Phú Thọ: Liên kết chuỗi để nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân làm giàu

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 23/08/2022 06:25 AM (GMT+7)
Tỉnh Phú Thọ đã và đang đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho bà con nông dân.
Bình luận 0

Nâng cao giá trị nông sản

Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 33 HTX, 115 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với hơn 40 doanh nghiệp…

Đây là cơ sở vững chắc để góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Phú Thọ: Liên kết chuỗi để nông nghiệp phát triển bền vững, nhà nông làm giàu - Ảnh 1.

Phú Thọ triển khai nhiều biện pháp phát triển cây chè theo chuỗi giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ”. Ảnh: Hoan Nguyễn

HTX Nông nghiệp Thượng Nông (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là một trong những HTX thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Nông cho biết, HTX liên kết với Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hưng Yên thực hiện dự án trồng 25ha chuối Tây Thái Lan. Sau 1,5 năm đầu tiên trồng, trừ hết chi phí, HTX lãi 5 triệu đồng/sào chuối, các năm tiếp theo lãi tăng 7 triệu đồng/sào.

Ngoài ra, HTX chủ động liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương tổ chức sản xuất 60ha lúa giống và hàng năm bao tiêu 120-125 tấn giống lúa chất lượng cao. Đồng thời, liên kết với Công ty TNHH chế biến nông sản Vĩnh Phúc mở ra các mô hình trồng đu đủ, ớt…, tăng thu nhập cho các hội viên cao gấp 3-4 lần so với trước đây.

Theo ông Thắng, mục tiêu của chuỗi liên kết là bao tiêu sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn từ việc nâng cao giá trị nông sản cho các thành viên trong HTX và góp phần mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp (lúa, chuối, ớt, đu đủ, rau củ…) bền vững cho tỉnh Phú Thọ.

Phú Thọ: Liên kết chuỗi để nông nghiệp phát triển bền vững, nhà nông làm giàu - Ảnh 2.

HTX chè Long Cốc liên kết với 20 hộ trồng chè an toàn trên diện tích 37,4ha mang lại giá trị cao cho sản phẩm chè, nâng cao thu nhập, đời sống và giúp người nông dân làm giàu. Ảnh: Hoan Nguyễn

Hay như mô hình chuỗi liên kết, hợp tác giữa HTX chè Long Cốc với 20 hộ nông dân trồng chè an toàn trên diện tích 37,4ha ở xã Long Cốc (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Trong đó, có 12ha được chứng nhận VietGAP, diện tích chè còn lại vẫn được các hộ liên kết thực hiện cam kết trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ có sự hợp tác giữa các bên, mô hình đã đảm bảo được nguồn chè nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc.

Bà Phạm Thị Hạnh - Giám đốc HTX chè Long Cốc cho biết: "Mỗi hecta chè sản xuất liên kết hợp tác theo quy trình an toàn sẽ thu lãi khoảng 100 triệu đồng/lứa, cao gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống.

Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất chè, đời sống của các hộ dân ngày càng khấm khá. Đặc biệt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuỗi sản xuất chè đã giúp cho sản phẩm chè của HTX ngày càng nâng cao chất lượng.

Đến nay, HTX chè Long Cốc đã có 3 sản phẩm (chè Xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Đinh Bát Tiên) đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Các loại chè được bán rộng rãi, tạo uy tín lớn trong tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh lân cận".

Đẩy mạnh liên kết chuỗi để phát triển bền vững

Từ năm 2019, ông Nguyễn Văn Tuấn (khu 6, xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) tham gia liên kết với Công ty Dabaco (Bắc Ninh) thực hiện nuôi gà ri thả vườn sử dụng đệm lót an toàn sinh học. Với 5.000 con/lứa, nuôi gối liên tục, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ông Tuấn cho biết, vấn đề nông dân lo lắng nhất là đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Chính việc liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con yên tâm gắn bó, mở rộng diện tích gieo trồng, tăng quy mô vật nuôi.

"Thời gian tới, trên diện tích 3ha đất, gia đình tôi sẽ mở rộng đầu tư trang trại tổng hợp gồm 3 khu chuồng trại (nuôi gà ri thả vườn, lợn siêu nạc và lợn rừng) sử dụng đệm lót an toàn sinh học, kết hợp trồng cây ăn quả, thả cá…", ông Tuấn chia sẻ.

Phú Thọ: Liên kết chuỗi để nông nghiệp phát triển bền vững, nhà nông làm giàu - Ảnh 3.

Sản xuất theo chuỗi giá trị thúc đẩy nông sản Phú Thọ vươn ra khắp thị trường trong nước, phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hoan Nguyễn

Sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân mà còn thúc đẩy nông sản Phú Thọ vươn ra khắp thị trường trong nước, phục vụ xuất khẩu.

Tính đến nay, Phú Thọ có 78 chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Trong đó, cấp tỉnh triển khai 35 chuỗi, cấp huyện triển khai 15 chuỗi, cơ sở tự triển khai 28 chuỗi.

Để các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn hoạt động hiệu quả, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.

Thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức phong phú như: Giới thiệu sản phẩm qua các kênh hội chợ trong và ngoài nước, quảng bá, phân phối sản phẩm tại siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn...

Phú Thọ: Liên kết chuỗi để nông nghiệp phát triển bền vững, nhà nông làm giàu - Ảnh 4.

Liên kết theo chuỗi giá trị giúp sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Ảnh: Hoan Nguyễn

Tỉnh Phú Thọ cũng đã và đang lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng gắn với thị trường thông qua hợp đồng.

Đồng thời mời gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu.

Bên cạnh đó, xây dựng các đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập; kiểm soát 100% sản phẩm chuỗi trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tăng cường kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem