việc hương khói và tu bổ đền hàng năm.

Ngoài làm lễ “tân lão” cho người còn sống, dân làng Đầu Đặng còn có tục làm âm lão đối với những người không may mất sớm. Những người chẳng may mất sớm, tính đến thời điểm được 55 tuổi  thì người nhà vẫn sẽ làm tân lão cho họ.

Vợ, con cái người đã chết cũng sẽ  ra chùa gửi lễ cúng vong hồn người chết và làm một hai mâm cơm để người thân mình được siêu thoát hoặc có cuộc sống khỏe mạnh, an lành dưới cõi âm. Đó cũng là một dịp để nhớ tới người đã khuất, an ủi nỗi đau những người còn sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem